MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VinGroup, Becamex, Him Lam, BRG, Ecopark...và hàng loạt đại gia khác đang đổ bộ vào địa phương này lập các dự án đại đô thị

13-06-2019 - 07:51 AM | Bất động sản

Long An đang nỗ lực thực hiện nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm, kết nối với TP.HCM và các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, một làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp (DN) lớn đang “tiến đến” Long An, đặc biệt dòng vốn "chảy" vào bất động sản ngày một tăng.

Đến nay, môi trường đầu tư của tỉnh Long An được cải thiện ngày một tốt hơn, minh chứng qua sự đánh giá của doanh nghiệp. Cụ thể, kết quả công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, Long An là một trong các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt, đứng hạng 3/63 tỉnh, thành trên cả nước.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Long An có trên 10.800 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 272.300 tỉ đồng, số dự án đầu tư trong nước là 1.751 dự án, vốn đăng ký đầu tư là 212.850 tỉ đồng, bình quân đạt 121,5 tỉ đồng/dự án.

Long An có 969 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) số vốn đăng ký trên 6,1 tỉ USD, bình quân 6 triệu USD/dự án. Hiện có 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Long An; trong đó, Đài Loan đứng đầu cả về số dự án và vốn đầu tư đăng ký, kế đến là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan và Hoa Kỳ.

Trong số các dự án trong nước và nước ngoài đã đăng ký đầu tư đến nay, có khoảng 60% dự án đi vào hoạt động, còn lại đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, không chỉ các doanh nghiệp FDI mới nhìn thấy tiềm năng phát triển trong tương lai của địa phương, mà chính nhiều tập đoàn lớn trong nước thời gian gần đây cũng đã rất quan tâm đến tỉnh này. Bằng chứng là tỉnh đã đón nhận hàng loạt nhà đầu tư trong nước cùng với những dự án quy mô khá lớn.

Điển hình như tập đoàn Becamex (IDC-VSIP), tỉnh Bình Dương đang triển khai lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ với diện tích 3.045ha tại huyện Bến Lức. Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết dự kiến, cuối tháng 10/2019 sẽ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Tập đoàn VinGroup đang lập quy hoạch xây dựng khoảng 4.000ha tại xã Bình Đức và xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức và 2 dự án khoảng 1.100ha tại thị trấn Hậu Nghĩa và xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa.

Tập đoàn Eco Land (Ecopark Hưng Yên) đang lập quy hoạch xây dựng 6.000ha tại xã Thạnh Lợi và 1.000ha  tại xã Lương Hòa, huyện Bến Lức.

Công ty Cổ phần Tập đoàn BRG đã khảo sát đề xuất đầu tư 5 dự án, gồm: Dự án sân golf 18 lỗ, dự án khu phụ trợ và khách sạn cao cấp 80ha, dự án Khu vui chơi giải trí - Trung tâm thương mại - đô thị - du lịch 58ha, dự án trồng chuối xuất khẩu công nghệ nước ngoài 100ha, dự án trồng lúa năng suất cao và nhà máy chế biến gạo xuất khẩu 100ha. Ngoài ra, tập đoàn BRG dự định đầu tư Dự án điện năng lượng mặt trời 50ha.

Cty TNHH Hoàng Cầu Việt Nam (Đài Loan) lập Dự án đầu tư 831ha ở huyện Cần Giuộc. Trong đó, Dự án về đô thị - thương mại và tái định cư khoảng 700ha được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, còn Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 100ha nhà đầu tư đang lập thủ tục đầu tư.

Mới đây, Công ty cổ phần Him Lam đã đề xuất thành lập khu kinh tế mở quy mô đến 32.000 ha trên địa bàn Cần Giuộc và Cần Đước. Trong đó bao gồm khu nông nghiệp công nghệ cao, khu đô thị sinh thái, khu công nghiệp và cảng biển quốc tế và khu đô thị.

Không đứng ngoài cuộc chơi, tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng đã được chính quyền Long An chấp thuận chủ trương đầu tư đến 36 dự án. Tính chung diện tích của các dự án này lên đến hơn 2.100 ha. Ngoài ra, còn một số dự án đầu tư lớn khác UBND tỉnh đã có văn bản ghi nhận do chưa có quy hoạch sử dụng đất phù hợp.

Đặc biệt, thời gian qua, để đón làn sóng đầu tư, tỉnh đầu tư nguồn lực lớn hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng hạ tầng, trong đó, việc phát triển hệ thống giao thông, tạo kết nối thuận lợi với các địa phương trong khu vực đã tạo nên sức hấp dẫn đáng kể đối với nhà đầu tư.

Đến nay, Long An đã hoàn thành nhiều quy hoạch quan trọng cho giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn tới 2030 và cũng đã sẵn sàng cho việc đón làn sóng đầu tư từ TP.HCM lan tỏa đến. Cụ thể, quy hoạch tổng thể phát triển giao thông, quy hoạch hệ thống giao thông đường thủy, cảng thủy nội địa, quy hoạch điểm đấu nối các tuyến Quốc lộ N1, N2, 14C…

Trong đó, xương sống mạng lưới đường bộ tỉnh Long An gồm các tuyến cao tốc và 4 tuyến quốc lộ. Điển hình như tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương đã đưa vào khai thác, Quốc lộ 1A hoàn thành đầu tư mở rộng, còn dự án Quốc lộ N2 đã hoàn thành xây dựng đoạn Đức Hòa-Mỹ An, tuyến Quốc lộ N1 đang trong giai đoạn thực hiện dự án đầu tư xây dựng.

Theo quy hoạch, tuyến N2 đóng vai trò trục mới của vùng ĐBSCL, với điểm đầu tại huyện Củ Chi (TP.HCM) đi xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười. Và 2 tuyến Quốc lộ 50 và 62 từng bước được duy tu, nâng cấp.

Bên cạnh cao tốc TPHCM-Trung Lương, Long An còn có tuyến cao tốc khác là Bến Lức - Long Thành đang được thi công xây dựng. Dự án này sẽ kết nối địa bàn các huyện Bến Lức, Cần Giuộc của tỉnh Long An, huyện Bình Chánh, Cần Giờ của TP.HCM và huyện Nhơn Trạch, Long Thành của Đồng Nai.

Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và Đông Nam bộ không cần quá cảnh qua TP.HCM, kết nối trực tiếp với mạng lưới cao tốc với quốc lộ, hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, cảng Sao Mai Bến Đình và với sân bay quốc tế Long Thành, rút ngắn thời gian đi từ tỉnh Long An đến TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong khi đó, dự án đường cao tốc Bến Lức-Hiệp Phước đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư.

Quan trọng hơn hết, mới đây, TP.HCM vừa làm việc với các tỉnh, thành trong vùng về việc điều chỉnh lại hướng tuyến xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, có tổng vốn đầu tư đến 5 tỷ USD. Tuyến đường sắt này đi qua địa bàn TPHCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Nam Phong

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên