MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Viettel, FLC muốn đẩy mạnh đầu tư vào quốc gia này trong thời gian tới, giúp Việt Nam trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở đây

Viettel, FLC muốn đẩy mạnh đầu tư vào quốc gia này trong thời gian tới, giúp Việt Nam trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở đây

Viettel mong muốn được tham gia các dự án chuyển đổi số, cung cấp các sản phẩm công nghệ cao tại Lào với giá cả cạnh tranh. Trong khi đó, FLC bày tỏ quan tâm đến dự án tuyến đường sắt kết nối 2 nước qua cảng Vũng Áng; cũng như triển khai các cơ sở hạ tầng du lịch cao cấp tại quốc gia này.

Mới đây, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh đã gặp gỡ đại diện doanh nghiệp hai nước.

Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đây là cuộc gặp lịch sử, đặc biệt vì không có trong chương trình dự kiến ban đầu, nhưng đã được tổ chức thành công với sự tham dự của 14 Bộ trưởng và lãnh đạo cơ quan ngang Bộ, lãnh đạo 37 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam.

Viettel, FLC muốn đẩy mạnh đầu tư vào quốc gia này trong thời gian tới, giúp Việt Nam trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở đây - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc gặp. Nguồn: VGP.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào thời gian qua đã có sự phát triển không ngừng. Theo đó, Lào luôn đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 209 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,1 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước đầu tư tại Lào.

Đáng chú ý, sau một thời gian suy giảm, đầu tư của Việt Nam vào Lào đang có xu hướng tăng trở lại theo hướng bền vững hơn. Năm 2021, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 118,3 triệu USD, tăng 33,3% so với năm 2020. Một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào có hiệu quả, tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Trong năm 2021, một số một số dự án lớn, quan trọng đã được phía Lào tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện như dự án cảng Vũng Áng, thủy điện Luang Prabang, Xekaman 3, muối mỏ Kali, sân bay Noong-khảng…

Trong khuôn khổ buổi gặp mặt, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành hai nước. Từ đó, các dự án lớn, quan trọng đang được triển khai sẽ sớm được hoàn thành. 

Đồng thời, đại diện các doanh nghiệp cũng đề xuất các ý tưởng mới để sớm hiện thực hóa các dự án tiềm năng nhằm tạo sự đột phá trong hợp tác kinh tế, đầu tư thương mại có hiệu quả cao hơn giữa hai nước.

Cụ thể, Chủ tịch Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng bày tỏ khát vọng đưa Unitel (liên doanh của Viettel tại Lào) trở thành biểu tượng của quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước; Viettel mong muốn được tham gia các dự án chuyển đổi số tại Lào, cung cấp các sản phẩm công nghệ cao tại Lào với giá cả cạnh tranh… 

Bên cạnh đó, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC bày tỏ đặc biệt quan tâm đến dự án tuyến đường sắt kết nối từ cửa khẩu Cha Lo thuộc tỉnh Quảng Bình (Việt Nam) và tỉnh Thà Khẹk (Lào) qua cảng Vũng Áng; cũng như triển khai các cơ sở hạ tầng du lịch cao cấp tại Lào...

Viettel, FLC muốn đẩy mạnh đầu tư vào quốc gia này trong thời gian tới, giúp Việt Nam trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở đây - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh chứng kiến trao thoả thuận hợp tác đầu tư cho các doanh nghiệp. Nguồn: VGP.

Trong khuôn khổ buổi gặp mặt, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh khẳng định, Chính phủ hai nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất và chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp hai nước triển khai các dự án hợp tác kinh tế, đầu tư. 

Hiện Việt Nam đang là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Lào, và ông mong muốn ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào, đưa Việt Nam trở thành nhà đầu tư lớn thứ 2 hoặc thứ nhất tại đây.

Về phía Việt Nam, trên cơ sở Chiến lược hợp tác 2021-2030 và Hiệp định hợp tác 5 năm giai đoạn 2021-2025, kế hoạch hợp tác 2022 và các thỏa thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam – Lào, trọng tâm là thể chế, tài chính, hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng điện, viễn thông, du lịch, hợp tác kết nối ba nền kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia và với các nước khác trong khu vực. 

Viettel, FLC muốn đẩy mạnh đầu tư vào quốc gia này trong thời gian tới, giúp Việt Nam trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở đây - Ảnh 3.

Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh mong muốn đưa Việt Nam trở thành nhà đầu tư lớn thứ 2 hoặc thứ nhất tại đây. Nguồn: VGP.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị thúc đẩy tăng trưởng đầu tư, thương mại, phấn đấu đạt mức tăng trưởng ổn định từ 10% trở lên so với năm 2021. Đặc biệt, việc kết nối giao thông giữa hai nước cần phải được đẩy nhanh.

"Trước mắt tập trung nguồn lực nghiên cứu xây dựng và nâng cấp tuyến đường kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây và kết nối với các khu vực trong dự án phát triển giao thông vận tải trong các nước ASEAN và GMS; dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội – Viên Chăn và tuyến đường sắt Viên Chăn – Vũng Áng; thúc đẩy hợp tác đầu tư phát triển cảng 1, 2, 3 của cảng Vũng Áng", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay.

"Phấn đấu để chậm nhất trong năm nay, Lào có thể kết nối với biển", Thủ tướng nhấn mạnh.

Giang Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên