VIMC dồn lực đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cạnh tranh với các cảng biển lớn trên thế giới
Với sự phát triển nhanh chóng của ngành vận tải biển, VIMC không chỉ tập trung vào việc nâng cao hạ tầng cảng biển mà còn đẩy mạnh phát triển đội tàu và hợp tác quốc tế.
Tại hội nghị tổng kết của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã đưa ra những chiến lược và giải pháp đột phá trong giai đoạn sắp tới để đưa ngành hàng hải Việt Nam ra biển lớn.
Với sự phát triển nhanh chóng của ngành vận tải biển, VIMC không chỉ tập trung vào việc nâng cao hạ tầng cảng biển mà còn đẩy mạnh phát triển đội tàu và hợp tác quốc tế. Những nỗ lực này không chỉ giúp tháo gỡ các điểm nghẽn hiện tại mà còn đặt nền móng cho ngành hàng hải Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.
Tàu lớn cần luồng lớn: hoạt động nạo vét đang là điểm nghẽn
Sự gia tăng không ngừng về kích thước tàu biển và sản lượng hàng hóa đã tạo áp lực lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng hàng hải của Việt Nam. Hiện nay, sản lượng hàng hóa qua các cảng biển Việt Nam đã đạt 30 triệu TEU, vượt xa dự báo cách đây 10 năm. Trong khi đó, Singapore - cảng trung chuyển lớn nhất khu vực - đang xử lý khoảng 37 triệu TEU. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, lãnh đạo VIMC tin rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng vượt qua Singapore trong tương lai gần.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay nằm ở vấn đề nạo vét luồng lạch. Theo thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam, các dự án nạo vét cần phải được triển khai nhanh chóng để đáp ứng yêu cầu của các tàu lớn. Tuy nhiên, ngân sách dành cho hoạt động này vẫn còn đang hạn chế và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Đồng thời, các cảng cũng cần áp dụng mô hình “cảng mở”, tích hợp hệ thống hải quan nhằm giảm thời gian thông quan, giúp vận chuyển hàng liên cảng và tăng tính cạnh tranh.
Để giải quyết những điểm nghẽn này, VIMC đã tập trung nguồn lực lớn nhất vào các dự án cảng nước sâu mang tính chiến lược. Điển hình là dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của ngành hàng hải Việt Nam.
Với vị trí chiến lược, cảng Cần Giờ không chỉ rút ngắn quá trình vận chuyển và giảm mạnh chi phí logistics của hàng hóa nội địa mà còn mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tổng Giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh chia sẻ:“Chúng tôi rất mong chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án này và đề nghị TP.HCM sớm hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư. Đây sẽ là bước đi quan trọng để nâng tầm ngành hàng hải Việt Nam, cạnh tranh sòng phẳng với các cảng biển lớn trên thế giới.”
Khi đi vào hoạt động, cảng Cần Giờ cùng với cụm cảng Cái Mép- Thị Vải sẽ trở thành 1 tổ hợp cảng giúp nâng cao tính cạnh tranh của ngành hàng hải Việt Nam, tái định tuyến lại bản đồ hàng hải của khu vực hiện tại và tương lai là Nội Á. Không những thế, cụm cảng này còn giúp hàng hóa Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào trung chuyển qua Singapore, tạo ra những tuyến vận chuyển hàng đi thẳng quốc tế từ Việt Nam và gia tăng đáng kể năng lực cạnh tranh của hàng hóa nội địa trên thị trường quốc tế.
Chiến lược phát triển đội tàu và hợp tác quốc tế
Song song với việc nâng cấp hạ tầng cảng biển, VIMC cũng đặt mục tiêu phát triển nhanh đội tàu biển quốc gia thông qua chiến lược hợp tác với các hãng tàu lớn nhất thế giới. Bằng cách này, VIMC không chỉ tận dụng được tệp khách hàng lẫn thị trường sẵn có của đối tác mà còn mở rộng mạng lưới vận tải nhanh chóng và nâng cao năng lực cạnh tranh. Hợp tác quốc tế không chỉ giúp Việt Nam tiếp cận với công nghệ vận tải tiên tiến mà còn đảm bảo tính hiệu quả trong khai thác vận tải. Đây chính là chiến lược với cách giải rút gọn nhằm xử lý bài toán thực tế nhanh nhất.
Ông Tĩnh nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển đội tàu mạnh mẽ, không chỉ để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa trong nước mà còn phục vụ các tuyến đường quốc tế. Đây là bước đi quan trọng để đưa hàng hóa Việt Nam trực tiếp ra thế giới mà không phải trung chuyển qua các nước khác.”
Trong năm vừa qua, VIMC đã đạt được những thành tựu đáng kể, bao gồm sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 145 triệu tấn tăng 27% so với 2023, sản lượng vận tải biển đạt 20 triệu tấn và vượt 22% so với kế hoạch. Tuy nhiên, VIMC nhấn mạnh rằng đây chỉ là bước khởi đầu cho những kế hoạch lớn hơn trong tương lai.
“Chúng tôi sẽ không dừng lại ở những con số hiện tại. Với sự hỗ trợ từ chính phủ và các bộ, ngành, VIMC sẽ tiếp tục thực hiện những dự án mang tính đột phá để hiện thực hóa mục tiêu đưa ngành hàng hải Việt Nam vươn tầm khu vực.”
Khát vọng nâng tầm vị thế ngành hàng hải Việt Nam
Không chỉ dừng lại ở những mục tiêu kinh tế, các chiến lược của VIMC còn hướng tới việc đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Việt Nam. Các dự án cảng nước sâu không chỉ tạo ra công ăn việc làm mà còn thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Với tầm nhìn chiến lược và sự quyết tâm cao, VIMC đang viết tiếp câu chuyện phát triển của ngành hàng hải Việt Nam, biến khát vọng thành hiện thực và khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ hàng hải thế giới.
Kết thúc tham luận, ông Nguyễn Cảnh tĩnh chia sẻ: “Để hiện thực hóa chiến lược này, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, các bộ ngành. Đặc biệt, những cơ chế chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp lớn như phân cấp phân quyền mạnh mẽ cho đại diện vốn chủ sở hữu, trao quyền tự quyết cho doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để các tập đoàn Việt Nam vươn ra biển lớn. Chúng tôi tin rằng, với sự đồng hành từ Chính phủ và các bộ ngành, VIMC sẽ không chỉ đạt được các mục tiêu kinh doanh mà còn góp phần nâng tầm vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.”
Nhịp Sống Thị Trường