MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vingroup, Vinamilk, Vietjet...lọt top 200 công ty có doanh thu trên 1 tỉ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương

29-08-2019 - 17:38 PM | Doanh nghiệp

Năm nay Việt Nam đã đóng góp 7 cái tên trong danh sách này, gồm Masan Group, Thế Giới Di Động, Sabeco, Vietjet Air, Vinamilk, Techcombank và Vingroup.

Forbes Asia vừa công bố danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỉ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm nay Việt Nam đã đóng góp 7 cái tên trong danh sách này, gồm Masan Group, Thế Giới Di Động, Sabeco, Vietjet Air, Vinamilk, Techcombank và Vingroup. 

Vietjet Air (mã chứng khoán VJC)

Vietjet đã chứng tỏ được năng lực của mình khi vươn lên trở thành hãng hàng không cung cấp dịch vụ cho ~23 triệu hành khách năm 2018, chiếm 46% thị phần của thị trường hàng không đang phát triển của Việt Nam.

Năm 2018, lợi nhuận của Vietjet tăng 5,3% lên hơn 5.300 tỷ đồng, doanh thu tăng 27% lên 54.000 tỷ đồng. Năm 2019, bằng việc bổ sung thêm các tuyến bay quốc tế mới, Vietjet kỳ vọng sẽ còn phát triển nhanh, với số hành khách sử dụng dịch vụ lên tới 30 triệu người.

Vingroup (mã chứng khoán VIC)

Tài sản của Vingroup tiếp tục được đa dạng hóa. Sau khi xuất xưởng chiếc xe hơi đầu tiên vào tháng 6.2019, Vingroup tiếp tục tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới như thành lập hãng hàng không để tận dụng sự tăng trưởng của thị trường du lịch. Năm 2018, doanh thu của Vingroup tăng 36% lên 122.000 tỉ đồng, lợi nhuận ròng giảm 15% xuống 3.800 tỉ đồng.

Năm 2019, Vingroup đặt kế hoạch 140.000 tỷ đồng doanh thu và 6.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng mạnh so với 2018.

Vinamilk (mã chứng khoán VNM)

Sự đầu tư vào các trang trại bò sữa tiêu chuẩn quốc tế đã ghi dấu ấn Vinamilk trên bản đồ sữa thế giới với "Hệ thống trang trại bò sữa theo tiêu chuẩn Global G.A.P lớn nhất của Châu Á về số lượng trang trại". Bên cạnh đó, Vinamilk đang triển khai M&A các doanh nghiệp ngành sữa trong nước như GTNfoods và xây dựng tổ hợp trang trại bò sữa Organic tại Lào, có quy mô siêu lớn lên đến 24.000 con giai đoạn 1, trên quỹ đất 5000ha. Dự kiến, dự án này có thể nâng quy mô Giai đoạn 2 lên 100.000 con trên diện tích 20.000ha với tổng đầu tư lên đến 500 triệu USD. Chiến lược đầu tư cho hệ thống các trang trại bò sữa trong và ngoài nước được đánh giá là đòn bẩy giúp Vinamilk tiến nhanh hơn đến mục tiêu Top 30 công ty sữa lớn nhất thế giới cũng như dẫn đầu khu vực trong những xu hướng dinh dưỡng tiên tiến trên thế giới như Organic.

Năm 2018, Vinamilk tiếp tục tăng trưởng lên ngưỡng 52.630 tỷ đồng doanh thu và 10.227 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. 6 tháng đầu năm 2019 vừa qua, biên lãi gộp của Vinamilk tiếp tục cải thiện lên mức 47,4%, ngang ngửa nhiều công ty sữa hàng đầu thế giới. Đáng chú ý là doanh thu thuần quý 2/2019 đã đạt kỷ lục từ trước đến nay, vượt cả giai đoạn huy hoàng nhất của ngành sữa.

Vingroup, Vinamilk, Vietjet...lọt top 200 công ty có doanh thu trên 1 tỉ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Masan Group (mã chứng khoán MSN)

Năm 2018, Masan tiếp tục phá đỉnh lịch sử về lợi nhuận khi đạt đến 5.621 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2017. Tham vọng của Masan chưa bao giờ dừng lại khi mà mới đây, Masan đầu tư mạnh vào mảng thịt heo và lên mục tiêu chiếm lĩnh đến 15% thị phần thịt heo tại Việt Nam vào năm 2022.

Masan MeatLife-công ty vừa được đổi tên từ Masan Nutri Science-vừa công bố kỳ vọng sẽ đạt được 15% thị phần giá trị của thị trường thịt vào năm 2022. Ở thời điểm hiện tại hệ thống phân phối Meat Deli gồm 9 cửa hàng, 61 đại lý và các cửa hàng Vinmart tại Hà Nội. Mục tiêu năm 2019 sẽ tăng rất nhanh lên trên 90 cửa hàng, 500 đại lý và phủ 80% các siêu thị (mô hình cửa hàng trong cửa hàng), doanh thu 500-1000 tỷ. Đến năm 2022 sẽ là hơn 300 cửa hàng MeatDeli, hơn 4.400 đại lý và 500 cửa hàng trong cửa hàng.

Thế Giới Di Động (MWG)

Năm 2018, Thế giới di động đạt 86.516 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng mạnh so với con số 66.340 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận đạt gần 2.880 tỷ đồng, tăng hơn 670 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái. 

MWG là doanh nghiệp luôn đạt tăng trưởng cao nhiều năm liền. Tuy vậy, công ty vẫn kỳ vọng cao vào khả năng phát triển trong tương lai và đặt kế hoạch 108.468 tỷ đồng doanh thu, 3.571 tỷ đồng lợi nhuận cho năm 2019.

Techcombank (mã chứng khoán TCB)

Năm 2018 là năm kinh doanh rất tích cực của Techcombank với lợi nhuận đạt hơn 10.660 tỷ đồng, tăng 32,7% so với 2017 và vượt 6,6% so với kế hoạch đề ra. Vốn điều lệ được tăng lên gần 35.000 tỷ đồng, gấp 3 lần so với 2017 và vượt hơn 60% so với kế hoạch. Vốn chủ sở hữu cũng được tăng mạnh thêm 92,2% lên 51.783 tỷ đồng, vượt hơn 15,2% so với kế hoạch.

Kế hoạch 2019, ngân hàng muốn tăng tài sản thêm 17% lên 375.821 tỷ; huy động vốn (bao gồm cả chứng chỉ tiền gửi) tăng 32% lên 274.156 tỷ, dư nợ tín dụng tăng 13% lên 235.366 tỷ hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép, lợi nhuận trước thuế tăng 10% lên 11.750 tỷ đồng.

Sabeco (mã chững khoán SAB)

Doanh thu thuần năm 2018 của Sabeco đạt 35.949 tỷ đồng, tăng 5,14% so với năm 2017 và vượt 2,14% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.403 tỷ đồng, giảm đến 11% so với lợi nhuận đạt được năm 2017 nhưng cũng đủ để vượt 9,88% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.

Năm 2019 Sabeco đặt mục tiêu đạt 38.871 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 7,52% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 4.717 tỷ đồng, dự kiến mức tăng trưởng 6,66% so với lợi nhuận đạt được năm 2018. Phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ 35%.

Phương thức sàng lọc vào top 200 của Forbes

Danh sách ứng viên bắt đầu bằng việc chọn ra 3.200 doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương có doanh thu hơn 1 tỉ USD trong năm tài chính vừa qua. Nếu lợi nhuận và doanh thu suy giảm trong năm năm qua sẽ bị loại. Tiếp theo, các công ty có nợ dài hạn bằng hoặc lớn hơn 1/2 nguồn vốn và vướng phải các vấn đề pháp lý cũng như quản lý cũng không được chọn vào danh sách cuối cùng.

Các ứng viên được xếp hạng dựa theo nhóm 12 tiêu chí, bao gồm doanh thu trung bình năm năm, mức tăng trưởng doanh thu vận hành, lợi nhuận trên vốn và mức tăng trưởng dự kiến trong 1-2 năm tới. Những doanh nghiệp được xếp hạng cao nhất được đưa vào danh sách cuối cùng.

Mục tiêu của chúng tôi là tìm ra các doanh nghiệp đang có kết quả kinh doanh tốt nhất khu vực không chỉ dựa trên một mà nhiều tiêu chí. Trong khi các công ty từ Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc chiếm số đông thì Forbes Asia vẫn ghi nhận các doanh nghiệp tới từ những thị trường nhỏ hơn như Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Kết quả cuối cùng chính là danh sách đại diện các doanh nghiệp lớn tốt nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên