VN-Index bay cao 'nhờ' nhà đầu tư cá nhân
Triển vọng sáng của thị trường chứng khoán trong phần còn lại của năm 2023. Ảnh: GH.
Dù đánh giá thị trường chứng khoán năm 2023 với nhiều triển vọng tích cực, song một số chuyên gia cảnh báo mức định giá của VN-Index hiện tại không còn rẻ. Nếu loại bỏ nhóm ngân hàng, P/E chỉ số thậm chí đã tương đương với những giai đoạn tăng “nóng” thời điểm quý I/2018 và quý II/2021.
Diễn biến gần đây của VN-Index trong năm 2023 vượt xa nhiều dự báo của giới đầu tư. Theo đó chốt phiên giao dịch ngày 31/8, chỉ số chính đạt 1.224,05 điểm, tăng 0,95% so với mốc tham chiếu và 21,54% so với mốc đầu năm. Thống kê từ IndexQ cho thấy VN-Index đứng top 12 các chỉ số chứng khoán tăng mạnh trên thế giới.
Diễn biến tích cực của chỉ số chứng khoán được giới chuyên gia lý giải nhờ vào dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước. Số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết các nhà đầu tư tính riêng tháng 7 đã mở mới 151 nghìn tài khoản chứng khoán. Con số mở mới đã tăng hơn 3% so với tháng trước (146.000 tài khoản) và đây là mức cao nhất của tháng tính trong vòng 1 năm trở lại.
Giới chuyên gia nhìn nhận, hấp lực của thị trường chứng khoán với nhà đầu tư cá nhân đến từ diễn biến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mạnh tay cắt giảm lãi suất điều hành 4 lần trong năm 2023, giảm 150 điểm cơ bản xuống còn 4,5% (đối với lãi suất tái cấp vốn). Biểu lãi suất các nhà băng đầu tháng 8/2023 cho thấy lãi suất tiết kiệm tại quầy giảm từ 0,1 đến 0,7%/năm so với đầu tháng 7. Hiện không còn ngân hàng nào niêm yết mức lãi suất huy động 8%/năm.
Trong xu thế lãi suất tiết kiệm được nhận định tiếp tục giảm, nhiều chuyên gia dự báo nguồn tiền nhàn rỗi sẽ tiếp tục chuyển dịch sang thị trường chứng khoán, đặc biệt với nguồn tiền gửi lãi suất cao từ cuối năm ngoái sẽ đáo hạn trong nửa cuối năm nay. Và, lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới chứng khoán, cũng như diễn biến thanh khoản thị trường đã phần nào minh chứng cho dự báo này.
Song song với dòng tiền ồ ạt vào thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư cá nhân, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) cũng có xu hướng tích cực hơn khi đà bán ròng đã có xu hướng co hẹp lại. Cụ thể, NĐTNN riêng tháng 7/2023 bán ròng 24 tỷ đồng, đánh dấu tháng bán ròng thứ 4 liên tiếp, song mức này thấp hơn nhiều so với con số 269 tỷ đồng trong tháng 6/2023.
Ngoài ra, cần phải kể đến một trợ lực khác từ KQKD hồi phục của các doanh nghiệp niêm yết. Theo ước tính của VnDirect, lợi nhuận ròng quý II/2023 của các công ty niêm yết trên 3 sàn (HoSE, HNX, UPCOM) giảm 12,9% so với cùng kỳ, song kết quả này đã cải thiện so với mức giảm lợi nhuận ròng 19,3% trong quý I/2023.
Quan trọng hơn, diễn biến tích cực của VN-Index còn dựa trên kỳ vọng phục hồi của kinh tế vĩ mô Việt Nam. Bộ phận phân tích của VnDirect dự báo GDP Việt Nam nửa cuối năm 2023 tăng trưởng 7,1% so với cùng kỳ, qua đó nâng tốc độ tăng trưởng cả năm 2023 lên 5,5%. Nền kinh tế Việt Nam sẽ duy trì đà phục hồi trong năm 2024 với dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,9%.
Cơ hội đầu tư dựa trên định giá “rẻ” đã thu hẹp
Trong năm 2023, VN-Index được đánh giá sẽ tiếp tục được hỗ trợ nhờ các thông tin về giải ngân nhanh chóng gói đầu tư công (hạ tầng, năng lượng và dầu khí); đảo ngược chính sách tiền tệ cụ thể là lãi suất giảm nhanh; việc triển khai hệ thống giao dịch KRX đang trong giai đoạn thử nghiệm…
Chiều ngược lại, các yếu tố rủi ro khó khăn với chỉ số gồm: Rủi ro suy thoái ở Mỹ và EU; kinh tế Việt Nam phục hồi chậm hoặc lợi nhuận của doanh nghiệp yếu đi; thị trường quá nóng do hoạt động đầu cơ của nhà đầu tư cá nhân…
Giới phân tích nhìn chung đều có những đánh giá tích cực về thị trường chứng khoán trong phần còn lại của năm 2023.
BVSC cho rằng trợ lực từ kết quả kinh doanh cải thiện trong nửa sau năm 2023 và năm 2024 sẽ giúp đưa định giá VN-Index trở lại mức hấp dẫn hơn. Trong trung hạn, BVSC kỳ vọng chỉ số chính sẽ hướng tới mục tiêu 1.300-1.350 điểm.
Tương tự, VDSC nhìn nhận vùng dao động hợp lý của VN-Index sẽ giao dịch trong khoảng 1.180 – 1.320 điểm. Khi rủi ro ngắn hạn đang tạm thời được đẩy lùi, nhà đầu tư có thể cân nhắc sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức hợp lý để gia tăng hiệu quả cho danh mục đầu tư.
Ở góc nhìn cẩn trọng hơn, DSC đánh giá với bức tranh kết quả kinh doanh trong quý II/2023, đà tăng của chỉ số chính vẫn phần lớn là dựa trên kỳ vọng, qua đó đẩy định giá vào vùng “quá mua”. Do vậy, DSC nhìn nhận cơ hội đầu tư dựa trên định giá “rẻ” đã thu hẹp.
Ngoài ra, DSC đánh giá sự phục hồi của vĩ mô và tăng trưởng của doanh nghiệp chưa rõ ràng trong quý III/2023, vì vậy thị trường cần bước vào “nhịp nghỉ ngơi” trước khi bước sang chu kỳ tìm kiếm cơ hội đầu tư tăng trưởng mới. Từ đó, DSC khuyến nghị chiến lược giao dịch phòng thủ, không dùng đòn bẩy lớn, và cần chọn lọc kỹ càng khi đầu tư nhóm midcap.
Ở kịch bản 1, DSC dự báo chỉ số VN-Index sẽ tiếp đà hưng phấn và hướng đến mục tiêu 1.270 điểm. Trong khi đó, kịch bản 2 là chỉ số sẽ điều chỉnh về ngưỡng 1.200 và tìm điểm cân bằng mới.
Giống với quan điểm của DSC, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital cho rằng P/E toàn thị trường năm 2023 nếu loại bỏ nhóm ngân hàng sẽ đạt mức khoảng 21 lần, tương đương các giai đoạn bùng nổ về dòng tiền, tức là khi dòng tiền tăng “nóng” như quý I/2018 và quý II/2021.
Với bối cảnh môi trường đầu tư mới như hiện nay, bà Phương cho rằng nhà đầu tư cần có chiến lược linh hoạt theo những biến động và sự kiện thị trường. Không chỉ các nhà đầu tư mà kể các doanh nghiệp trong sản xuất, thay vì áp dụng chiến lược “just in time” (tạm dịch là chiến lược chỉ nhận hàng tồn kho khi cần thiết cho sản xuất), nhiều doanh nghiệp đang áp dụng chiến lược “just in case” (tạm dịch dự trữ hàng tồn kho) nhằm hướng tới sự linh hoạt để đối phó với thị trường.
Nhà Đầu Tư