MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VinMart/VinMart+ có EBITDA dương 3 quý liên tiếp khi Masan tiếp quản: "Bí quyết" ở việc mạnh tay đóng 700 cửa hàng năm 2020?

04-09-2021 - 09:21 AM | Doanh nghiệp

VinMart/VinMart+ có EBITDA dương 3 quý liên tiếp khi Masan tiếp quản: "Bí quyết" ở việc mạnh tay đóng 700 cửa hàng năm 2020?

Mặc dù EBITDA đã dương nhưng việc tiến tới có lợi nhuận trước thuế dương vẫn còn cả chặng đường dài.

Masan Group (MSN) đã công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021 với doanh thu thuần hợp nhất 41.196 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những kết quả tích cực trong kỳ chủ yếu được đóng góp từ đà tăng trưởng mảng thực phẩm (bao gồm thịt mát và sản phẩm có thương hiệu). Đặc biệt, giữa bối cảnh hàng loạt chợ đầu mối phải đóng cửa giai đoạn đầu bùng phát dịch, Vinmart/Vinmart+ trở thành điểm phục vụ chính cho nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng trong giai đoạn Covid-19.

Mảng bán lẻ của Vincommerce – đơn vị vận hành hệ thống VinMart/Vinmart+ - tiếp tục đóng góp doanh thu lớn nhất với gần 14.500 tỷ đồng, chiếm 35% tổng doanh thu toàn tập đoàn.

Về với Masan, chuỗi VinMart/VinMart+ tiếp tục có lợi nhuận quý thứ ba, nửa đầu năm đạt EBITDA 288 tỷ đồng - Ảnh 1.

Doanh thu của Vincommerce nhìn chung không có nhiều đột biến kể từ khi Masan tiếp quản, đạt khoảng hơn 7.000 tỷ mỗi quý. Ngoại trừ quý 1/2021, mức lỗ của mảng bán lẻ cải thiện đáng kể chỉ ở mức hơn 100 tỷ đồng thì nhìn chung mức lỗ vẫn rơi vào khoảng 800-1.000 tỷ/quý.

Tuy vậy tín hiệu tích là Vincommerce đã có 3 quý liên tiếp ghi nhận EBITDA dương. Biên EBITDA cải thiện từ 0,2% trong quý 4/2020 lên 2% trong quý 1/2021 và 2,2% trong quý 2/2021. Nguyên nhân nhờ đơn vị cải thiện biên lợi nhuận thương mại nhờ đàm phán với các nhà cung cấp lớn, tối ưu hóa chi phí vận hành cửa hàng và cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng.

Về với Masan, chuỗi VinMart/VinMart+ tiếp tục có lợi nhuận quý thứ ba, nửa đầu năm đạt EBITDA 288 tỷ đồng - Ảnh 2.

Biên lãi gộp của Vincommerce đã cải thiện từ mức 15-16% trong 2 quý đầu năm 2020 lên 18-19% trong các quý gần đây.

Việc mạnh tay đóng cửa những điểm bán không hiệu quả cùng với cải thiện chuỗi cung đã giúp Vincommerce giảm đáng kể chi phí bán hàng & quản lý (SG&A) so với những quý đầu tiếp quản. Báo cáo của Masan cũng cho biết chi phí vận hành trung bình/tháng trong quý 1/2021 của Vinmart+ đã giảm 10% và VinMart giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2020, đã có tới 700 điểm bán được đóng cửa.

Tính đến cuối quý 2/2021, VCM có 2.369 cửa hàng VinMart/VinMart+, tăng so với cuối năm 2020. Trong đó, VinMart tiếp tục cắt giảm 1 cửa hàng, ngược lại chuỗi VinMart+ đóng 57 cửa hàng không hiệu quả; song song mở mới 73 cửa hàng.

Theo kế hoạch, Masan sẽ đưa 300 - 500 cửa hàng VinMart+ mới vào hoạt động đến cuối năm 2021 với thời gian đạt EBITDA hòa vốn từ 6 - 12 tháng.

Về với Masan, chuỗi VinMart/VinMart+ tiếp tục có lợi nhuận quý thứ ba, nửa đầu năm đạt EBITDA 288 tỷ đồng - Ảnh 3.

Sau khi Masan mua 20% cổ phần của hệ thống Phúc Long, các kiosk Phúc Long theo mô hình cửa hàng trong cửa hàng sẽ được triển khai tại các điểm bán của Vincommerce. Tính đến 21/7 có 41 kiosk Phúc Long đã đi vào hoạt động và dự kiến mở 1.000 kiosk trong năm nay. Các kiosk đưa vào hoạt động đang đóng góp thêm 5 triệu đồng vào doanh thu cửa hàng mỗi ngày, giúp cải thiện biên EBITDA lên gần 4%. Doanh thu cần thiết để đạt điểm hòa vốn đối với các cửa hàng mới có kiosk Phúc Long thấp hơn 15% so với các cửa hàng không có kiosk.

Cuối cùng, về kênh online: Doanh số của kênh online đã tăng gấp 3 lần vào tháng 6/2021 so với quý 1/2021. Nếu như vào quý 1/2021, doanh số kênh online đóng góp chưa đến 1% vào doanh số VinMart thì đến tháng 6/2021, doanh số của kênh mua sắm này đã đóng góp 6,8%. Tại 4 siêu thị tại Tp.HCM, kênh online đóng góp hơn 10% vào doanh số trong tháng 7/2021.

Tri Túc

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên