VNDIRECT đánh giá thời điểm khó khăn nhất với thị trường đã qua, VN-Index sẽ vượt 1.000 điểm vào cuối năm 2019
Mặc dù những lo ngại về đà tăng lãi suất cũng như thanh khoản thấp vẫn đang phủ bóng lên TTCK Việt Nam, VNDIRECT đánh giá bức tranh nửa cuối năm sẽ tươi sáng hơn. CTCK này cho rằng "dù điều tốt nhất chưa tới, nhưng những thời điểm khó khăn nhất dường như đã qua".
Kết thúc quý 2/2019, chỉ số VN-Index dừng tại 949,94 điểm, tăng 6,4% so với đầu năm, P/E toàn thị trường ở mức 16,5 lần. Giá trị giao dịch bình quân ngày đạt 4.500 tỷ đồng/phiên trong 6 tháng đầu năm (giảm 45% so với cùng kỳ).
Theo đánh giá của Bộ phận phân tích CTCK VNDIRECT, diễn biến của VN-Index trong nửa đầu năm 2019 có thể được giải thích bằng (1) tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong Quý 1, (2) thiếu vắng những thương vụ IPO và tiến trình thoái vốn Nhà nước chậm cùng với (3) thị trường Trái phiếu doanh nghiệp sôi động đã ảnh hưởng đến dòng tiền chảy vào thị trường cổ phiếu.
Dù có diễn biến không quá tích cực trong nửa đầu năm, nhưng VNDIRECT cho rằng không có rủi ro dòng vốn nước ngoải rút khỏi Việt Nam khi khối ngoại vẫn mua ròng 10 tháng liên tục kể từ tháng 9/2018.
Mặc dù những lo ngại về đà tăng lãi suất cũng như thanh khoản thấp vẫn đang phủ bóng lên TTCK Việt Nam, VNDIRECT đánh giá bức tranh nửa cuối năm sẽ tươi sáng hơn. CTCK này cho rằng "dù điều tốt nhất chưa tới, nhưng những thời điểm khó khăn nhất dường như đã qua".
Trong nửa cuối năm, thị trường sẽ đón nhận những câu chuyện tích cực từ (1) Nâng hạng thị trường. Dù thực tế là Việt Nam sẽ còn mất thêm một vài năm nữa để được đưa vào danh sách theo dõi của MSCI, thì chúng ta còn đó cơ hội được FTSE nâng hạng (kỳ đánh giá tiếp theo trong tháng 9/2019); (2) Kế hoạch cắt giảm lãi suất của FED sẽ cải thiện tâm lý trên thị trường toàn cầu, qua đó dòng vốn có thể quay lại thị trường mới nổi và cận biên và (3) Hiệp định EVFTA được ký kết được kỳ vọng sẽ tác động tích cực với nhóm ngành xuất khẩu khi thỏa thuận chính thức có hiệu lực (kỳ vọng vào cuối năm 2019).
Cũng theo VNDIRECT, trong năm 2019, dòng tiền sẽ bớt hào hứng với những cổ phiếu mới niêm yết mà thay vào đó là những Bluechips với vị thế đầu ngành và nền tảng tài chính lành mạnh. Nhà đầu tư có thể hướng một phần tỷ trọng danh mục sang những ngành phòng thủ như điện, tiêu dùng thiết yếu hay những cổ phiếu có lợi suất cổ tức cao.
Chương tích cực của những ngành xuất khẩu Việt Nam có thể sẽ tiếp diễn nhờ động lực từ những hiệp định thương mại tự do và hệ quả từ chiến tranh thương mại có thể sẽ hướng sự chú ý nhà đầu tư đến những cổ phiếu Thủy sản, Dệt may, Nông nghiệp, BĐS Khu công nghiệp và Logistics.
Xét trên phương diện nhóm cổ phiếu theo vốn hóa, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa (midcap) có thể được chú ý đến, nhưng có chọn lọc.
VNDIRECT kỳ vọng P/E của thị trường có thể giảm 3% về mức 15,0x, kèm với mức tăng 17,9% của lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết đưa đến dự báo tăng trưởng khoảng 14,7% của chỉ số VN-Index so với đầu năm, tương ứng với mức 1.020 điểm vào cuối năm 2019.