MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Viettel Post (VTP) lên kế hoạch niêm yết HoSE, đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 29% trong năm 2021

Viettel Post (VTP) lên kế hoạch niêm yết HoSE, đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 29% trong năm 2021

VTP cho biết sẽ đề xuất kế hoạch chuyển niêm yết từ sàn UPCoM sang sàn HOSE tại ĐHCĐ sắp tới của công ty, diễn ra ngày 24/04/2021. Ban lãnh đạo kỳ vọng việc chuyển niêm yết sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2021 hoặc năm 2022 sau khi ĐHCĐ thông qua đề xuất này.

CTCK Bản Việt (VCSC) vừa đưa ra báo cáo cập nhật hoạt động Viettel Post (VTP) từ buổi analyst meeting mới diễn ra cách đây ít ngày.

Đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 29% trong năm 2021, niêm yết trên HoSE

Theo ban lãnh đạo, doanh thu của VTP tăng 106% YoY và LNTT tăng 10% YoY trong quý 1/2021. Tăng trưởng doanh thu cao hơn so với tăng trưởng LNTT một phần do doanh thu từ mảng bán thẻ cào điện thoại vốn có biên lợi nhuận thấp từ 300.000 điểm bán mà VTP nhận được từ Viettel Telecom vào cuối quý 1/2021. Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ mảng chuyển phát cốt lõi và các dịch vụ logistics khác của công ty.

Ban lãnh đạo VTP cho biết sản lượng chuyển phát của công ty đã tăng 16% YoY trong quý 1/2021. Trong cả năm 2021, VTP đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 24% YoY và LNTT tăng trưởng 29% YoY. Theo ban lãnh đạo, mục tiêu tăng trưởng LNTT của công ty dựa theo tăng trưởng chuyển phát hàng hóa, và ở một mức độ thấp hơn là gia tăng đóng góp từ các mảng ngoài chuyển phát như e-fulfillment. Khi VTP đã vượt 7% mục tiêu lợi nhuận quý trong quý 1/2021, ban lãnh đạo tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu cả năm 2021.

Bên cạnh đó, VTP cho biết sẽ đề xuất kế hoạch chuyển niêm yết từ sàn UPCoM sang sàn HOSE tại ĐHCĐ sắp tới của công ty, diễn ra ngày 24/04/2021. Ban lãnh đạo kỳ vọng việc chuyển niêm yết sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2021 hoặc năm 2022 sau khi ĐHCĐ thông qua đề xuất này.

Đưa vào hoạt động các trung tâm logistics thông minh, hợp tác với Tân Cảng Sài Gòn

Tháng 1/2021, VTP đã đưa vào hoạt động trung tâm logistics thông minh đầu tiên tại TP. HCM, bao gồm trung tâm phân loại tự động với công suất mỗi giờ là 42.000 kiện hàng (so với công suất 36.000 kiện hàng/giờ tại trạm phân loại hiện hữu của VTP tại Hà Nội) và 1 trung tâm fulfillment được trang bị công nghệ mới như robot và trí tuệ nhân tạo.

Ban lãnh đạo cho biết trung tâm logistics thông minh mới tại TP. HCM có hiệu suất hoạt động 100% trong các giờ cao điểm và giúp giảm chi phí phân loại 60% trong khi giảm thời gian phân loại từ 6 giờ còn 2 giờ.

Trong tương lai, VTP có kế hoạch mở các trung tâm logistics thông minh tại 17 tỉnh thành vào năm 2025. Trong năm 2021, VTP sẽ đầu tư thêm vào 2 trung tâm logistics thông minh tại Đà Nẵng và Cần Thơ. Ban lãnh đạo cho biết nhờ khả năng Nghiên cứu & Phát triển (R&D) của chính công ty, chi phí đầu tư của VTP thấp hơn ít nhất 40% so với các đối thủ khác. Trong khi đó, công ty đang hợp tác chặt chẽ với công ty mẹ – Tập đoàn Viettel – để có quỹ đất cho các trung tâm logistics này, với mỗi trung tâm cần quỹ đất khoảng 4 ha.

Nhờ các trung tâm logistics mới, VTP có kế hoạch gia tăng đóng góp doanh thu từ mảng efulfillment và logistics hàng hóa lớn từ mức thấp hơn 10% trong năm 2020 lên khoảng 50% trong năm 2025. Theo ban lãnh đạo, trung tâm logistics của công ty có thể tự động phân loại hàng hóa tối đa lên đến 50 kg, lợi thế mà các đối thủ cạnh tranh chưa sở hữu. Mặt khác, tại từng trung tâm logistics, khu vực fulfillment được trực tiếp kết nối với hệ thống phân loại tự động, giúp rút ngắn thời gian xử lý đơn hàng.

VTP có kế hoạch nhắm đến các khách hàng là nhà bán hàng hiện hữu với khối lượng chuyển phát lớn và từ đó mở rộng sang các nhà sản xuất và nhập khẩu. Theo ban lãnh đạo, nhờ công nghệ vượt trội, hệ thống bưu cục rộng lớn và kinh nghiệm giao nhận chặng cuối, VTP có thể phục vụ các nhà sản xuất và nhập khẩu tốt hơn so với các công ty logistics truyền thống khi cung cấp dịch vụ trọn gói.

Theo quan điểm của ban lãnh đạo, xu hướng bán hàng trực tiếp cho khách hàng (D2C), trong đó các nhà sản xuất bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng trên kênh bán hàng của riêng các nhà sản xuất, là cơ hội cho VTP. Ban lãnh đạo chia sẻ rằng VTP sẽ hợp tác chiến lược với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) – nhà vận hành cảng lớn nhất Việt Nam thuộc sở hữu của quân đội – trong năm 2021 để mở rộng năng lực logistics của công ty. Theo VTP, năng lực cảng và kho bãi lớn của SNP sẽ bổ trợ tương hỗ với mảng kinh doanh e-fulfillment và chuyển phát chặng cuối của của VTP.

Chuyển đổi cửa hàng Viettel Telecom thành điểm nhận gửi hàng

VTP có kế hoạch gia tăng việc chuyển đổi 800 cửa hàng của Viettel Telecom và 300.000 điểm bán là các điểm nhận gửi hàng trong năm 2021. Theo ban lãnh đạo, việc tích hợp các cửa hàng và điểm bán này vào mảng chuyển phát của VTP sẽ cần vài năm để hoàn thành và VTP sẽ bắt đầu gặt hái các hiệu ứng tích cực từ năm 2021. VTP tiếp tục tập trung vào giảm cơ cấu chi phí. Ví dụ, VTP đã giảm chi phí chặng giữa, chiếm 30% tổng chi phí chuyển phát, ít nhất 5% mỗi năm trong vài năm qua.

Đối với chi phí chặng cuối và chặng đầu tiên – vốn chủ yếu là chi phí lao động, VTP có kế hoạch triển khai các ý tưởng công nghệ nhằm cải thiện năng suất chung. Trong năm 2021, VTP cũng có kế hoạch triển khai các bưu cục số (cụ thể, không có giấy tờ và thực hiện quét hình ảnh tự động) nhằm giảm thời gian xử lý, điều này giúp giảm chi phí chặng đầu và cải thiện hình ảnh thương hiệu.

VTP dự kiến triển khai dịch vụ "thanh toán khi nhận hàng" trong năm 2021 khi hợp tác với ví điện tử và mobile money của Viettel Pay. Theo ban lãnh đạo, nếu người dùng cuối thanh toán thông qua các phương thức không dùng tiền mặt, VTP có thể giảm chi phí xử lý COD các rủi ro liên quan.

Minh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên