MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinafor niêm yết trên sàn HNX vào ngày 3/2 với định giá gần 7.600 tỷ đồng

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hiện là cổ đông lớn nhất của Vinafor với tỷ lệ sở hữu 51%, trong khi tập đoàn T&T nắm giữ 40% cổ phần.

Ngày 3/2 tới đây, toàn bộ 350 triệu cổ phiếu VIF của Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) sẽ chính thức niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với giá tham chiếu 21.700 đồng/cp. Tại mức giá này, vốn hóa thị trường của Vinafor đạt gần 7.600 tỷ đồng và nằm trong top các doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất HNX.

Trước đó, HNX cũng đã có thông báo về việc hủy đăng ký giao dịch trên UPCom đối với số cổ phiếu VIF từ ngày 17/1/2020.

Vinafor được thành lập năm 1995 trên cơ sở sáp nhập 10 Tổng công ty trực thuộc Bộ Lâm nghiệp cũ. Vinafor hoạt động chính trong lĩnh vực trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng và chế biến lâm sản với quy mô hoạt động trên toàn quốc.

Báo cáo tài chính hợp nhất Quý IV năm 2019 được công bố cho biết năm 2019 Vinafor đạt doanh thu 1.782 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 593 tỷ đồng. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hiện là cổ đông lớn nhất của Vinafor với tỷ lệ sở hữu 51% vốn điều lệ, trong khi Tập đoàn T&T nắm giữ 40% cổ phần.

Hiện nay, Vinafor có 16 công ty lâm nghiệp bao gồm 09 Công ty lâm nghiệp do Tổng công ty nắm giữ 100% vốn điều lệ; 07 Công ty giống cây lâm nghiệp; Ngoài ra, Tổng công ty tham gia góp vốn tại 36 doanh nghiệp khác, trong đó có 15 công ty có hoạt động chế biến gỗ và dăm gỗ.

Việc niêm yết cổ phiếu trên HNX là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Vinafor. Trong thời gian tới, Vinafor sẽ tiếp tục tập trung vào hoạt động Lâm nghiệp, hoàn thành, triển khai chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 phù hợp với Chiến lược phát triển của Ngành Lâm nghiệp và tiềm năng phát triển của Tổng công ty, trong đó tập trung vào mở rộng quy mô, cải tạo giống cây lâm nghiệp, đầu tư trồng rừng gỗ lớn thâm canh cao, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tạo vùng nguyên liệu có chất lượng tốt phục vụ cho chế biến sâu, sản phẩm gắn kết với thị trường của khu vực và các thị trường lớn như Châu Âu và Mỹ.

Vinafor cũng áp dung quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC, đảm bảo an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư sống gần vùng sản xuất nguyên liệu và các nhà máy chế biến gỗ, hướng tới trở thành công ty đi đầu và dẫn dắt trong lĩnh vực lâm nghiệp của Việt Nam.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên