MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Virus Omicron đang “tàn phá” không khí lễ hội khi mùa Giáng sinh - Năm mới của cả thế giới

24-12-2021 - 08:30 AM | Tài chính quốc tế

Virus Omicron đang “tàn phá” không khí lễ hội khi mùa Giáng sinh - Năm mới của cả thế giới

Hội chợ Giáng sinh ở nhiều nước đã bị hủy bỏ, trong khi những hạn chế đi lại và giới hạn tập trung đông người được áp đặt trở lại khiến các hàng quán lại trở nên vắng vẻ.

Các quốc gia trên khắp Châu Âu, xem xét những biện pháp hạn chế di chuyển kể từ thứ Ba (11/12), trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi tất cả người Mỹ đi tiêm vắc xin để chống lại biến thể Omicron trước ngày lễ Giáng sinh thứ hai của đại dịch.

Các chính phủ trên toàn cầu đã thắt chặt các hạn chế trong hoạt động di chuyển xã hội đồng thời đưa ra những lời kêu gọi cấp bách yêu cầu người dân đi tiêm chủng do virus biến thể Omicron đã nổi lên thành một chủng vi rút chiếm ưu thế, đồng thời bỏ qua các kế hoạch mở cửa trở lại mà nhiều người hy vọng sẽ báo trước sự khởi đầu của kỷ nguyên hậu đại dịch vào năm 2022.

Số ca nhiễm virus Omicron đang gia tăng ở khắp Châu Âu, Mỹ và Châu Á, bao gồm cả Nhật Bản, nơi xuất hiện một ổ dịch tại một căn cứ quân sự làm số ca nhiễm tăng lên ít nhất 180 người.

Tại Mỹ, CDC cho biết tỷ lệ nhiễm virus Omicron đã tăng gần gấp sáu lần chỉ trong một tuần, trong đó ở New York tỷ lệ này lên tới 90%, tương tự như ở Đông Nam, Trung Tây công nghiệp và Tây Bắc Thái Bình Dương của nước Mỹ, tăng từ mức chưa đầy 1% lúc đầu tháng. Tổng thống Biden đã phải điều động khoảng 1.000 nhân viên y tế đến hỗ trợ các bệnh viện đang bị quá tải.

Ông Biden hôm 21/12 cũng cam kết sẽ thực hiện 500.000 liều test nhanh miễn phí và cảnh báo 1/4 số người trưởng thành của Mỹ chưa tiêm chủng rằng lựa chọn có họ có thể rơi vào "ranh giới mong manh giữa cuộc sống và cái chết" (difference between life and death).

Ở châu Á, Nhật Bản thông báo có những trường hợp nghi ngờ lây truyền Omicron trong cộng đồng đầu tiên vào thứ Tư (22/12), trong khi Ấn Độ kêu gọi các bang của mình chuẩn bị cho sự gia tăng số ca nhiễm và cho phép họ áp đặt các hạn chế đối với đám đông và tụ tập nhiều người. Các trường hợp nhiễm virus Omicron ở Ấn Độ đã tăng gần gấp đôi trong tuần qua.

Virus Omicron đang "tàn phá" không khí lễ hội khi mùa Giáng sinh đang tới và sắp đến Năm mới, là mùa du lịch và mua sắm, nhất là ở các nước phương Tây.

Hội chợ Giáng sinh ở nhiều nước đã bị hủy bỏ, trong khi những hạn chế đi lại và giới hạn tập trung đông người được áp đặt trở lại khiến các hàng quán lại trở nên vắng vẻ.

Tại Anh, chính quyền London đã hủy sự kiện đón Giao thừa 2022 dự kiến có hàng ngàn người tham gia. Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đang bị đặt vào thế khó khi số ca nhiễm Omicron tăng cao nhưng chưa thể áp đặt các biện pháp chống dịch mới trước Giáng sinh.

Người Hà Lan lúc này chỉ có thể mời hai vị khách đến nhà vào Giáng sinh, theo quy định mới. Tại Đan Mạch, dù khẩu trang và các hạn chế phòng dịch đã biến mất nhờ chiến dịch tiêm chủng thành công nhưng các rạp chiếu phim, công viên giải trí và các cơ sở kinh doanh không thiết yếu khác lại bị đóng cửa vì Omicron.

Virus Omicron đang “tàn phá” không khí lễ hội khi mùa Giáng sinh - Năm mới của cả thế giới - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa

Bên kia bờ Đại Tây Dương, một số thị trưởng và thống đốc bang của Mỹ không quên được bài học đau đớn vào mùa xuân năm 2020, khi dịch bùng lên tại nhiều thành phố lớn sau kỳ nghỉ Giáng sinh. Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã khác khi Mỹ đã có vắc xin, thuốc điều trị và kinh nghiệm ứng phó. Lúc này, vấn đề đặt ra cho giới chức địa phương và liên bang Mỹ là họ cần làm những gì, mức độ quyết liệt đến đâu để ngăn số ca tử vong và giữ được mùa Giáng sinh cho dân chúng? Thị trưởng Bill de Blasio của New York cảnh báo sẽ có những tác động "khủng khiếp" tới người dân nếu phong tỏa diện rộng trong mùa Giáng sinh. Theo ông, sách lược của New York là "hành động nhanh hơn" để đối phó tình hình lây nhiễm, tăng cường tiêm mũi 3 và năng lực xét nghiệm cũng như chuẩn bị và bảo vệ nguồn lực cho các bệnh viện.

Tại Châu Á - Thái Bình Dương, Singapore sẽ đóng băng tất cả các đợt bán vé mới cho các chuyến bay và xe buýt cho người hoàn thành tiêm chủng (VTL) vào thành phố từ ngày 23 tháng 12 đến ngày 20 tháng 1 để ngăn chặn sự lây lan của virus Omicron, thông tin từ Chính phủ nước này vừa cho biết. Bắt đầu từ ngày 21/1/2022, hạn ngạch qua lại biên giới trên bộ giữa Singapore và Malaysia dành cho VTL cũng sẽ giảm một nửa, tương đương với việc chỉ có 24 chuyến xe buýt một chiều mỗi ngày. Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cảnh báo du khách nhập cảnh Singapore theo chương trình VTL trên đất liền phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình xét nghiệm, bao gồm xét nghiệm COVID-19 nhanh (xét nghiệm ART) khi tới biên giới dưới sự giám sát của lực lượng chức năng và xét nghiệm ART trong bảy ngày liên tục sau đó.

"Các biện pháp kiểm soát qua biên giới của chúng tôi sẽ giúp chúng tôi có thời gian để nghiên cứu và hiểu rõ về biến thể Omicron, đồng thời củng cố khả năng phòng thủ của chúng tôi, bao gồm nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe và đưa được nhiều người hơn đi tiêm chủng đầy đủ và tiêm chủng tăng cường ", Bộ Y tế Singapore cho biết trong một tuyên bố.

Tại Hồng Kông, Cathay Pacific Airways Ltd cho biết họ sẽ hủy một số chuyến bay chở khách vào tháng 1/2022 sau khi trung tâm tài chính châu Á này thắt chặt các quy định kiểm dịch do biến thể Omicron.

Tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo đã kêu gọi người dân kiềm chế đi du lịch nước ngoài sau khi ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên được phát hiện ở quốc gia Đông Nam Á này. Ông cũng yêu cầu các quan chức nhà nước không đi du lịch các nước khác, ít nhất là cho đến khi tình hình lắng xuống. Indonesia đã nâng yêu cầu cách ly từ 3 ngày lên 10 ngày đối với khách du lịch.

Để hạn chế rủi ro lây nhiễm biến chủng Omicron, giới chức Malaysia cũng đã cấm hàng loạt các cuộc tụ tập mừng năm mới. Những người tham dự các bữa tiệc cá nhân đón Giáng sinh cùng năm mới sẽ phải tự xét nghiệm Covid-19, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết. Nước này đã tạm thời cấm du khách nước ngoài từ 8 quốc gia ở miền Nam châu Phi nhập cảnh và chỉ định 9 quốc gia khác "có nguy cơ cao", bao gồm Anh, Mỹ, Australia và Ấn Độ. Tất cả người đến từ các quốc gia này phải trải qua cách ly bắt buộc và được gắn thiết bị theo dõi kỹ thuật số, bất kể tình trạng tiêm chủng.

Mặc dù biến thể Omicron được cho là không gây tỷ lệ tử vong cao như biến thể Delta, nhưng rõ ràng virus này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Omicron đã xuất hiện ở 89 quốc gia. Đồng thời số trường hợp liên quan đến biến thể này tăng gấp đôi cứ sau 1,5 đến 3 ngày ở những nơi có sự lây truyền trong cộng đồng…

Tham khảo: Refinitiv

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên