Vinasun lần đầu tiên tuyển người trở lại sau khi cắt giảm 15.000 nhân sự trong 5 năm
Trong khi nhiều ngành nghề trong xã hội trải qua một năm khó khăn và phải cắt giảm nhân viên, thì hãng taxi Vinasun năm qua lại tuyển thêm người.
- 19-10-2022Đổi mô hình, biên lợi nhuận gộp tăng vọt, Vinasun báo lãi gần 130 tỷ sau 9T2022, cao hơn cả trước dịch
- 25-07-2022Taxi truyền thống lấy lại phong độ: Vinasun có lãi quý thứ 2 liên tiếp, cao nhất trong vòng 5 năm
- 17-07-2022Người phụ nữ mất ngay nửa tỉ đồng sau khi tải app VINASUN
Theo số liệu từ Vinasun, kết thúc năm 2022 vừa qua hãng taxi này có 2.013 nhân viên, tăng 136 người so với thời điểm cuối năm 2021.
Như vậy, sau 5 năm liên tục cắt giảm, đây là lần đầu tiên Vinasun tuyển thêm người. Đỉnh điểm của công ty là hồi năm 2016, khi đó hãng có tới 17.160 nhân viên. Tuy nhiên, chỉ riêng trong năm 2017, số lượng nhân viên tại công ty này đã giảm hơn 10.000 người, kỷ lục với một doanh nghiệp Việt Nam. Các năm sau đó, mỗi năm Vinasun giảm tiếp 1.000-2.000 nhân sự, để đến năm 2021 cả công ty chỉ còn 1.877 người.
Nguyên nhân của đợt cắt giảm kéo dài 5 năm là do áp lực cạnh tranh từ các hãng taxi công nghệ. Để hạ thấp chi phí và tìm cách tồn tại, Vinasun đã phải cắt giảm lái xe để chuyển sang mô hình hợp tác kinh doanh thương quyền, thay vì phân chia phí taxi.
Trước kia, trong mô hình chia sẻ doanh thu truyền thống, Vinasun sở hữu xe và thuê người lái rồi chia sẻ doanh thu với lái xe. Lái xe nhận 40-60% doanh thu và phải chịu tiền xăng. Trong khi đó, Vinasun nhận phần còn lại và trả các chi phí khác liên quan đến xe như chi phí điểm đón khách, bảo dưỡng định kỳ, chi phí sửa chữa xe.
Với mô hình hợp tác kinh doanh thương quyền, Vinasun áp dụng phí thương quyền 11 triệu đồng/năm, ký quỹ 12 triệu đồng ban đầu, tài xế hợp tác với Vinasun nhận mức chiết khấu 15,5% doanh thu hằng ngày, được khai thác hệ thống tổng đài, điểm tiếp thị, sân bay và được hỗ trợ thủ tục đổi màu xe của họ.
Vinasun cắt giảm hơn 15.000 nhân viên trong 5 năm, và đã bắt đầu bổ sung người trong năm 2022
Mặc dù có những ý kiến cho rằng việc hợp tác kinh doanh thương quyền đã khiến chất lượng dịch vụ của Vinasun đi xuống, nhưng mô hình này lại cho thấy hiệu quả lợi nhuận.
Với việc thay đổi chính sách, kết hợp cùng hoạt động thanh lý xe cũ, Vinasun tuy khó khăn nhưng vẫn có lãi trong các năm 2017 và 2018. Phải đến năm 2019 và 2020, khi hoạt động kinh doanh của tất cả ngành nghề cùng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong đó taxi gần như không được hoạt động, thì Vinasun mới thua lỗ.
Sang năm 2022, khi các hoạt động sản xuất kinh doanh được nối lại, người dân di chuyển bằng taxi nhiều hơn cũng là lúc Vinasun đều đặn có lãi trong cả 4 quý. Thậm chí, lợi nhuận năm nay còn cao hơn cả hồi 2017-2018, dù lượng nhân sự chỉ bằng 1/3.
Nhịp sống thị trường