Vinafood II lỗ lớn: Con dại cái mang?
Việc thua lỗ lớn của Vinafood II năm 2017 bắt nguồn từ sản lượng tiêu thụ dưới mức kế hoạch và chi phí lãi vay của công ty con tăng cao.
Vỡ kế hoạch vì biến cố Lương thực Trà Vinh?
Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II – UPCOM: VSF) hồi tháng 3 đã thực hiện IPO khá thành công khi bán được toàn bộ 23% vốn cho các nhà đầu tư và đã đăng ký giao dịch trên UPCOM từ 23/4.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Vinafood II lại không như kỳ vọng khi Tổng công ty công bố khoản lỗ lớn đến 196 tỷ, riêng Văn phòng Tổng công ty (TCT) lỗ 146 tỷ đồng. Vậy đâu là nguyên nhân của khoản lỗ lớn trên khi kế hoạch cổ phần hóa TCT dự kiến có lãi 209 tỷ đồng?
Trước tiên, doanh thu năm 2017 có sự tăng trưởng 4% so với 2016 đạt 17.546 tỷ đồng; tuy nhiên con số này chỉ mới thực hiện được 93% kế hoạch năm (tức thấp hơn kế hoạch gần 1.300 tỷ đồng).
Đáng chú ý là sản lượng gạo tiêu thụ chỉ hơn 1,7 triệu tấn, thấp hơn gần 230.000 tấn so với kế hoạch. Chủ yếu do sản lượng gạo nhận ủy thác xuất khẩu (UTXK) từ các đơn vị ngoài TCT không đạt kế hoạch.
Về xuất khẩu gạo, Vinafood II lần đầu tiên trong vài năm qua bị đánh ‘bật’ khỏi vị trí dẫn đầu xuống hạng 3. Đặt trong bối cảnh xuất gạo cả nước 2017 tăng trưởng 29% đạt 6,6 triệu tấn thì VSF đã chưa cải thiện được thị trường xuất khẩu gạo thương mại; khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra cả xuất khẩu và nội đia; sản lượng bán ra thấp chưa mang lại hiệu quả cao.
Câu chuyện không chỉ dừng lại ở những khó khăn về tiêu thụ và bán hàng, vấn đề vay nợ và nguồn vốn cũng là một yếu tố lớn ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh năm qua của VSF.
Dư nợ vay của Vinafood II tại các ngân hàng vào thời điểm cuối 2017 là gần 2.300 tỷ. Trong đó dự nợ vay của Văn phòng TCT là 1.186 tỷ, các đơn vị hạch toán phụ thuộc 1.113 tỷ đồng.
Dư nợ của Lương thực Trà Vinh chiếm 1/3 tổng dự nợ các đơn vị phụ thuộc.
Liên quan đến Lương thực Trà Vinh, hồi tháng 10/2017, Bộ Công an đã khởi tố vụ án bắt tạm giam nguyên Giám đốc công ty về dấu hiệu cố ý làm trái gây hậu quả nghiệm trọng xảy ra tại công ty. |
Mặc dù gặp khó khăn về nợ vay và nguồn vốn, nhưng VSF cho biết không bị mất cân đối tài chính và vẫn còn đủ vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.Đáng nói là dự nợ vay ngân hàng của công ty Lương thực Trà Vinh đến cuối 2017 vẫn còn 367,4 tỷ đồng và đã mất cân đối trả nợ vay. Do vậy, ngoài việc trích tài khoản tiền gửi của Lương thực Trà Vinh, ngân hàng còn tự động trích tài khoản tiền gửi của Vinafood II để thu nợ và lãi quá hạn tương đương 258,6 tỷ đồng. Đây là khoản chi phí không hề nhỏ và có tác động lớn đến hiệu quả kinh doanh của VSF năm vừa qua .
Cụ thể tại thời điểm 31/6/2017, dù vẫn còn lỗ lũy kế hơn 900 tỷ và nợ tồn đọng 635 tỷ nhưng vốn chủ sở hữu còn hơn 3.800 tỷ. Vốn lưu động công ty mẹ hơn 877 tỷ đồng nhưng Văn phòng TCT đã chiếm 2.349 tỷ đồng cho thấy các đơn vị liên kết đang thiếu hụt vốn và cần được phân phối từ Văn phòng TCT.
Còn nhớ lần thua lỗ gần đây nhất là vào năm 2014 với mức lỗ của Văn phòng TCT lên đến 873 tỷ đồng, mà nguyên nhân chính cũng tương tự do tình trạng làm ăn kém hiệu quả, lãi vay tăng cao của những ‘đứa con’ èo uột.
Cụ thể, trong tổng số 44 đơn vị thành viên 2014, có ít nhất 19 đơn vị thua lỗ với gần 1.000 tỷ đồng; trong đó Công ty nông sản thực phẩm Trà Vinh đứng đầu với khoản lỗ gần 165 tỷ đồng.
VSF lỗ lớn 2014 và 2017 (lợi nhuận Văn phòng TCT).
Bán gạo ở siêu thị cũng lỗ!
Hiệu quả kinh doanh của Vinafood II gặp vấn đề không nhỏ đến từ hệ thống các đơn vị thành viên và ngay cả với lĩnh vực kinh doanh gạo của mình.
Không chỉ xuất khẩu gạo bị giảm mạnh thị phần mà hoạt động kinh doanh gạo tại các cửa hàng tiện ích cũng không mấy khá khẩm. Theo báo cáo nhanh của 12 đơn vị kinh doanh tại 84 cửa hàng tiện ích thì doanh thu 2017 mảng này tăng trưởng tốt đạt 2.280 tỷ nhưng lại ghi nhận lỗ 1,9 tỷ đồng; trong đó 8 đơn vị lãi 5,9 tỷ và 4 đơn vị lỗ 7,8 tỷ đồng.
Với những đơn vị yếu kém, Vinafood II đang lên kế hoạch để tái cấu trúc những thành viên này. CTCP Lương thực Hậu Giang đã cho phá sản, công ty TNHH Lương thực V.A.P đang thực hiện phá sản.
VSF cũng cho phá sản hoặc giải thể tùy theo tình hình đối với CTCP XNK NSTP Cà Mau, Lương thực Quảng Ngãi, Tô Châu, Hoàn Mỹ, LTTP Vĩnh Long và LTTP Cambodia-Vietnam.
Trong khi đó, TCT sẽ thực hiện thoái vốn khỏi CTCP Lương thực Nam Trung Bộ, Bột mì Bình An, Bao bì Bình Tây, Bến Thành-Mũi Né và XNK NSTP An Giang.
Ngoài ra, VSF sẽ tái cơ cấu 2 công ty nông sản thực phẩm tại Trà Vinh và Tiền Giang.
Nguyên nhân thua lỗ được Vinafood II chỉ ra là do việc tồn kho 2016 chuyển sang khá lớn dẫn đến tăng giá thành sản xuất. Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc nhưng TCT chỉ có chi nhánh Thốt Nốt và công ty Lương thực Tiền Giang đủ chuẩn xuất khẩu gạo.Ở một số mảng khác như bột mì, Công ty Bột mì Bình Đông sản xuất được 37.500 tấn sản lượng bột, giảm 10% và thực hiện 83% kế hoạch năm. Mảng bao bì ghi nhận sản lượng bán ra bình quân gần 90% so với kế hoạch. Một số điểm sáng về hiệu quả kinh doanh nằm ở LTTP Safoco hay LTTP Colusa Miliket.
Ngoài ra, các đơn vị thành viên chưa theo kịp thông tin thị trường, phụ thuộc vào thị trường tập trung mà chưa phát triển tốt thị trường thương mại; việc tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường thương mại chưa có đột phá, mang tính bị động; sản lượng bán thấp dẫn đến định phí cao và thua lỗ;…
Mặc dù bị thua lỗ lớn trong năm 2017, nhưng Vinafood II vẫn đặt chỉ tiêu kinh doanh 2018 khá vượt bậc với doanh thu tăng 15% lên 20.156 tỷ và lợi nhuận gần 240 tỷ đồng. Kế hoạch tăng trưởng này là nhờ TCT giả định lượng gao nhận ủy thác xuất khẩu sẽ tăng gấp 5 lần.
Việc đạt được kế hoạch 2018 như đề ra hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, việc các đơn vị thành viên có hoạt động hiệu quả, giảm thua lỗ hay giảm gánh nặng lãi vay cho Vinafood II sẽ là yếu tố quan trọng, quyết định đối với tổng công ty này.
Kế hoạch kinh doanh của Vinafood II sau cổ phần hóa
Người đồng hành