VinFast, Thaiholdings, Bamboo Airways... tìm cách IPO trên đất Mỹ
IPO ở Mỹ là giấc mộng không chỉ riêng ai, các tên tuổi lớn ở Việt Nam như Thaiholdings, Bamboo, Tiki, VNG... đã tìm cách triển khai trước VinFast.
- 21-01-2022Đã có bao nhiêu nước công nhận 'hộ chiếu vaccine' của Việt Nam?
- 21-01-2022Nhà khoa học cả thế giới biết ơn được trao giải thưởng cao nhất VinFuture: 'Đừng gọi tôi là người hùng, hãy gọi tôi là Kate'
- 20-01-2022Các chính sách về thuế, lãi suất và lãi vay người lao động, doanh nghiệp cần nhớ khi gói hỗ trợ 350.000 tỷ được thông qua
IPO VinFast - Một trong những thương vụ mong đợi nhất năm 2022
Tập đoàn Vingroup đang triển khai kế hoạch niêm yết công ty sản xuất ô tô VinFast trên sàn chứng khoán Mỹ. Hiện VinFast đang làm việc với các nhà tư vấn là các ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới để IPO vào nửa sau năm nay.
Tháng 12/2021, HĐQT Vingroup đã phê duyệt việc chuyển nhượng toàn bộ 51,52% vốn góp tại Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (VinFast Việt Nam) cho VinFast Trading and Investment Pte.Ltd., một công ty con của Tập đoàn Vingroup có trụ sở chính tại Singapore (VinFast Singapore).
Sau khi hoàn thành quá trình tái cấu trúc, Vingroup và các cổ đông hiện hữu của VinFast Việt Nam trực tiếp sở hữu 100% vốn của VinFast Singapore, theo đó gián tiếp sở hữu 99,9% VinFast Việt Nam. Tập đoàn vẫn duy trì tỷ lệ lợi ích 51,52% trong VinFast Việt Nam như hiện tại.
Phó Chủ tịch Vingroup, bà Lê Thị Thu Thủy mới đây cũng chia sẻ lý do chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp từ VinFast Việt Nam sang VinFast Singapore. Theo đó, việc niêm yết các công ty Việt Nam tại nước ngoài chưa thực hiện được do thiếu sự liên thông về pháp lý và các cơ chế phối hợp liên quan. Vì vậy, VinFast bắt buộc phải thực hiện việc niêm yết qua VinFast Singapore vì Singapore là nước đã có sự liên thông với Mỹ trong lĩnh vực này.
Chia sẻ với báo giới, bà Lê Thị Thu Thủy cho biết: "Việc niêm yết thành công sẽ mở ra cơ hội cho VinFast có thể tiếp cận các nguồn vốn quốc tế để phục vụ cho chiến lược kinh doanh của mình, vị thế của VinFast cũng sẽ được nâng lên, góp phần đưa VinFast trở thành thương hiệu toàn cầu".
Tháng 11/2021, Bloomberg đưa tin VinFast dự kiến có giá trị từ 25 tỷ USD đến 60 tỷ USD sau IPO. Thời điểm đó, VinFast vẫn chưa quyết định sẽ niêm yết tại Mỹ thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) hay chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Các nguồn tin nói đợt IPO có thể huy động ít nhất 2 tỷ USD. Mặc dù không tiết lộ phương án cụ thể IPO của VinFast, bà Thủy cho biết VinFast sẽ chỉ bán 5-10% cổ phần, tức là nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ nắm giữ tối đa 10% vốn điều lệ công ty.
IPO ở Mỹ - Giấc mộng không chỉ riêng ai
Trước VinFast, Tiki cũng là một cái tên tham vọng về "giấc mơ Mỹ". Sàn thương mại điện tử top 3 của Việt Nam huy động về 258 triệu USD từ vòng gọi vốn Series E, tiệm cận mức định giá 1 tỷ USD. Sau sự kiện này, ông Trần Ngọc Thái Sơn – CEO Tiki cho biết, công ty dự định kế hoạch niêm yết tại Mỹ trong vòng 1 năm tới, sớm hơn nhiều kế hoạch ban đầu là năm 2025.
Ông Sơn cũng nói rằng, việc IPO có thể thông qua một công ty SPAC. Giữa năm 2021, CTCP Tiki (Việt Nam) đã chuyển phần lớn cổ phần sang cho Tiki Global (Singapore), được thành lập với vai trò hỗ trợ kế hoạch IPO và huy động vốn.
Hãng hàng không Bamboo Airways của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cũng từng đặt mục tiêu IPO tại Mỹ trong quý 3/2021, với mức định giá 4 tỷ USD. Cho đến thời điểm hiện tại, rõ ràng kế hoạch của hãng hàng không mới của Việt Nam đã đổ bể.
Nhưng theo cập nhật mới nhất, đại diện Bamboo Airways cho biết hãng sẽ dự kiến giao dịch cổ phiếu trên UPCoM vào quý 1/2022. Đồng thời, Bamboo Airways cũng đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ chào bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán New York.
Hãng hàng không Bamboo Airways của chủ tịch Trịnh Văn Quyết cũng từng đặt mục tiêu IPO tại Mỹ
Ngoài VinFast, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng tìm đường niêm yết trên sàn chứng khoán lớn nhất thế giới. Thaiholdings mới đây thông báo muốn IPO công ty mới thành lập Thaispace tại thị trường chứng khoán Mỹ ngay trong năm nay.
Thaispace được thành lập với mục tiêu phù hợp với chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ đến năm 2030 của Thủ tướng. Giai đoạn 2026-2030, Thaispace kỳ vọng có chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ tại Phú Quốc, nếu được các cơ quan quản lý cấp phép.
Hay VNG - công ty trò chơi trực tuyến Việt Nam từng được đầu tư bởi quỹ tài sản Singapore GIC - cũng đang cân nhắc việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua sáp nhập với một SPAC. Tháng 8/2021, Bloomberg đưa tin CTCP VNG, một trong hai kỳ lân công nghệ của Việt Nam cùng với VNLIFE thời điểm đó cân nhắc việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua sáp nhập với một SPAC.
Thương vụ này có thể định giá VNG ở mức 2 – 3 tỷ USD. Theo Bloomberg, kỳ lân đầu tiên của Việt Nam này đã có kế hoạch niêm yết trên Nasdaq từ năm 2017.
Thực tế, tham vọng niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế không phải là mới. Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Việt Nam (Cavico) từng niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) với mã CAVO. Quá trình niêm yết được thực hiện thông qua hình thức SPAC. Công ty chính thức được chấp thuận niêm yết vào năm 2009, tuy nhiên bị hủy niêm yết vào hai năm sau đó.