Vinaconex (VCG): Ước lợi nhuận 2020 đạt 1.500 tỷ đồng, vượt 83% chỉ tiêu
Định hướng thời gian tới Vinaconex (VCG) chắc chắn phải tăng vốn, bởi trên cơ sở trúng thầu dự án lớn Công ty cần đảm bảo lượng vốn để triển khai. Công ty cho biết có thể sẽ chọn thời điểm phù hợp trong năm 2021.
Ngày 29/12/2020, gần 442 triệu cổ phiếu của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, VCG) chính thức niêm yết trên sàn HoSE, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 41.800 đồng/cp.
Kết phiên, cổ phiếu VCG tăng 8% lên mức 45.100 đồng/cp.
Được biết, Vinaconex tiền thân là Công ty Dịch vụ và Xây dựng nước ngoài, được thành lập vào tháng 9/1988. Sau nhiều lần thực hiện điều chỉnh, hiện nay vốn điều lệ của Vinaconex đạt hơn 4.417 tỷ đồng. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính của Vinaconex là thi công xây lắp, đầu tư kinh doanh bất động sản và lĩnh vực sản xuất công nghiệp…
Năm 2008, VCG chính thức niêm yết giao dịch trên sàn HNX và là một trong số các đơn vị có vốn hoá lớn, tác động đáng kể đến sàn này. Tháng 11/2018, VCG chuyển sang hoạt động theo mô hình không còn vốn Nhà nước, đồng thời xác định chiến lược phát triển dựa trên 3 trụ cột là xây lắp, bất động sản và đầu tư tài chính. Theo đó, động thái niêm yết HoSE cho thấy nỗ lực minh bạch hoá, tăng nhận diện thương hiệu và thu hút nhà đầu tư cùng phát triển.
Chuyển sàn HoSE, Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Đông bày tỏ Công ty luôn mong muốn tất cả nhà đầu tư tham gia vào VCG để cùng phát triển, bao gồm nhà đầu tư ngoại. "VCG thời gian khi còn vốn Nhà nước thì bị giới hạn, nhưng đến nay đã có thể thu hút vốn ngoại, và Công ty sẵn sàng hợp tác nếu có nhà đầu tư muốn tham gia", đại diện VCG cho hay. Theo đó, định hướng thời gian tới VCG chắc chắn phải tăng vốn, bởi trên cơ sở trúng thầu dự án lớn Công ty cần đảm bảo lượng vốn để triển khai. Công ty cho biết có thể sẽ chọn thời điểm phù hợp trong năm 2021.
Về kinh doanh, đến nay mảng xây lắp đang chiếm phần lớn doanh thu Công ty. Giai đoạn 2018 - 2019, doanh thu thuần của công ty lần lượt đạt hơn 9.730 tỷ và 9.502 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 636 tỷ và 786 tỷ đồng.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu của Công ty đạt 3.803 tỷ đồng tương ứng lợi nhuận sau thuế đạt 1.450 tỷ đồng. VCG hiện triển khai các hợp đồng xây lắp có tổng giá trị khoảng 15.000 tỷ đồng. Năm 2020, doanh nghiệp tập trung vào các dự án hạ tầng có vốn đầu tư công và vốn đầu tư nước ngoài.
Ước tính đến thời điểm hiện tại, lãnh đạo VCG cho biết doanh thu hợp nhất 2020 đạt hơn 9.600 tỷ đồng, tăng nhẹ so với kế hoạch. Trong khi đó, LNST đạt gần 1.500 tỷ đồng, vượt 83% so với chỉ tiêu đề ra là 850 tỷ đồng.
Một số gói thầu quy mô VCG đang thực hiện phải kể đến Gói thầu 3 – XL, (cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây) và gói thầu XL – 4 (cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết) với tổng giá trị 5.000 tỷ đồng; cầu Vĩnh Tuy – giai đoạn 2 (Hà Nội), bệnh viện K, Toà án nhân dân Hà Nội…
Theo lộ trình 5 năm tới, VCG sẽ cân nhắc thoái vốn tại các công ty con không cần thiết, tập trung phát triển mảng trọng yếu là bất động sản. Thay thế mảng xây lắp, bất động sản trong tương lai sẽ chiếm 70% tổng doanh thu VCG, mảng đầu tư tài chính chiếm khoảng 20-30% còn lại. Kế hoạch đến năm 2021, VCG sẽ đảm bảo lãi tối thiểu vào mức 1.000 tỷ đồng; tiến đến mức lãi 2.000 tỷ trong năm 2025.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị