MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VN-Index mất gần 39 điểm với hàng trăm mã giảm sàn, điều gì đang diễn ra với chứng khoán Việt Nam?

VN-Index mất gần 39 điểm với hàng trăm mã giảm sàn, điều gì đang diễn ra với chứng khoán Việt Nam?

Bàn về nguyên nhân thị trường giảm sâu trong phiên hôm nay, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng tâm lý nhà đầu tư có phần thận trọng về những tin đồn xuất hiện thời gian gần đây.

Chứng khoán Việt Nam khép lại phiên giao dịch cuối tuần đầy biến động với hàng loạt cổ phiếu giảm mạnh. Cú "rũ cánh" của nhiều cổ phiếu trụ khiến VN-Index giảm mạnh ngay đầu phiên, có thời điểm chỉ số mất hơn 50 điểm, giảm đến 4,35%.

Chỉ số “nhúng” xuống vùng hỗ trợ kích hoạt dòng tiền bắt đáy nhập cuộc giúp thanh khoản tăng khá tốt. Kết phiên, VN-Index thu hẹp đà giảm còn gần 39 điểm (tương đương 3,59%) để lùi về sát mốc 1.035 điểm. Thị trường chìm trong sắc đỏ với hơn 900 mã giảm điểm, trong đó có 268 mã giảm sàn.

Trên thực tế, trong bối cảnh thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, vắng bóng thông tin hỗ trợ, những nhịp giảm của thị trường khiến giới đầu tư không quá bất ngờ. Tuy nhiên, giới đầu tư cũng kỳ vọng thị trường sẽ sớm dừng đà giảm và sớm cân bằng trở lại khi đã chiết khấu mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, phiên giảm điểm hôm nay khiến tâm lý thị trường càng trở nên nặng nề.

Bàn về nguyên nhân thị trường giảm sâu trong phiên hôm nay, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng tâm lý nhà đầu tư đang khá hoang mang về những tin đồn xuất hiện thời gian gần đây.

"Bối cảnh thị trường diễn biến xấu, tâm lý nhà đầu tư yếu, cộng thêm những tin đồn chưa được kiểm chứng như bồi thêm “cú dopping” kích hoạt đà bán mạnh trên thị trường", ông Nguyễn Thế Minh nhận định.

Tuy nhiên, thanh khoản tăng cao cho thấy lượng force sell chủ động hơn. Điểm sáng trong phiên rung lắc mạnh là thanh khoản tăng cao cho thấy cầu hấp thụ tốt.

Theo chuyên gia, những mốc điểm của thị trường trong thời điểm này không còn quá nhiều ý nghĩa. Tuy ngưỡng hỗ trợ tâm lý mạnh tại 1.000 điểm cũng cần quan sát kỹ. Theo quan điểm của chuyên gia, thị trường sẽ khó “thủng” mốc 1.000 điểm, nếu có thì chỉ “nhúng” trong phiên rồi sẽ hồi lại.

Mặc dù phản ứng thị trường hiện không phụ thuộc vào yếu tố cơ bản hay định giá mà hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố tâm lý. Thời điểm này, thị trường dường như đang phản ứng thái quá tương tự như thời điểm mới xảy ra dịch Covid.

Tuy nhiên, thị trường đã chiết khấu rất sâu, P/E xấp xỉ 11 lần – đây là mức hấp dẫn sẽ hấp thụ lực cầu bắt đáy.

"Với mức chiết khấu này, tôi cho rằng vùng đáy đã ở quanh đây, thị trường sẽ sớm cân bằng trở lại. Thị trường thường vận hành theo lý thuyết giảm sâu thì hồi nhanh, do đó “cửa” để thị trường đảo chiều trong ngắn hạn là rất cao", ông Nguyễn Thế Minh đánh giá.

Do đó, chuyên gia cho rằng với những nhà đầu tư đang nắm vốn tự có, không margin nên bình tĩnh “kiềm lòng” để không bán ra. Chờ đợi nhịp hồi trong ngắn hạn để thu hẹp phần nào khoản lỗ.

Tuy nhiên, đối với những nhà đầu tư muốn bắt đáy cần tuân thủ nguyên tắc chặt chẽ (1) chỉ mua thăm dò một lượng cổ phiếu nhỏ (2) tính toán khả năng chịu lỗ và ngưỡng cutloss phù hợp.

Đưa ra quan điểm với chúng tôi trước đó, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC cho rằng bối cảnh trung và dại hạn vẫn rất tiêu cực và nhiều ẩn số, tuy nhiên những yếu tố tiêu cực ngắn hạn trong tháng 10 có thể lắng dịu hơn so với tháng 9.

Dù câu chuyện dài 2023 vẫn còn ở phía trước với nhiều động khó lường. Tuy nhiên trong ngắn hạn và phần còn lại của năm 2022 thị trường sẽ không thủng vùng 1.000-1.030 điểm.

"Kịch bản thủng 1.000 điểm sẽ xảy ra khi có những vụ sụp đổ các doanh nghiệp lớn trên thế giới, kéo theo những cú giảm mạnh của thị trường chứng khoán, tương tự như giai đoạn khủng hoảng tài chính 2007-2008", ông Bùi Văn Huy đưa ra dự báo.

Đưa ra chiến lược hành động cho nhà đầu tư trong thời điểm này, ông Huy nêu 4 điểm quan trọng.

Thứ nhất, nhà đầu tư nên xác định chứng khoán có tính chu kỳ và không phải lúc nào cũng thuận lợi. Những lúc không thuận lợi thì tỷ trọng cho kênh chứng khoán nên ở mức thấp.

Thứ hai, nhà đầu tư vẫn nên tập trung vào các cổ phiếu phòng thủ, ít mang tính chu kỳ trong giai đoạn hiện tại

Thứ ba, đối với nhà đầu tư dài hạn, không có lạc quan nhưng không cần bi quan, cần nhìn vào căn cơ.

Thứ tư, quản trị rủi ro nên được ưu tiên. Nhà đầu tư nên giữ tiền để cùng xuất phát với số tiền lớn nhất trong chu kỳ mới.

Hạ Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên