MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinamilk: Lãi ròng năm 2017 tăng 10% lên 10.278 tỷ đồng

01-02-2018 - 09:32 AM | Doanh nghiệp

Chi phí quản lý tăng mạnh khiến lợi nhuận quý 4 của Vinamilk giảm 5% so với cùng kỳ.

CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán: VNM) đã công bố BCTC hợp nhất quý 4/2017 với doanh thu thuần tăng nhẹ 5% và lợi nhuận sau thuế giảm 5%, đạt 1.729 tỷ đồng. Việc giá vốn tăng cao hơn so với mức tăng của doanh thu cùng với chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh (từ 296 tỷ đồng lên 528 tỷ đồng) là nguyên nhân chính khiến cho lợi nhuận của VNM bị giảm.

Tuy vậy, cả năm 2017, lợi nhuận của Vinamilk vẫn tăng 10% so với năm 2016 và đạt 10.278 tỷ đồng. LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ là 10.295 tỷ đồng, nâng thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) lên 6.355 đồng.

Ngoài ra, mặc dù chi phí QLDN tăng lên nhưng tỷ lệ chi phí bán hàng và chi phí QLDN so với doanh thu vẫn được giữ ở mức tương đương với cùng kỳ, tức 30% trong quý 4 và 25% trong cả năm.

Chi phí quản lý tăng mạnh, lợi nhuận quý 4 của Vinamilk giảm 5% so với cùng kỳ - Ảnh 1.

Về cơ cấu doanh thu, doanh thu nội địa tiếp tục tăng 14%, đạt 43.572 tỷ đồng trong khi doanh thu từ thị trường nước ngoài giảm 14% còn 7.468 tỷ đồng. Theo một báo cáo phân tích của CTCK Bản Việt (VCSC), căng thẳng chính trị tại Iraq đã khiến xuất khẩu của Vinamilk vào thị trường này bị ảnh hưởng và sụt giảm như trên.

Về giá nguyên liệu, Bản Việt cho biết, VNM đã bắt đầu chốt giá bột sữa cho sản xuất 2018, cho thấy biên lợi nhuận sẽ tiếp tục tích cực cho năm tới. Theo VNM, hiện công ty đã chốt một phần giá sữa bột gầy (SMP) cần thiết cho sản xuất năm 2018 trong khi chờ đợi giá điều chỉnh để bắt đầu chốt giá sữa bột nguyên kem (WMP) khi đỉnh điểm của nguồn cung bắt đầu trong 1-2 tháng tới.

So với mức giá trung bình giai đoạn tháng 10-11 và tháng 3/2017, thời điểm VNM chốt giá bột sữa cho sản xuất năm 2017, mức giá SMP đã giảm 18% trong khi giá WMP đã giảm 4%.

Bên cạnh đó, giá đường giảm cũng hỗ trợ biên lợi nhuận... Theo CTCP Đường Quảng Ngãi - một trong những nhà sản xuất đường hàng đầu của Việt Nam, giá bán đường đã giảm từ 14.000-15.000 đồng/kg trong 6 tháng 2017 còn 12.000-13.000 đồng/kg trong quý 3/2017. Mức giảm của giá đường trong nước đến từ mức giảm giá đường toàn cầu cũng như kỳ vọng của thị trường trước khi giảm thuế nhập khẩu trong năm 2018.  

Vinamilk cũng cho thấy động thái mới đối với nguồn nguyên liệu đầu vào này khi tháng 11/2017 đã mua lại 65% cổ phần của CTCP Đường Khánh Hòa. Trong năm 2017, Vinamilk cũng đã đầu tư vào CTCP Chế biến Dừa Á Châu (mua 25% vốn), CTCP Bò Giống miền Trung.

BCTC quý 4/2017

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên