MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Viettel Global lên sàn Upcom với mức định giá gần 1,5 tỷ USD

Hơn 2,24 tỷ cổ phiếu của Viettel Global sẽ chào sàn Upcom với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 15.000 đồng/cổ phiếu.

Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) - công ty thành viên phụ trách hoạt động đầu tư viễn thông quốc tế của Tập đoàn Viettel đã hoàn tất các thủ tục để đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn Upcom vào 25/9/2018.

Trước đó, ngày 14/9, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán cho cổ phiếu Viettel Global với mã chứng khoán VGI. Viettel Global sẽ là cổ phiếu ngành viễn thông thứ 2 lên sàn sau FPTTelecom.

Viettel Global được thành lập vào cuối năm 2007 với vốn điều lệ ban đầu là 960 tỷ đồng. Sau nhiều lần chào bán riêng lẻ cho tập đoàn Viettel, hiện vốn điều lệ của Viettel Global đã tăng lên 22.438 tỷ đồng, tương ứng với hơn 2,24 tỷ cổ phiếu đang lưu hành.

Theo danh sách cổ đông chốt ngày 6/7/2018, Viettel Global có 6.348 cổ đông, trong đó Tập đoàn Viettel hiện là cổ đông chính nắm giữ 98,68% cổ phần. Giá chào sàn của VGI là 15.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức định giá 33.660 tỷ đồng (gần 1,5 tỷ USD).

Theo phương án đã được đại hội đồng cổ đông thông qua, Viettel Global sẽ tiếp tục chào bán thêm lượng cổ phiếu trị giá 8.000 tỷ đồng cho Viettel để bổ sung vốn cho các dự án đầu tư trong tương lai.

Viettel Global lên sàn Upcom với mức định giá gần 1,5 tỷ USD - Ảnh 1.

Đứng vị trí số 1 tại 5/9 quốc gia

Viettel Global bắt đầu đầu tư ra nước ngoài với 2 dự án tại Lào và Campuchia. Sau gần 11 năm hoạt động, hiện Viettel Global đã đầu tư vào 9 thị trường tại 3 khu vực gồm Đông Nam Á (Lào, Campuchia, Đông Timor và Myanmar), Mỹ Latin (Haiti) và châu Phi (Cameroon, Tanzania, Burundi và Mozambique). Viettel Global cho biết hiện các công ty thành viên đang giữ vị trí số 1 về thị phần tại 5/9 quốc gia là Campuchia, Lào, Đông Timor, Mozambique, Burundi.

Tính đến hết năm 2017, Viettel Global đang phục vụ gần 40 triệu khách hàng quốc tế sử dụng dịch vụ di động, Internet băng rộng, điện thoại cố định và không dây, giữ vững vị trị số 1 về thị phần tại 5/9 quốc gia đang đầu tư. So với năm 2016, Viettel Global tăng trưởng khách hàng 13%, gấp hơn 4 lần trung bình thế giới (khoảng 3%), các khu vực khác như Châu Phi khoảng 6%; Châu Mỹ khoảng 3% và Châu Á khoảng 3% theo GSMA.

Thông thường các dự án đầu tư viễn thông thường có thời gian thu hồi vốn dài từ 5-13 năm. Tuy nhiên, các thị trường Viettel Global đã đầutư từ 3 năm trở lên đều có kết quả kinh doanh tích cực, thậm chí có lãi. Hiện 7/9 thị trường đã kinh doanh có lãi, trừ2 thị trường mới đầu tư là Tanzania và Myanamar.

Trong số 9 mạng viễn thông ở nước ngoài, Viettel Global à công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn tại 7 công ty. Hai công ty Star Telecom tại Lào và Mytel tại Myanmar do Viettel Global nắm giữ 49% vốn nên chỉ ghi nhận là công ty liên kết, qua đó không hợp nhất doanh thu vào kết quả kinh doanh.

Viettel Global lên sàn Upcom với mức định giá gần 1,5 tỷ USD - Ảnh 2.

Năm 2017, khu vực châu Phi của Viettel Global tăng trưởng 33% qua đó chính thức đưa doanh thu của thị trường này vượt qua khu vực Đông Nam Á cũng như đưa tổng doanh thu của Viettel Global tăng vọt lên hơn 19.000 tỷ đồng - cao hơn hẳn so với mặt bằng của các năm trước đó. Lợi nhuận của Viettel Global trong năm 2017 đạt 27 tỷ đồng (tương đương 1,18 triệu USD), đây là một kết quả rất tích cực trong bối cảnh phải đầu tư lớn ở thị trường Myanmar và một số thị trường ở châu Phi mới ở giai đoạn đầu nên chi phí vận hành lớn.

Năm 2018, Viettel Global đặt kế hoạch 19.830 tỷ đồng doanh thu với doanh thu dịch vụ viễn thông từ các thị trường dự kiến tiếp tục tăng trưởng tốt so với năm 2017. Trong đó, 2 thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh là Tanzania tăng 70,61%; Burundi tăng 21,4%. Các thị trường còn lại đều có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu khá, như: Haiti tăng 14,4%; Lào tăng 13,45%; Đông Timor tăng 10,8%; Campuchia tăng 8,9%. Tăng trưởng khách hàng là 15% so với năm 2017, đưa tổng số lượng khách hàng ở nước ngoài đạt 45 triệu.

Thạch Lâm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên