Vĩnh Phúc tăng trưởng trên 10% trong nửa đầu năm 2022
Một góc thành phố Vĩnh Yên
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 10,1% so cùng kỳ năm trước và nằm trong TOP 10 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước.
- 20-07-2022Giá cả ở Hà Nội, Quảng Ninh, TP. HCM... và những tỉnh thành đắt đỏ nhất cả nước tăng ra sao trong 6 tháng đầu năm?
- 20-07-2022Chỉ số IQ đứng thứ 4/11 trong khu vực Đông Nam Á, vậy so với thế giới Việt Nam xếp thứ mấy?
- 20-07-2022Chênh lệch về chi tiêu cho đời sống giữa nhóm người giàu nhất và nghèo nhất đã thay đổi ra sao trong 10 năm?
Trong top 10 tỉnh tăng trưởng cao nhất
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, đây là mức tăng khá cao so với tốc độ tăng trưởng của 6 tháng đầu năm tính từ năm 2015 đến năm 2020 và tăng cao hơn so với kịch bản đã đề ra tại Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (kịch bản tăng khoảng 8,3%).
Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 15,58%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản gặp dù gặp nhiều khó khăn do giá cả tăng và ảnh hưởng thời tiết, tổng giá trị tăng thêm ước tăng 1,81%; khu vực dịch vụ nhất là dịch vụ thương mại, vận tải và du lịch gặp khó khăn trong những tháng đầu năm do sự lây lan nhanh của dịch bệnh COVID-19nhưng nhờ việc triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch và thích ứng linh hoạt nên khu vực này đã và đang dần hồi phục, ước giá trị tăng thêm tăng 6,32% so với cùng kỳ năm 2021…
Về tài chính ngân sách, nhờ các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã có những khởi sắc nhất định, từ đó tạo nguồn thu ngân sách nhà nước cho tỉnh, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 20.650 tỷ đồng, đạt 65% dự toán, tăng 8,0% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 17.700 tỷ đồng, đạt 65% dự toán, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm 2021.
Một số chính sách của Chính phủ như thúc đẩy sản xuất kinh doanh như giảm thuế giá trị gia tăng, giảm 50% phí đăng ký trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước đã thúc đẩy doanh số tiêu thụ hàng hóa của một số mặt hàng chủ lực.
Ở chiều ngược lại, quản lý chi ngân sách được tăng cường, kiểm soát chi chặt chẽ, quản lý chi theo dự toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ước tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đạt 7.024 tỷ đồng, đạt 39% dự toán và bằng 93% so với cùng kỳ năm 2021.
Hoạt động ngân hàng, tín dụng tăng trưởng khá, các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả; ưu tiên tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, hộ nghèo và các đối tượng chính sách, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tình hình đầu tư xây dựng được tập trung triển khai. Đã có 168 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư. Toàn tỉnh giải phóng mặt bằng đạt 449,4 ha, bằng 40,5% kế hoạch năm, trong đó 1 số dự án lớn đã giải phóng mặt bằng được phần lớn diện tích như: Dự án Trung tâm Logistic ICD Vĩnh Phúc đã GPMB 80,5/83,8 ha; Dự án KCN Sơn lôi đã GPMB 92/180 ha; Dự án KCN Bá Thiện đã GPMB 93,6/103,8 ha, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khởi công theo kế hoạch.
Ước giải ngân đến hết 30/6/2022 đạt 2.380 tỷ đồng, đạt khoảng 24,4% so với tổng kế hoạch (bao gồm vốn kéo dài và vốn kế hoạch năm 2022) và bằng 34,3% so với kế hoạch Trung ương giao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (đạt 22% kế hoạch) và cao hơn trung bình chung của cả nước (ước đạt 27,86% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Điểm đến của các nhà đầu tư uy tín
Hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh trong những tháng đầu năm gặp khó khăn khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Khi tình hình dịch cơ bản ổn định, tỉnh đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan các hoạt động xúc tiến đầu tư vào địa phương.
Đáng chú ý, công tác cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh được chỉ đạo quyết liệt. UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương chịu trách nhiệm nâng cao từng chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thành lập tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN); đường dây nóng được vận hành thông suốt, hoạt động hỗ trợ DN được đẩy mạnh, được các nhà đầu tư, các DN đánh giá cao và tin tưởng vào hệ thống chính quyền của tỉnh. Năm 2021, chỉ số PCI của tỉnh Vĩnh Phúc đứng thứ 5/63 toàn quốc (tăng 24 bậc).
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, cùng với ông Nakajima Takeo - Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư giữa tỉnh Vĩnh Phúc và JETRO
Kết quả 6 tháng đầu năm tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư/chủ trương đầu tư cho 10 dự án FDI và 7 dự án DDI. Tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn các dự án FDI đạt 225,47 triệu USD, bằng 76% so với cùng kỳ năm 2021 và các dự án DDI đạt 7.743,46 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Mới đây, tại "Hội nghị Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam–Nhật Bản" năm 2022, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, cho biết, tại Việt Nam, Vĩnh Phúc là một trong những trung tâm thu hút các DN Nhật Bản và đảm nhận vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN Nhật Bản. Nhiều DN Nhật Bản đánh giá cao nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua, nhất là trong bối cảnh 2 năm chịu tác động của dịch COVID-19.
Đại diện Tập đoàn Sumitomo – nhà đầu tư dự án KCN Thăng Long-Vĩnh Phúc nêu 3 lý do lựa chọn Vĩnh Phúc. Thứ nhất, tỉnh này là địa phương có môi trường "xanh" làm cho nhà đầu tư Nhật Bản khi đến đây luôn cảm thấy dễ chịu và gợi nhớ về quê hương Nhật Bản. Thứ hai, vị trí địa lý của Vĩnh Phúc có nhiều thuận lợi, với hệ thống giao thông phát triển, giúp nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận với các tuyến giao thông lớn của Việt Nam. Thứ ba, cơ sở hạ tầng hoàn thiện và sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh cũng là yếu tố quan trọng khiến DN quyết định lựa chọn Vĩnh Phúc để đầu tư.
Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thuý Lan cho biết, trong tiến trình phát triển, tỉnh luôn xem các địa phương các DN đầu tư nước ngoài nói chung và DN Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, trụ cột trong chiến lược hội nhập quốc tế của tỉnh. Trong đó, đáng chú ý, Tập đoàn Toyota và Tập đoàn Honda Nhật Bản đầu tư vào Vĩnh Phúc đã góp phần thiết lập nền móng vững chắc và phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác giữa Vĩnh Phúc và Nhật Bản.
Còn ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, để tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng những cơ chế thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, như phát triển 19 khu công nghiệp, hoàn thiện quy hoạch hạ tầng giao thông, quy hoạch năng lượng để phục vụ đầu tư, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển công nghiệp trong vòng 10-20 năm tới.
"Tỉnh Vĩnh Phúc vẫn nhất quán với quan điểm coi nhà đầu tư là người bạn đồng hành của tỉnh, từ đó tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để DN hoạt động", ông Lê Duy Thành khẳng định.
Dưới góc độ quản lý, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận xét: Bên cạnh lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng thuận lợi, dân số trẻ với 55% nguồn lao động đã qua đào tạo, Vĩnh Phúc còn hấp dẫn nhà đầu tư bởi là một địa phương luôn đi đầu trong cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tích cực hỗ trợ nhà đầu tư từ lúc triển khai dự án đến suốt quá trình hoạt động của dự án. Đó là những yếu tố rất quan trọng, giúp Vĩnh Phúc luôn hấp dẫn được các nhà đầu tư nước ngoài.
Tiền Phong