MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VN-Index giảm gần 10 điểm, cơ hội "nhặt hàng" đã đến?

“Trong quá khứ việc này đã xảy ra rất nhiều lần. Thế nhưng trăm lần như một, chứng khoán luôn bị ảnh hưởng. Thống kê đã chỉ ra rằng, sau tất cả những sự kiện này, chứng khoán luôn phục hồi mạnh mẽ. Chiến tranh chỉ là cớ để gom hàng." - Ông Nguyễn Hồng Điệp nói.

Đêm qua (13/4) theo giờ Mỹ, Mỹ đã thả quả bom phi hạt nhân lớn nhất mà quân đội nước này từng sử dụng xuống các vị trí của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Afghanistan.

Cùng lúc đó, Đài NBC của Mỹ dẫn nguồn tin từ nhiều quan chức tình báo cấp cao của Mỹ cho biết nếu Mỹ có đủ chứng cứ thuyết phục rằng CHDCND Triều Tiên chắc chắn sẽ thử hạt nhân, nước này sẽ ra đòn phủ đầu với Bình Nhưỡng.

Không ngoài dự đoán, thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên giao dịch ngày 14/04 với sắc đỏ bao trùm. VN-Index giảm tới gần 10 điểm trước khi hồi lại một chút với mức giảm hơn 7 điểm.

Điều gì đang thực sự xảy ra với TTCK Việt Nam?

Theo ông Nguyễn Thế Minh - Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), hàng năm, Triều Tiên vẫn luôn đem vũ khí hạt nhân ra “hù dọa” và gây sóng gió cho thị trường chứng khoán nhưng sau đó mọi chuyện đều bình thường trở lại.

Bài học rút ra là: Chiến tranh không xảy ra và những phiên như thế này, đối với nhà đầu tư trung và dài hạn, cơ hội là nhiều hơn. Hãy tận dụng để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.


Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Minh nhận xét, VN-Index đã có 3 phiên giảm khá mạnh và áp lực bán vẫn còn khá lớn. Sự bùng phát hôm nay có lý do đến đầu tiên đến từ margin. 2 phiên trước đó, áp lực này đã xảy ra nên hôm nay có lẽ là 1 giọt nước tràn ly bởi như chúng ta vẫn thấy, các CTCK bắt buộc phải xử lý margin trước khi có thông tin như vụ này xảy ra, vì ít nhất margin thời gian qua cũng đã căng.

“Hiện nay VN-Index đã xuống dưới vùng 720 và tiến sát vùng 710, quan điểm của tôi là với 3 phiên giảm mạnh về vùng này – một ngưỡng hỗ trợ khá cứng thì ngắn hạn, lực cầu bắt đáy sẽ gúp chống đỡ lại lực bán hiện nay” – ông Thế Minh đánh giá.

Ông Minh không có ý kiến về câu chuyện chiến tranh và từ các phiên trước, với áp lực margin, quan điểm của chuyên gia là hạ tỷ trọng cổ phiếu.

“Nhưng đến vùng điểm này thì tôi khuyến nghị là hạn chế bán tháo. Việc bán tháo mang tính chất về mặt tâm lý, nhiều cổ phiếu cũng đang bị đà bán quá sâu trong ngắn hạn, nên sẽ xảy ra cầu bắt đáy giúp thị trường cân bằng trở lại.”

Tuy nhiên, đó là tại ngưỡng kháng cự 710 điểm. Sau đó thị trường cũng có thể tiếp tục giảm tiếp nhưng chưa thể xác định vùng đáy.

“Cho nên, tôi không khuyến nghị NĐT mua mới, bắt đáy ở giai đoạn này. NĐT đang có cổ phiếu thì phải tiết chế bán tháo. Còn những người mua mới là người chấp nhận rủi ro hoặc đầu tư trung, dài hạn”.

Theo ông Minh, yếu tố hỗ trợ cho thị trường là KQKD quý 1 sắp tung ra, được đánh giá là khả quan hơn năm trước, và NĐT trung dài hạn trong năm 2017 vẫn nên nắm giữ và “nhặt” cổ phiếu. Đặc biệt cần chú ý, trước những biến cố tương tự, tâm lý của NĐT nước ngoài không hề tiêu cực mà mua ròng mạnh từ đầu năm đến nay.

Đồng quan điểm, trên FB cá nhân, ông Nguyễn Hồng Điệp – Giám đốc chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh CTCK SHS đã nhanh chóng nêu quan điểm. Theo ông Điệp, chỉ số công nghiệp Dow Jones có ngày giảm thứ 4 liên tiếp, rời xa khỏi mốc 21.000 điểm. Nguyên nhân là do căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Nga, giữa Mỹ và Triều Tiên, giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Trong quá khứ việc này đã xảy ra rất nhiều lần. Thế nhưng trăm lần như một, chứng khoán luôn bị ảnh hưởng. Thống kê đã chỉ ra rằng, sau tất cả những sự kiện này, chứng khoán luôn phục hồi mạnh mẽ. Chiến tranh chỉ là cớ để gom hàng. Minh chứng rõ nhất là khối ngoại ngày nào cũng mua ròng với khối lượng lớn.”

Chuyên gia nhấn mạnh: Hãy hành xử tỉnh táo, kẻo biến thành gà.


Ông Nguyễn Hồng Điệp

Ông Nguyễn Hồng Điệp

Bà Nguyễn Mai Phương – Trưởng phòng phân tích CTCK VNDIRECT cho rằng yếu tố chiến tranh là bất định, không thể dự báo. Trong tình hình nhà đầu tư có lãi và chốt lời được rồi, thì với yếu tố bất định thế này, họ sẽ lựa chọn chốt lời.

Kinh nghiệm cho thấy, những phiên thị trường sụt giảm như vậy là cơ hội tốt để nhặt hàng, nhưng bà Mai Phương nhận định: “Cũng không vội vàng phải mua. Áp lực bán tương đối lớn nên cứ kiên nhẫn chờ cơ hội rõ ràng hơn”.

Nhặt cổ phiếu nào?

Ông Nguyễn Thế Minh đánh giá dòng bất động sản và nhóm tiêu dùng, hoặc một số cổ phiếu dòng ngân hàng.

“BĐS sẽ còn tăng trưởng tốt. Nhóm tiêu dùng, bán lẻ là nhóm cơ bản tốt trong năm nay. Tình hình lạm phát tăng là chỉ báo cho thấy điều này. Còn nhóm ngân hàng chỉ có thể đầu tư vào những cổ phiếu có game riêng.”

Ông Minh cũng khuyến nghị NĐT quan tâm đến nhóm dầu khí. Trong báo cáo mới nhất của OPEC, cung và cầu của thế giới khá cân bằng. Có nghĩa là cung đang giảm khi OPEC tiếp tục cắt giảm sản lượng, còn cầu của Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ tăng trở lại. Như thế, giá dầu có thể hồi phục về giá 60 USD. Đó là một điểm hỗ trợ. Với NĐT có tiền mặt lớn và trung và dài hạn thì giải ngân vào những nhóm cổ phiếu này.

Các loại cổ phiếu bà Nguyễn Mai Phương khuyến nghị là nhóm hàng tiêu dùng. Bất động sản cũng là lựa chọn tốt, nhưng trong trường hợp rủi ro nhất thì nhóm tiêu dùng cơ bản vẫn là sự lựa chọn an toàn.

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên