MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VN-Index giảm hơn 8% trong tháng 4, ghi nhận nhịp chỉnh mạnh nhất trong vòng gần 2 năm

VN-Index giảm hơn 8% trong tháng 4, ghi nhận nhịp chỉnh mạnh nhất trong vòng gần 2 năm

Mức giảm trong tháng 4 vừa qua được ghi nhận là mạnh nhất của chỉ số VN-Index kể từ tháng 3/2020 tới nay (VN-Index giảm 24,9% trong tháng 3/2020).

Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 4 (29/4), chỉ số VN-Index dừng tại 1.366,8 điểm, giảm 8,4% so với tháng trước đó. Mức giảm trong tháng 4 vừa qua được ghi nhận là mạnh nhất của chỉ số VN-Index kể từ tháng 3/2020 tới nay (VN-Index giảm 24,9% trong tháng 3/2020).

Như vậy, sau năm 2021 đầy thăng hoa, chỉ số chính của chứng khoán Việt Nam đã giảm 2/4 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên,biên độ giảm của tháng 4 và tháng 1 cao hơn nhiều so với mức tăng của tháng 2 và tháng 3. 

Không những vậy, thống kê cho thấy xác suất chứng khoán Việt Nam tăng điểm trong tháng 4 chiếm đa số, có tới 13/22 tháng 4 ghi nhận chỉ số VN-Index tăng trưởng dương, giá trị tăng cũng thường rất tích cực. Do đó, việc chỉ số sàn HoSE giảm mạnh trong tháng 4/2022 có phần bất ngờ với đa số nhà đầu tư.

VN-Index giảm hơn 8% trong tháng 4, ghi nhận nhịp chỉnh mạnh nhất trong vòng gần 2 năm - Ảnh 1.

Xét về diễn biến cụ thể trong tháng, VN-Index ghi nhận chuỗi giảm giá kéo dài nhất từ tháng 6/2020 với 6 phiên giao dịch liên tiếp từ 14-21/4. Đáng chú ý, mặc dù thị trường điều chỉnh mạnh song thanh khoản vẫn không có dấu hiệu cải thiện, thậm chí còn sụt giảm trong những phiên VN-Index chỉnh sâu, càng khiến tâm lý nhà đầu tư hoang mang về vận động tiếp theo của thị trường.

Việc chứng khoán Việt Nam giảm điểm trong tháng 4 có nguyên nhân không nhỏ từ các yếu tố thông tin tiêu cực lan truyền trên thị trường trong khi thiếu vắng yếu tố tích cực. "Cơn bão" tin đồn đã đẩy áp lực bán tháo lên cao đột biến tại những mã đầu cơ, trong khi lực cầu ngày càng suy giảm khiến giá cổ phiếu buộc phải quay đầu giảm mạnh. Kể cả những mã trụ cột không liên can, kết quả làm chỉ số mất đi những lực đỡ quan trọng.

Đồng thời, áp lực bán giải chấp cổ phiếu trên diện rộng càng khiến bên bán đẩy mạnh lực cung trong khoảng phiên chiều. 

Mặt khác, xét về yếu tố khách quan, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraina gia tăng, áp lực lạm phát toàn cầu, FED tăng lãi xuất hay sự xuất hiện của những biến thể mới Covid-19 tại nhiều quốc gia khiến triển vọng chung trở nên kém khởi sắc hơn.

Dù vậy, theo đánh giá của một số chuyên gia chứng khoán, diễn biến thị trường có thể sẽ tích cực hơn trong thời gian tới, đà phục hồi có thể duy trì sau kỳ nghỉ lễ và chỉ số VN-Index sẽ hướng tới kháng cự mạnh trước mắt là vùng 1.380-1.400 điểm.

Tâm lý của nhà đầu tư cũng đã được cải thiện sau những thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ. Trong tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị về thị trường vốn trên tinh thần làm lành mạnh hóa thị trường, không để sai phạm của một thiểu số làm ảnh hưởng đến đa số các nhà đầu tư làm ăn chân chính, không hình sự hóa quan hệ dân sự - kinh tế.

Thủ tướng khẳng định cần kiên quyết xử lý những vi phạm để bảo vệ những người làm ăn chân chính, công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật, thực hiện mọi biện pháp cần thiết với bước đi, lộ trình phù hợp để thị trường phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.

Đồng thời, nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mở cửa trở lại đang ghi nhận sự hồi phục tích cực từ tăng trưởng GDP đến xuất khẩu; lạm phát cũng được duy trì ở mức thấp, tình hình kết quả kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp niêm yết nhìn chung vẫn tích cực...

Nhà đầu tư nên làm gì trong thời gian tới?

Trở lại với diễn biến thị trường, đưa ra khuyến nghị đầu tư trong bối cảnh hiện tại, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, CTCK VNDIRECT cho rằng, với những "trader" ưa thích ngắn hạn, đây chưa phải là thời điểm phù hợp để gia tăng vị thế và sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao.

Trong khi đó, với những nhà đầu tư trung-dài hạn (tầm nhìn đầu tư trên 6 tháng), vị chuyên gia này vẫn tỏ ra lạc quan khi đánh giá việc thị trường giảm điểm thời gian qua lại là cơ hội rất tốt để tích lũy cổ phiếu khi nhiều cổ phiếu có cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh tích cực đã về mức định giá hấp dẫn hơn nhiều so với thời điểm cách đây chỉ 2-3 tuần. Cụ thể, nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu có định giá hấp dẫn thuộc những nhóm ngành có triển vọng tích cực trong giai đoạn tới như Ngân hàng, Bán lẻ, Điện, Dệt may, Bất động sản khu công nghiệp.

Đồng quan điểm, bản tin cập nhật của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá việc thị trường có vài phiên hồi phục cuối tháng 4 đã cho thấy lòng tin của nhà đầu tư vào chiều tăng của thị trường chung đang được nâng lên. Với diễn biến tiếp nối nhịp hồi phục, dự kiến VN-Index sẽ tiếp tục hướng đến và kiểm tra vùng cản 1.390 (+/- 10) điểm trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, VDSC nhấn mạnh đây vẫn chỉ là cơ hội để cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm thiếu rủi ro, nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi cổ phiếu và chủ động cơ cấu trong những nhịp tăng mạnh của thị trường.

VN-Index giảm hơn 8% trong tháng 4, ghi nhận nhịp chỉnh mạnh nhất trong vòng gần 2 năm - Ảnh 2.

Diễn biến chỉ số VN-Index từ đầu năm 2020 đến nay

https://cafef.vn/vn-index-giam-hon-8-trong-thang-4-ghi-nhan-nhip-chinh-manh-nhat-trong-vong-gan-2-nam-20220430111939974.chn

Phương Linh

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên