VN-Index tuần tới tăng, hướng mốc 1.100 điểm?
TPO - VN-Index dù để mất điểm ở phiên cuối tuần, nhưng vẫn khép lại một tuần tăng nhẹ trong xu hướng đi ngang. Với những thông tin vĩ mô tích cực đã được hé lộ, kỳ vọng, tuần giao dịch kế tiếp, thị trường có thể cải thiện tích cực hơn.
VN-Index dù để mất điểm ở phiên cuối tuần, nhưng vẫn khép lại một tuần tăng nhẹ trong xu hướng đi ngang. Thanh khoản sụt giảm so với tuần trước đó khi nhà đầu tư thận trọng trước các thông tin tác động kể cả trong và ngoài nước.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng sang tuần thứ 6 liên tiếp, giúp thị trường ngược dòng chứng khoán thế giới. Khối ngoại mua ròng 1.854 tỷ đồng trên sàn HoSE, giảm hơn 55% giá trị so với tuần trước. Đồng thời, khối ngoại cũng giảm giá trị mua ròng trên HNX, UPCoM-Index (giảm hơn 70% so với tuần trước).
Khối ngoại duy trì mua ròng, dù giá trị sụt giảm so với tuần trước
Nhóm ngân hàng có giao dịch đáng chú ý, thường xuyên ở vị trí dẫn dắt thị trường. Tuần qua, 17/27 cổ phiếu trong ngành tăng giá. Trong đó, EIB tăng mạnh nhất, đóng cửa phiên 16/12 ở mức 27.400 đồng/cổ phiếu, tăng gần 23% so với cuối tuần trước. Trong 5 phiên giao dịch tuần qua thì cổ phiếu này có đến 3 phiên tăng trần hoặc lên sát giá tăng (12-14/12).
Theo sau EIB, VPB cũng tăng tới 9,5%. Các cổ phiếu như VCB, TCB, MBB tăng trên 3%.
Ngành hàng không chứng kiến tuần tăng mạnh thứ 2 liên tiếp nhờ thông tin Trung Quốc mở cửa. HNV tăng vọt 28,5%, VJC tăng nhẹ 1,4%.
Mặc dù mới là dự thảo, nhưng việc sửa đổi Nghị định 65 đã phần nào giúp một số mã bất động sản kéo dài đà hồi phục như NVL (+9,3%), DXG (+5,2%) và NLG (+2,1%). Tuy nhiên, ngành này vẫn chứng kiến sự hóa mạnh khi KDH (-8,5%) và PDR (-12,1%) đều giảm mạnh. Với việc chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, ngành xây dựng tiếp tục có tuần giao dịch hiệu quả: HBC (+3,3%), VCG (+4,2%) và CTD (+6,8%).
Dự báo về tuần giao dịch tới, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VNDirect - kỳ vọng diễn biến thị trường có thể cải thiện, nhờ những thông tin vĩ mô hỗ trợ đã được hé lộ. Cụ thể là việc Ngân hàng Nhà nước nới room tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ thanh khoản hệ thống thông qua thị trường mở (OMO) và động thái niêm yết giá mua vào USD.
Thông tin tích cực khác là Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp theo hướng hỗ trợ thị trường hơn. Ngoài ra, ông Hinh cho rằng, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư được dỡ bỏ sau thông tin lạm phát của Mỹ và quyết định nâng 50 điểm lãi suất điều hành của FED.
Theo đó, ông Hinh dự báo, VN-Index có thể hướng tới vùng kháng cự quanh 1.070 điểm trong tuần tới. Nếu vượt qua vùng này, VN-Index sẽ hướng tới kháng cự tiếp theo, quanh mức 1.100 điểm.
Nhóm phân tích của CTCK Vietcombank (VCBS) có nhận định thận trọng hơn. Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn đang giằng co tích lũy quanh mốc 1.050 điểm. Các chỉ báo ngắn hạn vẫn đang có xu hướng bẻ ngang trung lập thể hiện sự lưỡng lự, trung lập. Mặc dù lực cầu chưa trở lại nhưng VN-Index vẫn đang trong sóng phục hồi, nên sẽ cần thêm thời gian tích lũy để quay lại đà tăng, hướng lên các vùng điểm phía trên. Nếu áp lực bán bất ngờ xuất hiện, vùng điểm 1.030 điểm vẫn được xác định là ngưỡng hỗ trợ đáng tin cậy của thị trường.
Tiền Phong