Virus corona: Trung Quốc trước nguy cơ bị cô lập toàn cầu
Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ bị cô lập gia tăng vì nỗi lo virus corona chủng mới, khi ngày càng có nhiều quốc gia và hãng hàng không ban hành lệnh hạn chế di chuyển và cấm bay đến nước này
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 2-2 xác nhận ca tử vong đầu tiên vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới bên ngoài Trung Quốc.
Qua đời khi đang có dấu hiệu hồi phục
Theo người đại điện WHO, ông Rabi Abeyasinghe, nạn nhân là một người đàn ông 44 tuổi, qua đời tại Philippines vào ngày 1-2 sau khi bị chẩn đoán dương tính với virus. Tuy nhiên, ông Abeyasinghe cũng lưu ý rằng nạn nhân vốn thường trú tại TP Vũ Hán - Trung Quốc, nơi virus bùng phát.
Theo Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque III, trong những ngày cuối cùng, nạn nhân biểu hiện các dấu hiệu phục hồi, với tình hình sức khỏe ổn định. Tuy nhiên, tình trạng của nạn nhân bất ngờ chuyển biến xấu trong vòng 24 giờ, dẫn đến tử vong.
Cũng theo ông Duque III, người phụ nữ 38 tuổi đi cùng nạn nhân bị chẩn đoán dương tính với virus hồi tuần rồi hiện vẫn bị cách ly. Người phụ nữ này, cũng đến từ TP Vũ Hán, là trường hợp nhiễm virus đầu tiên được ghi nhận tại Philippines.
Thông tin trên được WHO công bố trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với sự cô lập gia tăng vì nỗi lo virus, khi ngày càng có nhiều quốc gia và hãng hàng không ban hành lệnh hạn chế di chuyển và cấm bay đến đây.
Kể từ khi bùng phát tại TP Vũ Hán vào tháng 12-2019, virus corona đang lan nhanh và xa, với hơn 14.400 ca nhiễm được ghi nhận trên toàn thế giới, trong đó có hơn 130 ca tại ít nhất 25 quốc gia ngoài Trung Quốc, bao gồm Mỹ, Nga, Pháp và Úc.
Nhân viên y tế xịt thuốc khử trùng lên công dân Indonesia trở về từ TP Vũ Hán hôm 2-2Ảnh: REUTERS
Ngừng bay và cấm nhập cảnh
Mặc dù đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, WHO khẳng định lệnh hạn chế du lịch và giao thương lúc này là chưa cần thiết. Dù vậy, danh sách các hãng hàng không quốc tế hoãn một số hoặc toàn bộ chuyến bay đến Trung Quốc đang ngày càng tăng.
Hai hãng hàng không Qantas Airways (Úc) và Air New Zealand (New Zealand) mới đây cho biết lệnh cấm du lịch Trung Quốc đã buộc họ phải ngưng các chuyến bay trực tiếp đến quốc gia này từ ngày 9-2. Trước đó, nhiều hãng hàng không lớn của Mỹ như United Airlines, Delta Air Lines và American Airlines cũng đã thông báo sẽ hủy mọi chuyến bay đến Trung Quốc.
Mỹ và Singapore đã công bố lệnh cấm nhập cảnh đối với những công dân nước ngoài đến Trung Quốc trong thời gian gần đây. Động thái tương tự cũng đã được Úc, Hàn Quốc, New Zealand và Philippines thực hiện.
"Sau khi cân nhắc những mối lo ngại của quan chức chính phủ và chuyên gia y tế, Tổng thống Rodrigo Duterte đã quyết định ban hành lệnh cấm ngay tức thì. Đây là một biện pháp phòng ngừa bổ sung để bảo vệ người dân Philippines" - Thượng nghị sĩ Christopher "Bong" Go khẳng định hôm 2-2.
Sơ tán và cách ly
Theo báo South China Morning Post, những công dân Philippines trở về từ Trung Quốc sẽ phải trải qua giai đoạn 14 ngày cách ly và biện pháp này nhiều khả năng ảnh hưởng đến khoảng 240.000 lao động Philippines đang làm việc tại Hồng Kông. Chính phủ Philippines không công bố thời điểm gỡ bỏ lệnh cấm cũng như biện pháp cách ly nêu trên.
Trong khi đó, theo hãng thông tấn TASS, quân đội Nga sẽ bắt đầu đưa công dân của họ rời khỏi Trung Quốc trong 2 ngày 3 và 4-2. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết quá trình sơ tán sẽ tập trung vào những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Nga cũng sẽ ngưng triển khai các tour du lịch miễn thị thực cũng như ngừng cấp thị thực làm việc cho công dân Trung Quốc.
Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) cũng đã tuyên bố sẽ triển khai chính sách cách ly 14 ngày đối với những binh sĩ vừa trở về từ Trung Quốc và động thái này sẽ được thực hiện từ ngày 2-2. Theo USFK, sự bùng phát của virus corona chủng mới có thể gây ảnh hưởng đến năng lực sẵn sàng tác chiến của quân đội. Mặc dù chính sách trên chỉ áp dụng đối với binh sĩ Mỹ, USFK khuyến khích người thân của họ, nhân viên Bộ Quốc phòng và những nhóm khác thực hiện các động thái tình nguyện tương tự.
Theo Bloomberg, tình trạng của bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới đầu tiên tại Mỹ, một người đàn ông 35 tuổi, dường như đã khá lên chỉ sau 1 ngày được điều trị bằng loại thuốc mới do Công ty Gilead Sciences (Mỹ) phát triển và không biểu hiện bất cứ tác dụng phụ rõ ràng nào.
"Hiện tại, chúng tôi nhận thấy lợi ích của thuốc vượt trội so với rủi ro tiềm tàng" - ông Jay Cook, từ Trung tâm Y tế khu vực Everett ở Washington, khẳng định. Theo ông Cook, phát hiện này đã tạo động lực cho các bác sĩ tiếp tục nghiên cứu loại thuốc nói trên.
Những mốc thời gian quan trọng
- Ngày 31-12-2019: Trung Quốc báo cáo với WHO về virus gây bệnh viêm phổi lạ tại TP Vũ Hán.
- Ngày 7-1-2020: Trung Quốc tuyên bố đã xác định được virus mới, được đặt tên là 2019-nCoV và thuộc họ corona từng gây ra đại dịch SARS hồi năm 2002-2003.
- Ngày 11-1: Trung Quốc công bố nạn nhân đầu tiên thiệt mạng vì virus, là một người đàn ông 61 tuổi.
- Ngày 13-1: WHO thông báo ca nhiễm virus đầu tiên được ghi nhận bên ngoài Trung Quốc. Nạn nhân là một nữ du khách đến từ TP Vũ Hán.
- Ngày 23-1: Vũ Hán trở thành TP đầu tiên tại Trung Quốc bị cách ly.
- Ngày 29-1: Số người thiệt mạng vì virus tăng mạnh, lên 132 người; ít nhất 6.000 ca nhiễm virus được ghi nhận trên toàn thế giới.
- Ngày 30-1: WHO ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
- Ngày 2-2-2020: WHO xác nhận ca tử vong đầu tiên vì virus bên ngoài Trung Quốc. Nạn nhân, một người đàn ông 44 tuổi, thiệt mạng tại Philippines sau khi nhập cảnh từ TP Vũ Hán.
Người Lao động