MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinaconex (VCG): Ngày 29/12 chuyển niêm yết HoSE với giá tham chiếu 41.800 đồng/cp, đặt mục tiêu có lãi 2.000 tỷ đồng đến năm 2025

Vinaconex (VCG): Ngày 29/12 chuyển niêm yết HoSE với giá tham chiếu 41.800 đồng/cp, đặt mục tiêu có lãi 2.000 tỷ đồng đến năm 2025

Tương lai 5 năm tới, Vinaconex sẽ cân nhắc thoái vốn tại các công ty con không cần thiết, tập trung phát triển mảng trọng yếu là bất động sản. Theo lộ trình mảng bất động sản sẽ chiếm 70% tổng doanh thu VCG, mảng đầu tư tài chính chiếm khoảng 20-30% còn lại. Kế hoạch đến năm 2021, VCG sẽ đảm bảo lãi tối thiểu vào mức 1.000 tỷ đồng; tiến đến mức lãi 2.000 tỷ trong năm 2025.

Ngày 29/12 tới đây, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, VCG) sẽ chuyển 442 triệu cổ phiếu sang giao dịch sàn HoSE, giá tham chiếu 41.800 đồng/cp – tương ứng vốn hoá vào mức 18.500 tỷ đồng.

Được biết, VCG tiền thân là công ty dịch vụ và xây dựng nước ngoài, sớm được thành lập từ năm 1988. Năm 2008, VCG chính thức niêm yết giao dịch trên sàn HNX và là một trong số các đơn vị có vốn hoá lớn, tác động đáng kể đến sàn này. Tháng 11/2018, VCG chuyển sang hoạt động theo mô hình không còn vốn Nhà nước, đồng thời xác định chiến lược phát triển dựa trên 3 trụ cột là xây lắp, bất động sản và đầu tư tài chính. Theo đó, động thái niêm yết HoSE cho thấy nỗ lực minh bạch hoá, tăng nhận diện thương hiệu và thu hút nhà đầu tư cùng phát triển.

Tại buổi roadshow trước thềm chuyển sàn, Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Đông bày tỏ Công ty luôn mong muốn tất cả nhà đầu tư tham gia vào VCG để cùng phát triển, bao gồm nhà đầu tư ngoại. "VCG thời gian khi còn vốn Nhà nước thì bị giới hạn, nhưng đến nay đã có thể thu hút vốn ngoại, và Công ty sẵn sàng hợp  tác nếu có nhà đầu tư muốn tham gia", đại diện VCG nói.

Liên quan đến việc tăng vốn, trước đó VCG từng lên kế hoạch tuy nhiên tuỳ theo tình hình cụ thể Công ty đã có điều chỉnh lại. Dù vậy, định hướng thời gian tới VCG chắc chắn phải tăng vốn, bởi trên cơ sở trúng thầu dự án lớn Công ty cần đảm bảo lượng vốn để triển khai. Công ty cho biết có thể sẽ chọn thời điểm phù hợp trong năm 2021.

Về kinh doanh, đến nay mảng xây lắp đang chiếm phần lớn doanh thu Công ty. VCG hiện triển khai các hợp đồng xây lắp có tổng giá trị khoảng 15.000 tỷ đồng. Năm 2020, doanh nghiệp tập trung vào các dự án hạ tầng có vốn đầu tư công và vốn đầu tư nước ngoài.

Một số gói thầu quy mô VCG đang thực hiện phải kể đến Gói thầu 3 – XL, (cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây) và gói thầu XL – 4 (cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết) với tổng giá trị 5.000 tỷ đồng; cầu Vĩnh Tuy – giai đoạn 2 (Hà Nội), bệnh viện K, Toà án nhân dân Hà Nội…

Câu hỏi đặt ra, niêm yết lên HoSE, liệu rằng VCG sẽ như thế nào khi đặt trong phép so sánh với các tên tuổi hiện nay như Coteccons (CTD), Hoà Bình (HBC)…?

Trả lời, Chủ tịch Đào Ngọc Thanh cho biết bản thân VCG đã có vốn hoá thị trường lớn. Với thâm niên hơn 30 năm, nền tảng VCG theo ông Thanh vững chắc hơn, đồng thời địa bàn hoạt động trải rộng hơn, đặc biệt có lợi thế tham gia vào các công trình lớn của đất nước như sân bay, cao tốc, cầu Bá Cháy…

"Mấy tháng qua VCG liên tiếp trúng nhiều gói thầu công lớn, tổng giá trị trúng thầu năm 2020 lên đến 10.000 tỷ đồng. Chưa kể, xây dựng chỉ là 1/3 câu chuyện VCG. Phần chính Công ty chưa kể đến là phát triển dự án bất động sản từ dân dụng, công nghiệp đến các nghỉ dưỡng resort lớn", ông Thanh nhấn mạnh.

Ngoài ra, VCG còn có mảng đầu tư tài chính với khoảng lợi nhuận đều đặn từ các đơn vị như Thuỷ điện Ngòi Phát (sản lượng 400 triệu kwh/năm, LNST 2020 ước 132 tỷ đồng, cổ tức 20%/năm), Công ty cấp nước sạch Viwaco (hiện phân phối nước sạch cho 1/3 dân cư Hà Nội), Nhà máy xi măng Cẩm Phả (VCG nắm 30% cổ phần)…

Song song, VCG cũng đang có nhiều mặt bằng cho thuê, khai thác vận hành với con số thu về hàng năm hơn 100 tỷ cho thuê.

Dù vậy, tương lai 5 năm tới, VCG sẽ cân nhắc thoái vốn tại các công ty con không cần thiết, tập trung phát triển mảng trọng yếu là bất động sản. Theo lộ trình mảng bất động sản sẽ chiếm 70% tổng doanh thu VCG, mảng đầu tư tài chính chiếm khoảng 20-30% còn lại. Kế hoạch đến năm 2021, VCG sẽ đảm bảo lãi tối thiểu vào mức 1.000 tỷ đồng; tiến đến mức lãi 2.000 tỷ trong năm 2025.

Bất động sản sẽ là trụ cột chính của VCG, đã tích luỹ thêm hàng ngàn ha đất

Trong đó, thị trường bất động sản theo VCG nhìn nhận đang có tiềm năng rất lớn trước nhu cầu ngày một tăng cao của người dân. Khi mà, thu nhập đầu người tăng, dòng vốn huy động dễ tiếp cận hơn đang khai phá nhu cầu sở hữu bất động sản tại Việt Nam. So sánh với các nước trong khu vực như HongKong, Singapore…, tỷ lệ nhà ở Việt Nam đang ở mức khá thấp với 13,6%.

Đặc biệt, mặt bằng lãi suất giảm mạnh thời gian qua đưa đến câu chuyện đầu tư mới, tức dòng tiền đang chảy từ kênh ngân hàng ra các kênh còn lại, trong đó chứng khoán và bất động sản là điểm đến ưu tiên.

Trong đó, thị trường chứng khoán tăng mạnh là điều dễ thấy, song thị trường bất động sản giữa Covid-10 theo nhiều quan điểm cho rằng sẽ chịu tác động tiêu cực. Nhưng, thực tế ngược lại, bất động sản đang tăng trưởng rất mạnh kể từ đầu năm, thậm chí đang được định giá lại.

Trong vòng tối thiểu 2 năm tiếp theo, lãi suất chưa có được tín hiệu sẽ tăng trưởng lại, do đó dòng tiền vẫn sẽ lòng vòng tại kênh bất động sản và chứng khoán. Dự báo, một lượng nhu cầu lớn chưa được đáp ứng sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Trở lại với VCG, Công ty đang triển khai Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Mikazuki Spa & Hotel Resort (1.010 tỷ đồng); hạ tầng chính Khu công nghệ cao Hòa Lạc (1.400 tỷ đồng); gói G thuộc Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn, Thủy điện Tân Mỹ; Thủy điện Dak Ba; dự án BW Bàu Bàng,…

Để phát triển mạnh bất động sản trong tương lai, VCG cho biết đã rích lũy quỹ đất gần 2.000 ha tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Nam, Phú Yên…

Mới đây, doanh nghiệp cũng vừa khởi công dự án Cát Bà Amatina quy mô 172 ha tại Hải Phòng với tổng đầu tư dự kiến lên đến 1 tỷ USD. Chia sẻ sâu hơn về dự án lớn này, ông Thanh cho biết dự án Cát Bà đã nhận được quyết định phê duyệt trước đó, đến nay VCG xin và đã được thông qua điều chỉnh phê duyệt trong tháng 11. Hiện, VCG đang triển khai thi công.

Liên quan đến vốn tỷ USD, tiền từ đâu?, phía VCG cho biết dự án đã có nguồn tài chính phát hành vốn lần 1, có hạn mức tại một ngân hàng với khoảng 2.500 tỷ. Ngoài ra, một diện tích đất lớn đã xử lý đất xong.

Theo kế hoạch, dự án Cát Bà sẽ phân kỳ thành 3 giai đoạn. VCG đang khởi động xây 100 căn đầu tiên, có thể ghi nhận sau khi bàn giao hết cho người mua vào năm 2022.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tham gia vào mảng bất động sản công nghiệp với 2 dự án tại Hà Nội, gồm Khu công nghiệp - công nghệ cao Hòa Lạc 2 và Cụm công nghiệp Sơn Đông.

Tri Túc

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên