VN-Index gần gấp đôi đáy Covid, nhiều cổ phiếu lớn lại đi ngược về thời điểm cách đây 30 tháng
VN-Index đã leo lên một mức rất cao so với đáy Covid nhưng các cổ phiếu như HVN, VIC, PLX, TCH, CII... vẫn bị bỏ lại phía sau và đang trôi dần về vùng đáy cách đây 30 tháng.
Sau giai đoạn tồi tệ và rơi xuống đáy Covid vào cuối tháng 3/2020, thị trường chứng khoán đã có những bước hồi phục nhanh chóng và tăng trưởng mạnh mẽ sau đó. Chỉ sau 2 năm, VN-Index đã tăng gấp 2,3 lần từ vùng đáy lên lập đỉnh lịch sử mới trên 1.500 điểm. Mặc dù giảm khá mạnh từ đỉnh nhưng VN-Index hiện vẫn ở mức rất cao so với đáy Covid.
“Nước lên, thuyền cũng lên”, rất nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh trong 30 tháng qua, thậm chí lập đỉnh mới. Thế nhưng, vẫn còn không ít cái tên bị bỏ lại phía sau trong đó có cả những “ông kẹ” trên thị trường.
Đầu tiên phải kể đến cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines với câu chuyện xoay quanh nguy cơ bị hủy niêm yết do chưa thể khắc phục được tình trạng kinh doanh thua lỗ và âm vốn chủ sở hữu. HoSE cũng đã lưu ý về khả năng cổ phiếu này bị hủy niêm yết nếu LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục là số âm. Nguy cơ trên là khá rõ ràng bởi tại ĐHĐCĐ niên 2022 diễn ra vào tháng 6, hãng hàng không này vẫn dự kiến lỗ ròng 9.335 tỷ đồng trong năm nay.
Trong bối cảnh đó, cổ phiếu HVN đã liên tục giảm sâu từ giữa tháng 3 và từng một lần chạm đáy Covid vào trung tuần tháng 6. Sau một nhịp hồi ngắn ngủi, cổ phiếu này lại tiếp tục lao dốc kể từ đầu tháng 9 và có lần thứ 2 xuống đáy Covid. Thị giá HVN hiện đã giảm 65% từ đầu năm xuống mức 14.050 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường tương ứng giảm 20.150 tỷ đồng sau gần 9 tháng, xuống còn 31.100 tỷ đồng.
Không có gì khó hiểu khi cổ phiếu lao dốc do kinh doanh thua lỗ nặng. Điều thực sự gây bất ngờ là kết quả kém tích cực của Vietnam Airlines lại diễn ra trong bối cảnh ngành hàng không đang phục hồi khả quan. Theo IATA, Việt Nam dẫn đầu thế giới về mức độ phục hồi thị trường nội địa với sản lượng khách nội địa trong nửa đầu 2022 quay về mức 106% trước dịch.
Tuy nhiên, Vietnam Airlines lại đang vấp phải cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa từ các đối thủ cùng phân khúc như Bamboo Airways hay hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air. Trong khi đó, các đường bay quốc tế còn phụ thuộc nhiều vào mức độ nới lỏng về nhập cảnh của các quốc gia. Với riêng Vietnam Airlines, các đường bay quốc tế đóng góp tới 65% doanh thu, do đó sự phục hồi khiêm tốn của thị trường này đã ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động kinh doanh của hãng.
Ngoài ra, giá nhiên liệu bay tăng cao cũng khiến Vietnam Airlines phải “đau đầu”. Thực tế, hãng hàng không này xây dựng kịch bản nhiên liệu bay dự kiến là 80 USD/thùng Jet A1 tuy nhiên con số bình quân 6 tháng đầu năm 2022 đã lên tới 116 USD/thùng Jet A1. Với mỗi 1 USD nhiên liệu bay chênh lệch có thể làm tăng chi phí của hãng lên 10 tỷ đồng/tháng, Vietnam Airlines đã phát sinh thêm khoảng 2.300 tỷ đồng từ chi phí nhiên liệu bay trong nửa đầu năm.
Cái tên gây bất ngờ nhất là PLX của Petrolimex khi cổ phiếu của “đại gia” bán lẻ xăng dầu liên tục rơi sâu từ đầu tháng 3. Tưởng chừng như cú hích từ việc giá dầu thế giới leo thang lên đỉnh 8 năm vào tháng 6 có thể giúp PLX hồi phục nhưng thực tế lại không được như kỳ vọng. Cổ phiếu này đã nhanh chóng quay đầu giảm mạnh sau khi giá dầu đảo chiều lao dốc sau khi đạt đỉnh.
PLX hiện đã giảm 44% sau gần 7 tháng và rơi xuống mức 35.400 đồng/cổ phiếu, thấp nhất kể từ đầu tháng 4/2020. Vốn hóa thị trường cũng theo đó “bốc hơi” hơn 34.300 tỷ đồng (~1,5 tỷ USD), xuống 43.400 tỷ đồng và chỉ còn cao hơn đôi chút so với thời điểm xuống đáy Covid cuối tháng 3/2020.
Giá xăng dầu trong nước liên tục giảm qua các kỳ điều chỉnh cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến cổ phiếu PLX thời gian gần đây. Giá xăng giảm mạnh từ đầu tháng 7 được dự báo sẽ gây áp lực lớn lên kết quả kinh doanh của Petrolimex bởi lượng tồn kho “khổng lồ” hơn 21.500 tỷ đồng vào cuối quý 2.
Trước đó, Petrolimex cũng đã bất ngờ lỗ “kỹ thuật” 141 tỷ đồng trong quý 2. Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân dẫn đến thua lỗ là do thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng hóa tồn kho tại ngày 30/06/2022 căn cứ vào giá trị thuần có thể thực hiện được tại thời điểm lập báo cáo tài chính (20/07/2022). Nếu giá xăng dầu vẫn duy trì xu hướng giảm, không loại trừ khả năng Petrolimex sẽ tiếp tục lỗ.
Một cái tên khác cũng gây bất ngờ không kém là VIC của Vingroup. Cổ phiếu này từng có thời gian dài giữ vị trí giá trị nhất sàn chứng khoán, thậm chí đến đầu năm 2022 vẫn đang cạnh tranh “sòng phẳng” với Vietcombank (VCB). Tuy nhiên, việc liên tục trượt dài đã đẩy VIC rơi xuống dưới cả đáy Covid cùng mức giảm gần 36% từ đầu năm 2022.
Vốn hóa thị trường cũng theo đó bị thổi bay 130.000 tỷ đồng (~5,6 tỷ USD) xuống mức 232.650 tỷ đồng. Dù vẫn xếp thứ 2 toàn sàn nhưng Vingroup đã bị Vietcombank bỏ xa với khoảng cách lên đến hơn 116.000 tỷ đồng (~5 tỷ USD).
Cũng từng nằm trong nhóm VN30 nhưng quy mô vốn hóa của Tài chính Hoàng Huy (TCH) lại khiêm tốn hơn rất nhiều. Sau cú rơi tự do hồi đầu năm 2020, cổ phiếu này gần như không có nhịp tăng nào thực sự đột phá cho đến cuối tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, niềm vui “ngắn chẳng tề gang”, TCH đã quay xe chóng vánh ngay đỉnh hồi đầu tháng 1/2022 và lao dốc kể từ đó.
Cổ phiếu này chạm đáy Covid vào giữa tháng 5 và tiếp tục thủng sâu sau đó khoảng hơn 1 tháng. Dù đang “chật vật” hồi phục nhưng thị giá TCH hiện vẫn chỉ dừng ở mức 12.100 đồng/cổ phiếu, giảm một nửa so với đầu năm. Vốn hóa thị trường chưa đến 8.100 tỷ đồng, ngang với thời điểm đáy Covid.
Một trong những nguyên nhân khiến TCH giảm mạnh đến từ kết quả kinh doanh kém sắc. Trong quý đầu niên độ 2022-2023 (1/4/2022 – 30/6/2022), TCH ghi nhận doanh thu thuần giảm 42% so với cùng kỳ xuống 234 tỷ đồng. Biên lãi gộp co lại đáng kể từ 32,4% xuống 19%. Sau khi trừ chi phí, TCH lãi ròng gần 101 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ trong đó LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 66 tỷ đồng.
TCH có 2 mảng kinh doanh chính gồm kinh doanh xe ôtô tải và bất động sản. Doanh nghiệp cho biết giá xăng dầu tăng cao cùng việc siết chặt tín dụng dẫn đến nhu cầu mua xe giảm mạnh khiến doanh số bán hàng quý đầu niên độ tài chính 2022-2023 giảm 49%. Trong khi đó, các khoản đầu tư vào bất động sản không đủ bù đắp sự sụt giảm dẫn đến tăng trưởng âm.
Một trường hợp khá đặc biệt là CII của Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh khi trong khoảng 2 năm trở lại đây, cổ phiếu này có đến 3 lần xuống dưới đáy Covid. Trên thực tế, trước khi dựng “cây thông” trên đồ thị giá từ cuối tháng 9/2021, CII gần như chỉ quanh quẩn vùng đáy này.
Cùng với cơn sốt đất bắt đầu từ cuối năm ngoái, cổ phiếu CII cũng liên tục tăng nóng kể từ đầu tháng 10/2021. Chỉ sau khoảng 3 tháng, cổ phiếu này đã tăng gấp hơn 3 lần qua đó đạt đỉnh lịch sử 57.900 đồng/cổ phiếu trước khi quay đầu lao dốc không phanh sau vụ “sập hầm” đấu giá đất Thủ Thiêm.
CII nhanh chóng đánh mất toàn bộ thành quả tăng giá trước đó, thậm chí thủng hết các đáy và rơi xuống dưới 15.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 21/6, ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 4/2015. Dù hồi khá mạnh sau đó nhưng CII đã lại nhanh chóng quay đầu điều chỉnh từ giữa tháng 6 và có xu hướng tìm về vùng đáy Covid quen thuộc.
Nhịp hồi của CII được hỗ trợ tích cực bởi kết quả kinh doanh khởi sắc trong 6 tháng đầu năm với lợi nhuận ròng tăng gấp 7 lần cùng kỳ lên hơn 800 tỷ đồng chủ yếu nhờ doanh thu tài chính tăng mạnh. CII hiện có 2 nguồn thu chính từ thu phí giao thông và kinh doanh bất động sản. Trong đó lĩnh vực bất động sản được dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi 2 kênh huy động vốn chính là tín dụng ngân hàng và trái phiếu đều bị siết chặt.
Nhịp Sống Thị Trường