Vingroup "vô đối" tại Việt Nam về phát hành trái phiếu xanh - bền vững với hơn 1,3 tỷ USD
Trong đó 900 triệu USD là khoản vay xanh của VinFast, 425 triệu USD là trái phiếu bền vững của Vinpearl.
Dù cho khối lượng phát hành nợ liên quan đến các yếu tố phát triển bền vững tại Việt Nam vẫn còn nhỏ bé so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, nhưng tính đa dạng đang ngày một gia tăng.
Từ năm 2020 trở về trước, chỉ có các khoản vay xanh được các tổ chức trong nước triển khai. Sau đó bắt đầu xuất hiện các thương vụ trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững, và gần nhất là các khoản nợ liên kết chỉ tiêu phát triển bền vững.
Năm 2022, tổng giá trị nợ liên quan đến yếu tố phát triển bền vững tại Việt Nam được phát hành dưới 1 tỷ USD, theo số liệu công bố bởi Climate Bonds Initiative . Năm thương vụ đến từ các nhà phát hành khác nhau. Trong đó lớn nhất là khoản vay xanh trị giá 500 triệu USD của nhà sản xuất xe điện VinFast, công ty con thuộc tập đoàn Vingroup. Đây là khoản vay xanh thứ hai của VinFast, sau thương vụ 400 triệu USD vào năm 2021.
Một thành viên khác thuộc tập đoàn Vingroup là công ty Vinpearl cũng đã phát hành 425 triệu USD trái phiếu bền vững vào năm 2021. Như vậy, Vingroup là tập đoàn phát hành các khoản nợ phát triển bền vững nhiều nhất Việt Nam tính đến nay, với giá trị 1,325 tỷ USD.
Tốp nhà phát hành nổi bật trong những năm trước gồm Vietcombank và BIM Land (khoản vay và trái phiếu xanh), mỗi đơn vị 200 triệu USD. BIM Land còn một khoản vay liên kết các chỉ tiêu bền vững trị giá 107 triệu USD. Một đơn vị khác cũng phát hành thành công khoản vay liên kết chỉ tiêu bền vững là Chailease Holding, một công ty cho thuê tài chính có trụ sở tại Đài Loan.
Các nhà đầu tư năng lượng tái tạo Việt Nam cũng là đơn vị phát hành lượng đáng kể các khoản vay xanh, có thể kể đến như: điện gió Liên Lập (173 triệu USD), điện mặt trời Dầu Tiếng Tây Ninh (160,5 triệu USD), điện gió Thuận Bình (57 triệu USD). Các thương vụ này đều được tiến hành vào năm 2021.
Tháng 12 năm ngoái, Việt Nam cùng các nước G7 và các đối tác quốc tế khác thông qua tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác Chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP). Thoả thuận sẽ cung cấp khoản tài chính 15,5 tỷ USD để chuyển đổi ngành năng lượng Việt Nam. Điều này có thể kích thích phát triển giá trị các khoản nợ phát triển bền vững, theo Climate Bonds .
Thị trường nợ liên quan đến các yếu tố phát triển bền vững khu vực Asean giảm 32% trong năm 2022, còn mức 36 tỷ USD. Singapore đóng góp nhiều nhất vào tổng số, với 60% riêng năm ngoái và 63% tổng luỹ kế.
Nhịp sống thị trường