Vĩnh Phúc được thành lập thành phố Phúc Yên
Trong buổi họp sáng 7/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo nghị quyết, thành phố Phúc Yên được thành lập trên cơ sở toàn bộ 120,13 km2, 155.435 người và 10 đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Phúc Yên.
Địa giới hành chính thành phố Phúc Yên: đông và nam giáp thành phố Hà Nội, tây giáp huyện Bình Xuyên, bắc giáp tỉnh Thái Nguyên.
Sau khi thành lập 2 phường Phúc Yên có 10 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 8 phường: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Hùng Vương, Phúc Thắng, Xuân Hòa, Đồng Xuân, Tiền Châu, Nam Viêm và 2 xã Cao Minh, Ngọc Thanh.
Tỉnh Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (2 thành phố và 7 huyện) và 137 đơn vị hành chính cấp xã (15 phường, 12 thị trấn và 110 xã).
Thẩm tra đề án thành lập hai phường và thành phố nói trên của Chính phủ, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa nhanh trên địa bàn thị xã Phúc Yên trong thời gian qua đã đặt ra yêu cầu mới đối với công tác quản lý hành chính lãnh thổ, do đó cần có bộ máy chính quyền của đô thị có trình độ phát triển cao hơn, đủ năng lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Xét tiêu chuẩn thành lập phường thì xã Tiền Châu và xã Nam Viêm đều đạt, còn xét tiêu chuẩn thành lập thành phố thì thị xã Phúc Yên sau khi thành lập 2 phường cũng đều đạt các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết.
Theo cơ quan thẩm tra thì việc thành lập 2 phường và thành phố Phúc Yên không làm tăng đơn vị hành chính, không phát sinh thêm bộ máy và không tăng biên chế mà sẽ tạo cơ sở pháp lý để góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ở địa phương.