MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VN-Index tăng gần 36% trong năm 2021, lọt top 7 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Thế giới

VN-Index tăng gần 36% trong năm 2021, lọt top 7 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Thế giới

Khảo sát các Công ty chứng khoán cho biết trong năm 2022, xu hướng tích cực tiếp tục diễn ra với thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, hầu hết các Công ty chứng khoán cho rằng VN-Index có thể đạt ít nhát 1.700 điểm trong năm 2022.

Bất chấp ảnh hưởng từ dịch Covid-19, Chứng khoán Việt Nam đã có một năm 2021 đầy thăng hoa khi chỉ số VN-Index tăng 35,73% lên 1.498,28 điểm, mức tăng mạnh nhất từ năm 2017 tới nay. Diễn biến tích cực của thị trường năm qua đã đưa VN-Index trở thành chỉ số chứng khoán tăng mạnh thứ 7 trên toàn thế giới.

Đà tăng ấn tượng của thị trường có sự đóng góp luân phiên của nhiều nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản…

VN-Index tăng gần 36% trong năm 2021, lọt top 7 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Thế giới - Ảnh 1.

VN-Index lọt top 7 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2021

Theo số liệu từ Bloomberg, tại mức điểm 1.498,28, định giá P/E của VN-Index hiện lên xấp xỉ 17,5 lần. Đây là mức định giá chưa quá cao nếu so với giai đoạn đầu năm 2018 (P/E khoảng 22), trong khi tốc độ tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp được dự báo tiếp tục tăng trưởng tích cực trên 20% (dự báo tổng hợp từ các CTCK) trong năm 2022.

Với đà tăng mạnh mẽ trong nửa đầu năm, vốn hóa HoSE hiện đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 1,8 triệu tỷ đồng so với đầu năm.

Nhà đầu tư nội dẫn dắt đà tăng bất chấp áp lực bán ròng của khối ngoại

Không chỉ tăng mạnh về điểm số, thanh khoản thị trường cũng tăng trưởng ngoạn mục trong năm 2021. Nếu như năm 2020, thanh khoản bình quân sàn HoSE (bao gồm thỏa thuận) chỉ đạt gần 6.200 tỷ đồng mỗi phiên thì đến năm 2021, những phiên giao dịch "tỷ đô" là điều thường xuyên diễn ra.

Việc tăng trưởng mạnh ngoài sức tưởng tượng về thanh khoản đã khiến HoSE gặp phải sự cố hy hữu khi liên tục nghẽn lệnh. Với sự vào cuộc của FPT, tình trạng nghẽn lệnh của sàn HoSE đã được khắc phục kể từ tháng 7.

Sự bùng nổ về thanh khoản thị trường có vai trò quan trọng từ lớp nhà đầu tư mới, hay còn gọi là nhà đầu tư "F0". Số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) cho biết trong 11 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm trước đó cộng lại.

VN-Index tăng gần 36% trong năm 2021, lọt top 7 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Thế giới - Ảnh 2.

Việc nhà đầu tư nội ồ ạt mở tài khoản chứng khoán thời gian gần đây có nhiều yếu tố, trong đó đáng kể nhất là việc (1) Lãi suất huy động đang ở mức thấp; (2) Kênh trái phiếu doanh nghiệp bị siết lại; (3) Nền kinh tế được kỳ vọng hồi phục mạnh sau đại dịch; (4) Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực; (5) Triển vọng nâng hạng thị trường mới nổi trong 2 năm tới; (6) Người dân ít có sự lựa chọn kênh đầu tư và (7) Việc áp dụng eKYC giúp mở tài khoản trở nên thuận tiện hơn.

Nhà đầu tư đổ xô đầu tư chứng khoán cũng kéo theo nhu cầu sử dụng margin trên toàn thị trường tăng vọt. Ước tính, dư nợ cho vay (chủ yếu là cho vay margin) trên toàn thị trường tính tới cuối năm 2021 vào khoảng 165.000 tỷ đồng (~7,2 tỷ USD) và đây là con số kỷ lục trên TTCK Việt Nam từ khi thành lập tới nay. Cũng cần lưu ý, đây là số dư nợ không bao gồm cho vay 3 bên. Nếu tính thêm dư nợ từ cho vay 3 bên, con số thực tế sẽ lớn hơn rất nhiều.

Trái với sự hào hứng của nhà đầu tư trong nước, áp lực bán ròng của khối ngoại trong năm qua khá mạnh với giá trị lên tới hơn 60.000 tỷ đồng (~2,6 tỷ USD), con số kỷ lục từ trước tới nay, gấp khoảng 4 lần lượng bán ròng trong năm trước.

Nguyên nhân dẫn tới đà bán ròng mạnh của khối ngoại năm qua đến từ xu hướng rút vốn chung tại các thị trường cận biên, mới nổi và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ngoài ra, việc cơ cấu thị trường chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu thuộc lĩnh vực bất động sản, tài chính, dầu khí, trong khi thiếu vắng các lĩnh vực "hot" như công nghệ, y tế, giáo dục, thương mại điện tử cũng là yếu tố kém hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại.

Năm 2022, VN-Index có thể lên mốc 1.700 điểm?

Khảo sát các Công ty chứng khoán cho biết trong năm 2022, xu hướng tích cực tiếp tục diễn ra với thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, hầu hết các Công ty chứng khoán cho rằng VN-Index có thể đạt ít nhát 1.700 điểm trong năm 2022.

Theo chứng khoán VNDirect, trong năm 2022, chỉ số VN-Index có thể đạt 1.700 – 1.750 điểm với kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp vào khoảng 23%.

Tương tự, Chứng khoán Mirae Asset cũng dự báo VN-Index nhiều khả năng sẽ đạt 1.700 điểm trong năm 2022 với kỳ vọng tăng trưởng EPS đạt 24%. Có phần lạc quan hơn, Chứng khoán Yuanta dự báo VN-Index có thể lên mốc 1.898 điểm trong năm 2021 với triển vọng tăng trưởng EPS đạt 21%.

Trong khi đó, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo VN-Index sẽ đạt khoảng 1.580 – 1.600 điểm trong năm 2022.

Minh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên