Vĩnh Phúc: Nóng việc xây dựng “siêu nghĩa trang” tại Tam Đảo
UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có văn bản chấp thuận cho một doanh nghiệp triển khai quy hoạch, xây dựng khu công viên nghĩa trang tại núi Ngang (xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo). Nếu dự án công viên nghĩa trang được triển khai, có nghĩa là hơn 100ha rừng phòng hộ sẽ bị “xóa sổ”, thay vào đó là những vùng đất hoang xuất hiện trên đó là những ngôi mộ bê tông kiên cố.
Tỉnh Vĩnh Phúc cần xem lại tính khả thi cũng như những quy định của pháp luật về việc xây dựng khu công viên nghĩa trang tại Tam Đảo
Được biết, mới đây ngày 4/1/2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Tờ trình số 02/TTr-UBND gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đề nghị cho triển khai quy hoạch, xây dựng khu công viên nghĩa trang tại núi Ngang (xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo).
Cũng theo Tờ trình: Từ tháng 6/2016, Cty CP đầu tư Bình Minh Xanh có văn bản đề xuất với UBND tỉnh dự án ĐTXD công viên nghĩa trang tại núi Ngang, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo. UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng khảo sát thực tế phạm vi quy hoạch nghĩa trang và lấy ý kiến các sở ngành, địa phương và báo cáo UBND tỉnh phương án quy hoạch.
Địa điểm thực hiện dự án được nhắm tới là 153ha đất tại khu núi Ngang, trong đó đất dự kiến xây nghĩa trang chiếm khoảng 105,5ha. Nghĩa trang dự kiến có 70.000 mộ phần cải táng và 2 triệu ngăn lưu tro cốt hỏa táng cùng đài hỏa táng đáp ứng được quy mô mộ phần nêu trên. Dự án dự kiến có tổng vốn đầu tư 685 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý I năm 2017 đến năm 2025, do Cty CP đầu tư Bình Minh Xanh có địa chỉ tại nhà H10 ngõ 132 phố Trung Kính (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) là nhà đầu tư.
Theo tìm hiểu của phóng viên, địa điểm dự kiến xây nghĩa trang chính là khu vực rừng phòng hộ mà Nhà nước đã giao các hộ gia đình, cá nhân nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ từ năm 2002. Nếu dự án được triển khai, không những “xoá sổ” hàng trăm hecta đất rừng phòng hộ mà còn ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, tương lai của hàng nghìn hộ dân sống xung quanh dự án và cần phải có thời gian nghiên cứu, thẩm định.
Về việc sắp triển khai xây dựng “siêu nghĩa trang” tại khu vực núi Ngang, khiến hàng nghìn hộ dân sống tại xã Bồ Lý (huyện Tam Đảo) lo lắng, bởi những hệ lụy vệ sinh môi trường trong đời sống. Người dân cho rằng, nếu dự án được triển khai sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong xã; ảnh hưởng đến dự án nước sạch ở đầu cầu Liễn Sơn (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương)...
Những bức xúc của người dân cũng được thể hiện tại Tờ trình số 02/TTr-UBND ngày 04/1/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Trước đó, tại Văn bản số 8771/UBND-CN1 ngày 02/12/2016 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng thừa nhận: “… Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã nhiều lần có ý kiến nhưng việc triển khai còn nhiều khó khăn do chưa được dự ủng hộ của nhân dân địa phương”.
UBND tỉnh ban hành Tờ trình xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc chấp thuận cho dự án “siêu nghĩa trang”
Theo thống kê, tính đến năm 2014, Vĩnh Phúc có khoảng 32,4 nghìn hecta đất lâm nghiệp, trong đó đặc dụng là 15,1 nghìn hecta, rừng sản xuất là 13,2 nghìn hecta và rừng phòng hộ là 4,0 nghìn hecta. Trong đó, đất rừng phòng hộ của Tam Đảo chỉ có diện tích vỏn vẹn 537,66 ha. So với năm 2010 thì đến năm 2014, đất rừng phòng hộ của Vĩnh Phúc đã biến động giảm 1016,12ha. Do đó, nếu dự án xây dựng công viên nghĩa trang được thực hiện (lấy đi hơn 100ha) thì trên địa bàn xã Bồ Lý "cơ bản xóa sổ" rừng phòng hộ hiện có.
Cũng theo Quy hoạch Tổng thể kinh tế xã hội huyện Tam Đảo đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của UBND huyện Tam Đảo ghi rõ: Tại Tam Đảo hiện có 537,66ha đất rừng phòng hộ, trong đó rừng đặc dụng là 12.328,41ha. Đất rừng phòng hộ và đặc dụng của Tam Đảo vừa làm chức năng phòng hộ, vừa làm chức năng bảo tồn đa dạng sinh học. Quy hoạch Tổng thể kinh tế xã hội huyện Tam Đảo nhấn mạnh: “Vì vậy, trong những năm tới, cần nâng cao chất lượng và bảo tồn (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) trước nguy cơ khai thác của dân và xâm lấn trước một số công trình hạ tầng, du lịch trong kế hoạch mở rộng Tam Đảo 2 và khai thác khoáng sản”.
Đối với đất rừng phòng hộ tại xã Bồ Lý, bản quy hoạch chỉ rõ: Xã Bồ Lý thuộc cụm xã tiểu vùng 2, là vùng đệm rừng quốc gia Tam Đảo mang đặc trưng điển hình của xã miền núi có độ dốc cao, kinh tế xã hội chậm phát triển nhưng lại có mức độ ảnh hưởng lan tỏa đến các xã xung quanh. Định hướng phát triển của tiểu vùng này là nông, lâm nghiệp và dịch vụ du lịch, quy hoạch cũng không hề nhắc tới việc “xóa” hàng trăm hecta rừng phòng hộ ở vùng đệm rừng quốc gia Tam Đảo để xây dựng nghĩa trang.
Ngoài ra theo quy định của Luật Đất đai 2015, đất rừng phòng hộ là loại đất đặc biệt, có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên pháp luật đưa ra một số hạn chế nhất định trong hoạt động chuyển nhượng. Khi muốn chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang đất nghĩa trang buộc phải xin phép Thủ tướng Chính phủ với diện tích trên 20ha. Đặc biệt, theo Luật Đầu tư công, chuyển đổi trên 100ha rừng phòng hộ sang làm đất nghĩa trang phải được Quốc hội thông qua.
Như vậy việc “xóa sổ” một diện tích lớn đất rừng phòng hộ để triển khai dự án nghĩa trang tại Tam Đảo rất cần UBND tỉnh Vĩnh Phúc suy tính kỹ càng, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Báo Xây dựng