MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VN-Index hay Sabeco-Index: Khi tâm lý thị trường bị ảnh hưởng mạnh bởi SAB

Trong thời gian qua, thị trường bước vào xu hướng giảm ngắn hạn kể từ khi đạt đỉnh vào ngày 8/8/2017. Tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn vì nhiều lý do mà khá bất ổn, tuy nhiên có một yếu tố khiến tâm lý chung bị ảnh hưởng hơn so với những giai đoạn giảm trước đó chính là sự biến động của cổ phiếu SAB.

Là doanh nghiệp trong nhóm hàng tiêu dùng, có thương hiệu và thị phần cao, giống như các doanh nghiệp dẫn đầu như Vinamilk, Thế giới di động… thì Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước Giải khát Sài Gòn cũng được định giá cao trên thị trường chứng khoán. Xu hướng tăng ngắn hạn của cổ phiếu được hình thành kể từ 17/5/2017 đến nay. Từ mức giá 188.700 đồng cho tới 254.700 đồng – mức giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/08/2017, SAB đã tăng khoảng 34,5%.

Nếu chỉ dừng lại ở đó, câu chuyện không có gì đáng nói. Nhưng với mức tăng như vậy, SAB đã trở thành cổ phiếu có vốn hóa cao thứ 2 thị trường chỉ sau VNM với mức ảnh hưởng khoảng 8,6% vào mức điểm số chung, và cũng chính là khởi đầu của sự bất ổn tâm lý trong từng phiên giao dịch giai đoạn giảm giá hiện tại.

Trái với các cổ phiếu có sức ảnh hưởng lớn khác như VNM, VCB, GAS, PLX, VIC …, thanh khoản của SAB ở mức thấp khi trung bình giao dịch chỉ khoảng 30.000 đến 40.000 cổ phiếu/ phiên và các lệnh chặn mua chặn bán khá rời rạc với số lượng chỉ lên tới vài nghìn cổ phiếu trở lại. Do vậy biến động trong phiên hoặc kết thúc phiên so với phiên giao dịch trước đó của SAB thường khá lớn, điều này ảnh hưởng mạnh tới biến động trong phiên cũng như đóng cửa so với phiên giao dịch trước đó của VN-index.

Trong giai đoạn tăng giá có lẽ nhà đầu tư sẽ không để ý tới điều này vì đa phần tâm lý chung là tích cực, tuy nhiên theo chiều ngược lại khi tâm lý chung đang sợ hãi lo lắng khi “mua là lỗ” thì biến động lớn của cổ phiếu SAB như đổ thêm dầu vào lửa.

Hãy cùng nhìn lại giai đoạn giảm giá vừa qua của thị trường và ảnh hưởng của SAB đến chỉ số như thế nào?

Có tới 2 phiên VN-index sụt giảm mạnh vào ngày 09/08/2017 và 22/08/2017 tương ứng với việc SAB giảm khá mạnh khoảng 4,3% và 4,2%.

Sự biến động lớn trong phiên của SAB cũng khiến VN-index biến động thất thường khi thay đổi mức tăng giảm khá nhanh. Có lúc chỉ số đang tăng khá ổn nhưng chỉ cần “ai đó” bán xuống 10 cổ phiếu SAB ở mức giá thấp, thị trường có thể đảo chiều sang giảm điểm, hoặc thị trường đang giảm chỉ 1 tới 2 điểm nhưng việc SAB giảm mạnh trong phiên khiến thị trường cũng “đột nhiên” giảm tới 5 hoặc 6 điểm.

Hai lý do trên chính là nguyên nhân khiến tâm lý thị trường trong giai đoạn vừa qua ảnh hưởng nặng nề hơn so với những giai đoạn giảm trước đó trong chu kỳ đi lên từ 2016. Mặc dù việc giảm điểm khi mặt bằng giá cao trong ngắn hạn là điều hiển nhiên, nhưng rõ rang SAB đã khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên bất ổn hơn khi mọi điều kiện chung không có gì thay đổi.

Tú Phạm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên