MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinalines đã thoát lỗ ra sao?

28-02-2017 - 15:24 PM | Doanh nghiệp

Vinalines đã thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu sau thời gian dài thua lỗ nặng nề, tưởng chừng đứng bên bờ vực phá sản.

Cân bằng lợi nhuận

Cách đây ít ngày, cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) - một cảng liên doanh giữa TCT Hàng hải VN (Vinalines), cảng Sài Gòn và APM Terminals đã tiếp nhận chuyến thử nghiệm tàu mẹ Margrethe Maersk trọng tải 194.000 tấn (DWT), tàu loại EEE của hãng tàu Maersk Line có sức chở lên đến trên 18.000 teus. Đây là tàu chuyên tuyến dịch vụ Á - Âu do liên minh 2M khai thác. Với khả năng tiếp nhận làm hàng cho tàu mẹ kích cỡ siêu lớn này, CMIT tiếp tục khẳng định chức năng của CMIT cũng như của cả cụm cảng Cái Mép mà Chính phủ đã đề ra.

CMIT là một trong 11 cảng biển của Vinalines và là cảng chủ lực tại khu vực Cái Mép - Thị Vải. Việc tiếp nhận chuyến thử nghiệm tàu mẹ Margrethe Maersk đánh dấu sự thành công trong chiến lược tập trung phát triển các cảng trung chuyển quốc tế của Vinalines trong giai đoạn đến năm 2020, sau giai đoạn tái cơ cấu hiệu quả của doanh nghiệp này trong giai đoạn 2013-2016. Thực tế, không chỉ cảng Cái Mép, mà nhiều cảng khác thuộc Vinalines đang hoạt động hiệu quả, mang lại lợi nhuận đáng kể để bù vào hoạt động vận tải biển chịu thua lỗ do thị trường lao dốc và do chưa thanh lý được các tàu già hoạt động kém hiệu quả.

Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Chiến lược và phát triển truyền thông (Vinalines) cho biết, thời gian qua, Vinalines triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Chú trọng phát triển thị trường, nâng cao chất lượng điều hành sản xuất kinh doanh, triệt để xử lý nợ xấu và tài sản không hiệu quả, kiên quyết cắt giảm lỗ thông qua đẩy mạnh các biện pháp tiết giảm chi phí… nên hoạt động chung của toàn tổng công ty và công ty mẹ đã cân bằng và có lãi. Vinalines đã thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu sau thời gian dài thua lỗ nặng nề, tưởng chừng như đứng bên bờ vực phá sản. Điểm sáng là khối doanh nghiệp cảng biển và logistics có sự bứt phá mạnh đã hỗ trợ giảm và bù lỗ cho hoạt động vận tải biển.

Theo báo cáo của Vinalines, riêng trong năm 2016, hoạt động cảng biển đạt lợi nhuận tăng đột biến so với năm 2015, đặc biệt là lợi nhuận trước thuế tăng tới 58%, khoảng 923 tỷ đồng. Các cảng sau cổ phần hóa đều tăng trưởng, như cảng Hải Phòng lợi nhuận trước khi cổ phần hóa khoảng trên 200 tỷ đồng, nhưng năm 2016 đã đạt trên 670 tỷ đồng; Cảng Đà Nẵng trước cổ phần hóa chỉ đạt lợi nhuận khoảng 40-50 tỷ đồng, nhưng đến năm 2016 đã đạt lợi nhuận hơn 150 tỷ đồng... Các cảng liên doanh như: CMIT, CICT, SSIT cũng tăng trưởng về sản lượng và doanh thu. Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ hàng hải và hoạt động khác ghi nhận mức lãi hơn 1.100 tỷ đồng.

Đẩy mạnh khai thác cảng biển, logistics

Năm 2017, Vinalines đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 12.000 tỷ đồng, cân bằng lợi nhuận. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt hơn 78 triệu tấn, trong đó hàng contaner đạt 3,5 triệu teus... Vinalines cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vẫn giữ vững vị trí doanh nghiệp hàng đầu của ngành Hàng hải Việt Nam trong lĩnh vực cảng biển, vận tải biển và logistics. Phát triển và khai thác các cảng ở những vị trí chiến lược và đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế ba miền Bắc, Trung, Nam và huyết mạch giao thông. Đặc biệt, Vinalines ưu tiên tập trung quản lý, khai thác và phát triển các cảng nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế có tiềm lực để trở thành các cảng biển lớn tầm cỡ khu vực.

Vinalines cũng đặt mục tiêu xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng cơ sở hạ tầng logistics/ICD/depot... trải dài từ Bắc tới Nam kết nối với đường bộ và đường sắt, đường biển, cũng như tham gia vào chuỗi dịch vụ logistics toàn cầu.

Để đạt được các mục tiêu này, Vinalines sẽ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các bến cảng tại khu vực Đình Vũ và Lạch Huyện (Hải Phòng), các bến cảng tại Liên Chiểu (Đà Nẵng), bến cảng Vinalines Hậu Giang, nâng cao năng lực và hoàn thiện cảng Cái Mép - Thị Vải, nâng cao vị thế của cảng Hải Phòng, Nghệ Tĩnh...

Đối với dịch vụ logistics, Vinalines sẽ đẩy mạnh hạ tầng cho dịch vụ này nhằm tạo sự liên kết các cơ sở logistics từ Bắc đến Nam, phát triển dịch vụ “door to door”, thương mại qua biên giới và vận tải đa phương thức... Tới đây, một trung tâm logistics lớn tại Hà Nội sẽ được xây dựng để kết nối với các cảng biển chủ yếu qua hệ thống đường thủy nội địa.

Trung tâm này cùng với mạng lưới vận tải thủy nội địa sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa hàng container đang gia tăng nhanh ở khu vực phía Bắc, chia sẻ cho vận tải đường bộ, giảm chi phí vận tải, giảm ô nhiễm môi trường. Đây cũng là khu logistics trung tâm của vùng Bắc bộ, kết nối với cảng Hải Phòng, cảng Đình Vũ, cảng Lạch Huyện… chủ yếu bằng hành lang đường thủy quốc gia số 1 (đoạn trên các sông: Hồng, Đuống, Kinh Thầy, Cấm…). Tập kết và giải phóng hàng container cho các cảng nêu trên bằng đường thủy và là điểm thông quan tập trung cho hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng (kê khai, kiểm hóa, nộp thuế XNK)…

Theo Lê Phong - Gia Khang

Báo Giao thông

Trở lên trên