Vinaconex đặt mục tiêu phát triển quỹ đất lên tới 5.000 ha vào năm 2025
Ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Vinaconex chia sẻ mục tiêu phát triển quỹ đất của doanh nghiệp lên 5.000 ha vào năm 2025, và trở thành một trong những nhà đầu tư BĐS lớn nhất Việt Nam trước thềm chuyển sang niêm yết tại sàn HOSE.
Chia sẻ về định hướng phát triển mảng bất động sản trong thời gian tới ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết Vinaconex hiện đang đầu tư chủ lực vào các dự án nhà ở, khu đô thị, khu nghỉ dưỡng, BĐS công nghiệp. Vinaconex phấn đấu trong một vài năm tới tỷ trọng đầu tư BĐS ngày càng tăng. Hiện tỷ trọng lớn Vinaconex là xây lắp nhưng tương lai sẽ là BĐS.
"Hiện nay, việc thực hiện M&A các dự án bất động sản đã cơ bản hoàn thiện thủ tục pháp lý để có thể vừa triển khai thực hiện trong năm, vừa tạo quỹ đất dự trữ cho các năm tiếp theo. Dự kiến quy mô đầu tư vốn của Vinaconex vào các Dự án trong thời gian tới sẽ lên đến hàng nghìn tỷ đồng, tổng quỹ đất 5.000ha", Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh khẳng định.
Theo tìm hiểu, Vinaconex đang nắm giữ quỹ đất lên đến gần 2.000 ha trải dài tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Nam, Phú Yên…. với các sản phẩm từ BĐS nhà ở, BĐS nghỉ dưỡng đến BĐS công nghiệp.
Bất động sản nhà ở vẫn tăng giá theo quý
Động thái chuyển trọng tâm sang phát triển bất động sản của Vinaconex không phải là điều khó hiểu bởi thời gian qua bất chấp dịch bệnh giá bất động sản liên tục tăng mạnh, hút dòng tiền mạnh mẽ của giới đầu tư.
Báo cáo thị trường bất động sản quý III/2020 của Bộ Xây dựng cho thấy, bất động sản nhà ở chưa có xu hướng giảm giá mà vẫn tăng theo quý. Cụ thể, trên cả nước, giá bán căn hộ trung cấp dao động từ 20 - 35 triệu đồng/m2, phân khúc cao cấp từ 35 triệu đồng/m2 trở lên.
"Trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, các ngành nghề khác đều bị tác động nhưng giá nhà ở liên tục tăng cao, có nơi tăng giá đến 30%. Giá tăng trong bối cảnh nguồn cung vẫn bị giảm mạnh trong năm 2020, điều này dẫn đến tình trạng 3 năm sau hàng hóa BĐS sẽ tiếp tục rơi vào khan hiếm, cùng với đó việc đầu cơ sẽ khiến giá nhà tăng rất cao trong 3 năm tới. Vì thế, bất động sản vẫn tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn trong ngắn hạn", giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường nhận định.
Ở phân khúc bất động sản nhà ở, các dự án trọng tâm của Vinaconex đang triển khai có thể kể đến như Dự án 93 Láng Hạ (Hà Nội), Dự án khu đô thị Đại lộ Hòa Bình (Móng Cái – Quảng Ninh) quy mô gần 50 ha…. Trong đó, dự án 93 Láng Hạ sẽ là khu chung cư tiêu chuẩn mới định hình thương hiệu Vinaconex trong phân khúc bất động sản cao cấp, thông minh, đi kèm các tiện ích vượt trội sẽ hoàn thiện vào năm 2022.
Bất động sản nghỉ dưỡng dự báo bật dậy mạnh mẽ sau dịch Covid-19
Với tốc độ tăng trưởng khách du lịch lên đến khoảng 30%/năm đối với khách du lịch nội địa và khoảng 15%/năm đối với khách du lịch quốc tế trong các năm gần đây, đã tạo sức bật nhanh, mạnh cho thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Hiện tại, do những tác động không nhỏ bởi dịch bệnh Covid-19 thị trường BĐS nghỉ dưỡng đang chững lại, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia BĐS nghỉ dưỡng sẽ là phân khúc phục hồi mạnh mẽ nhất sau dịch.
Để đón đầu sự phục hồi của BĐS nghỉ dưỡng năm 2021, Vinaconex đã tái khởi công siêu dự án Cát Bà – Amatina vào cuối tháng 11 vừa qua. Với tổng diện tích hơn 172 ha trải dài gần 3km ven tuyến đường xuyên đảo, Cát Bà – Amatina có quy mô 7 khu resort với khoảng 800 biệt thự, 6 khách sạn 5 sao. Cùng với đó là 2 bến du thuyền, 1 bến tàu du lịch, 1 trung tâm hội nghị quốc tế, 1 khu thương mại dịch vụ quốc tế, 1 khu thể dục thể thao, các khu dịch vụ giải trí đa chức năng và. Dự kiến toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào năm 2025 và trở thành dự án đô thị du lịch quy mô lớn nhất miền Bắc.
Ngoài Cát Bà Amatina, hiện nay Vinaconex cũng đang triển khai đầu tư các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại các thành phố biển như: Dự án Condotel Tuy Hòa (Phú Yên), Hạ Thanh (Resort). Ngoài ra, Tổng công ty đang nghiên cứu lập quy hoạch Khu đô thị Xanh Lai Nghi (Quảng Nam), Khu đô thị sinh thái Biển Hồ (Tuy Hòa).
Đón cơ hội bùng nổ của Bất động sản công nghiệp
Không chỉ đẩy mạnh phát triển bất động nhà ở và nghỉ dưỡng, trong bối cảnh Việt Nam đang đón sóng bất động sản công nghiệp mới mạnh nhất trong vòng 25 năm qua, ông Đào Ngọc Thanh khẳng định BĐS công nghiệp là thế mạnh của Tổng công ty. Hiện Tổng công ty đang đẩy mạnh xây dựng Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp – công nghệ cao 2 Hòa Lạc 270,8ha (Hà Nội), Dự án Cụm công nghiệp Sơn Đông 72,5 ha (Hà Nội)…và một số khu công nghiệp lớn tại Đông Anh và Hà Nam.
Báo cáo của CBRE cho thấy trong 3 quý đầu năm 2020, thị trường bất động sản công nghiệp ghi nhận nhu cầu ở rộng mạng lưới phân phối đến từ các công ty thương mại điện tử và kho vận. Mức chào thuê tại các dự án kho mới của chủ đầu tư nước ngoài đã tăng 5-10% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, nhu cầu tìm kiếm quỹ đất phát triển kho vận cũng tăng cao từ các nhà đầu tư nước ngoài. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục chiếm lĩnh nguồn cầu cho thị trường thời gian tới.
Có thể thấy, động thái đẩy mạnh phát triển bất động sản của Vinaconex thể hiện quyết tâm của doanh nghiệp này khi chuyển trọng tâm kinh doanh mũi nhọn sang bất động sản sau khi tái cấu trúc. Với quỹ đất lên tới 5.000 ha trong vòng 4 năm tới, Vinaconex được giới đầu tư kỳ vọng vào tiềm lực phát triển mạnh mẽ trên thị trường BĐS trong tương lai. Được biết, trong hành trình tái cấu trúc, ngày 29/12 tới đây, gần 442 triệu cổ phiếu VCG cũng sẽ giao dịch phiên đầu tiên tại HoSE vào ngày 29/12 với giá tham chiếu 41.800 đồng, tương ứng vốn hóa thị trường đạt gần 18.500 tỷ đồng.