MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vietnam Airlines trình cổ đông kế hoạch lỗ gần 15.200 tỷ đồng, được vay 12.000 tỷ đồng

05-08-2020 - 10:04 AM | Doanh nghiệp

Dư tiền cuối năm 2020 dự kiến giảm 90,5% so với năm 2019. Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 40.586 tỷ đồng và lỗ sau thuế là 15.177 tỷ đồng.

Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không và Vietnam Airlines ( HoSE: HVN ) cũng không ngoại lệ. Từ một hãng hàng không truyền thống có lợi nhuận đều đặn hơn hai nghìn tỷ đồng mỗi năm, dòng tiền dương vài nghìn tỷ đồng, hãng lỗ lũy kế 4.264 tỷ đồng tới cuối tháng 6, riêng quý II lỗ ròng 3.945 tỷ đồng.

Theo báo cáo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên sẽ diễn ra vào ngày 10/8, ban lãnh đạo doanh nghiệp tính toán theo phương án được Chính phủ cho vay 12.000 tỷ đồng thì dư tiền cuối kỳ của công ty mẹ dự kiến là 397 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 16,63 lần, so với 2,72 lần của năm 2019.

Kiến nghị Chính phủ cho vay 12.000 tỷ đồng xuất phát từ việc dòng tiền thâm hụt tính đến giữa tháng 7 là 16.000 tỷ đồng.

Tại một tọa đàm giữa tháng 7, Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng dự thảo tờ trình trình Thủ tướng với 3 nội dung. Thứ nhất, Tổ ủng hộ Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn cho vay bắc cầu với Vietnam Airlines thông qua các tổ chức tín dụng, cho phép các tổ chức này cấp tín dụng vượt hạn mức với hãng.

Thứ hai là phát hành cổ phiếu tăng vốn bởi nếu Vietnam Airlines lỗ trung bình 1.600 tỷ/tháng thì hết năm nay âm vốn chủ sở hữu.

Tổ cũng kiến nghị Thủ tướng để Thủ tướng có quyết định về vấn đề khấu hao cơ bản, trả lãi, các định mức khác của ngân hàng... gọi chung là chi phí cố định.

Về phương án Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đầu tư vào Vietnam Airlines, ông Đinh Việt Tùng, Phó Tổng giám đốc cho rằng SCIC không thể dự báo thời điểm Vietnam Airlines hồi phục và không chắc chắn có thể giải được bài toán bảo toàn vốn.

Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 40.586 tỷ đồng, giảm 40,5% so với thực hiện năm 2019. Lỗ sau thuế là 15.177 tỷ đồng, trong khi năm 2019 lãi 2.517,5 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, hãng hàng không quốc gia có 24.808 tỷ đồng doanh thu, giảm 50% và lỗ sau thuế 6.642 tỷ đồng. Công ty hoàn thành 61% kế hoạch doanh thu.

Kế hoạch kinh doanh 2020

Vietnam Airlines trình cổ đông kế hoạch lỗ gần 15.200 tỷ đồng, được vay 12.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Nguồn: Vietnam Airlines

Năm 2020, số lượng khách vận chuyển dự kiến 14,5 triệu khách, giảm 36,8% và số lượng khách luân chuyển là 16,2 tỷ khách/km, giảm 57%. Số lượng hàng hóa là 204.800 tấn.

Kế hoạch kinh doanh trên được đặt ra trên dự kiến tạm dừng khai thác các đường bay đi châu Âu và Australia hết năm 2020. Công ty bắt đầu khai thác trở lại các đường bay trong khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á từ tháng 10 với tần suất hạn chế 3-5 chuyến/tuần và khai thác ổn định từ tháng 12.

Về vận tải nội địa, hãng sẽ khai thác 13 đường bay mới từ Hải Phòng, Vinh, Cần Thơ. Tính đến thời điểm hiện tại, hãng hiện có 63 đường bay nội địa.

Dựa vào thông tin giá dầu 5 tháng và kịch bản được đưa ra bởi Reuter, Vietnam Airlines ước tính giá nhiên liệu cả năm là 46,6 USD/thùng.

Tỷ giá bình quân USD/VND dự kiến cả năm là 23.484 VND.

Vietnam Airlines trình cổ đông kế hoạch lỗ gần 15.200 tỷ đồng, được vay 12.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Nguồn: Vietnam Airlines


Theo báo cáo HĐQT, ban lãnh đạo sẽ thực hiện dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp giai đoạn 2021-2025 và trình ĐHĐCĐ chủ trương bán 9 tàu bay A321 CEO. Theo đó, những tàu bay này đều có tuổi thọ hơn 12-13 năm với 6 tàu bay dự kiến bán theo kế hoạch còn 3 chiếc dự kiến đẩy sớm. Công ty cũng dự phòng phương án Sales & Leaseback (bán và thuê lại) cho 3 máy bay này nếu hiệu quả tài chính cao hơn.

Công ty từng bán 2 tàu A321 giao tháng 6 không thành công. Năm 2019, Vietnam Airlines cũng có mục tiêu bán 5 tàu bay A321 CEO nhưng đến thời điểm tháng 6, công ty bàn giao được 3 tàu, thu được 28 triệu USD.

Về kế hoạch đầu tư, công ty dự kiến chi 406 tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư năm nay với 74% dành cho kế hoạch thực hiện đầu tư 23 dự án chuyển tiếp từ năm 2019.

Không hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2019

Năm ngoái, Tổng công ty đạt 100.316 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng nhẹ 1,4% so với năm 2018 và lợi nhuận sau thuế là 2.537 tỷ đồng, giảm 2,4%. Vietnam Airlines không hoàn thành kế hoạch kinh doanh điều chỉnh khi đạt 95,9% kế hoạch doanh thu và 94,7% kế hoạch lợi nhuận.

Theo đánh giá của doanh nghiệp, thị trường hàng không năm 2019 vẫn ghi nhận tăng trưởng nhưng tốc độ chậm lại so với giai đoạn trước, đặc biệt là mảng quốc tế. Các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan xảy ra tình trạng dư tải, tốc độ tăng trưởng hành khách thấp hơn tốc độ tăng trưởng cung ứng. Các hãng giá rẻ đổ tải hàng loạt khiến mặt bằng giá vé giảm mạnh. Tổng thị trường quốc tế tăng trường 14,5% nhưng phân khúc truyền thống của Vietnam Airlines chỉ tăng 10,4% trong khi hàng không giá rẻ (LCC) tăng 23,8%.

Thị trường thuê chuyến tăng 22% nhưng chủ yếu tăng trưởng ở phân khúc LCC với 40%. Việc đồng nhân dân tệ mất giá và kinh tế gặp nhiều khó khăn khiến thị trường thuê chuyến Trung Quốc trở nên ảm đạm hơn, nhiều đối tác thuê chuyến ngưng hợp đồng, giảm tuần suất, khiến sản lượng của Vietnam Airlines giảm.

Tại thị trường nội địa, Bamboo Airways gia nhập ngành và tăng quy mô đội tàu bay lên tới trên 20 chiếc. Bên cạnh đó, Vietjet với mục tiêu giữ slot, giành thị phần đã liên tục tăng tải và triển khai giảm giá mạnh. Số ghế cung ứng năm 2019 tăng 18%, các tháng cuối năm tăng 30% khiến thị trường rơi vào tình trạng thừa tải nghiêm trọng.

Trong khi đó, sản lượng khách nội địa tăng 13,5%, thấp hơn 4% so với tăng trưởng tải. Điều này dẫn tới giá vé trung bình giảm 7%. Lượng khách tăng thêm đa phần ở phân khúc giá rẻ, chuyển từ đường sắt và đường bộ sang.

Không chi trả cổ tức năm 2019

Vietnam Airlines dự trình việc không chia cổ tức năm 2019 cho cổ đông. Công ty cho biết có 2 nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp không chi trả cổ tức năm 2019. Thứ nhất, do dòng tiền rơi vào tình trạng thâm hụt ngay từ đầu tháng 2 khiến công ty không có nguồn tiền để trả cổ tức. Việc không chi trả cổ tức nhằm đảm bảo dòng tiền và cân đối tài chính cho hoạt động kinh doanh năm 2020 và các năm tiếp theo.

Thứ 2, công ty đang đàm phán với Tổ chức tín dụng xuất khẩu châu Âu và các ngân hàng trong và ngoài nước để gia hạn và giãn tiến độ thanh toán. Một trong những điều kiện tiên quyết để cho phép Vietnam Airlines giãn nợ là không chia cổ tức cho cổ đông.

Theo Châu Anh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên