VinaCapital sẽ có quỹ mới hơn 200 triệu USD
Quỹ đầu tư VinaCapital có thể sẽ thành lập quỹ mới trị giá hơn 200 triệu USD để đầu tư vào các công ty tư nhân tiềm năng tại Việt Nam.
- 08-07-2016VinaCapital chính thức không còn là cổ đông lớn của Hòa Phát
- 21-06-20162 tổ chức thuộc VinaCapital đăng ký bán lượng cổ phiếu Dược Hậu Giang trị giá 550 tỷ
- 17-06-2016Chậm mở “room” - thoái vốn, Vinacapital cũng chỉ biết đợi
Đó là chia sẻ độc quyền của ông Andy Ho, giám đốc đầu tư của VinaCapital, với DealstreetAsia bên lề hội nghị Asia Private Equity-Venture Capital do trang tin này tổ chức ngày 30-9 tại Singapore.
Tuy tình hình gây quỹ của các công ty đầu tư tư nhân (private equity) trong khu vực gần đây không mấy sáng sủa, ông Andy Ho tin tưởng vào tiềm năng phát triển còn chưa được khai thác hết của thị trường trong nước.
Cho đến nay, VinaCapital vẫn chưa quyết định về quy mô cũng như thời gian sẽ ra mắt quỹ mới này.
Các danh mục công ty tư nhân mà VinaCapital đã đầu tư được giao dịch bởi quỹ Vietnam Opportunity Fund. Thương vụ gần đây nhất là khoản cấp vốn 30 triệu USD vào công ty An Cường.
“Số tiền 200 triệu USD là con số phù hợp để giải ngân cho thị trường Việt Nam trong vòng 2-3 năm. Nếu nhà đầu tư đổ vào hơn mức đó mà chúng tôi không thực hiện được trong khoảng thời gian đó thì cũng sẽ không tốt,” ông Andy Ho trả lời DealstreetAsia.
Vị CIO của VinaCapital chia sẻ một trong những lý do quỹ này dự định mở quỹ mới là bởi các thương vụ đầu tư thời gian gần đây của VinaCapital có giá trị ngày một tăng.
“Chúng tôi đang đầu tư khoảng 20-70 triệu USD mỗi thương vụ, do bối cảnh các doanh nghiệp đang lớn dần, bản thân các quỹ của VinaCapital cũng lớn hơn. Để phát triển và hoạt động hiệu quả hơn, chúng tôi phải hướng đến những cơ hội lớn hơn.”
Những công ty mà VinaCapital muốn đầu tư sẽ là những doanh nghiệp có khả năng tự vận hành. Ông Andy cho biết, những cơ hội đầu tư như vậy mà càng lớn thì khả năng thoái vốn thành công sẽ càng cao. Một trong những yếu tố quan trọng nhất mà các nhà đầu tư tư nhân cân nhắc khi xem xét bỏ tiền vào chính là môi trường thoái vốn.
Với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn qua các thương vụ M&A gần đây, điển hình là Central Group – Big C, thị trường Việt Nam đang cho thấy nhiều cửa thoái vốn hơn.
Tuy nhiên, ông Andy cũng chia sẻ việc chốt một thương vụ lại không gian nan bằng việc gây quỹ trong thời điểm hiện tại.
Lý do là vì thương hiệu quốc gia của Việt Nam còn yếu, và VinaCapital phải tập trung tìm kiếm những nhà đầu tư thực sự quan tâm đến thị trường này.
Tuy nhiên, xu hướng đầu tư tư nhân vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh khi dòng vốn vào các nước khác trong khu vực đang dịch chuyển sang thị trường Việt Nam. Năm ngoái, các quỹ private equity đổ khoảng 300 triệu USD vào thị trường này, và con số này được hy vọng sẽ chạm ngưỡng 500 triệu USD đến 1 tỷ USD chỉ trong vài năm tới.
“Nền kinh tế trong nước đang tăng trưởng rất nhanh. Quan trọng hơn cả, nhiều cá nhân đang trở nên giàu hơn do FDI tăng mạnh. Nên đầu tư vào những công ty có sản phẩm và dịch vụ phục vụ tầng lớp này,” ông Andy Ho cho biết.
Theo chia sẻ của các chuyên gia tham dự sự kiện của DealstreetAsia, tại các thị trường mới nổi như Việt Nam hay Indonesia, mức độ cạnh tranh giữa các quỹ private equity chưa cao nên có rất nhiều cơ hội. Còn nhiều công ty cùng giai đoạn tăng trưởng so với các doanh nghiệp ở Malaysia hay Singapore nhưng chưa được đầu tư.
Cũng chia sẻ tại sự kiện, nhà đầu tư lừng danh, tỷ phú Mark Mobius, cho biết thị trường Việt Nam chiếm khoảng 4% danh mục đầu tư của quỹ Templeton. Quỹ này đã đầu tư vào Huy Vietnam và ITL. Tỷ phú Mark Mobius cho biết tỷ trọng này sẽ gia tăng, và ông cũng từng cam kết sẽ đầu tư tới 3 tỷ USD vào Việt Nam.
Warburg Pincus, quỹ đầu tư hàng đầu thế giới, cũng chia sẻ với DealstreetAsia rằng bên cạnh Indonesia, Việt Nam sẽ tiếp tục là thị trường trọng tâm tại châu Á.
Người đồng hành