VNDIRECT: Điện gió trở thành tâm điểm, thuỷ điện bước ra khỏi pha thuận lợi
VNDIRECT nhấn mạnh điện gió sẽ chắc chắn là lĩnh vực sôi động nhất trong giai đoạn 2022-2030 nhờ những định hướng vững vàng từ chính phủ, được hỗ trợ bởi chi phí đầu tư giảm mạnh.
Theo EVN, tổng sản lượng điện tăng mạnh trong tháng 8 và tháng 9 lần lượt 11% và 17% từ mức nền thấp 2021, giúp sản lượng toàn quốc 10 tháng đầu năm tăng 6,3% so với cùng kỳ lên mức 204,5 tỷ kWh. Tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng trưởng thấp hơn tăng trưởng GDP, đồng thời thấp hơn mức tăng trưởng dự báo trong dự thảo Quy hoạch điện 8 (QHĐ 8).
Năng lượng tái tạo nóng lòng chờ đợi cú hích chính sách giá và điện gió là tâm điểm phát triển trong giai đoạn 2022-2030
Trong báo cáo mới đây triển vọng ngành điện mới cập nhật, Chứng khoán VNDIRECT đánh giá dự thảo QHĐ8 mới nhất tiếp tục củng cổ triển vọng tươi sáng của năng lượng tái tạo (NLTT). Bản dự thảo mới đã tiếp thu và điều chỉnh những thông tin quan trọng, trong đó tiếp tục nâng cao tầm quan trọng của NLTT. VNDIRECT giữ vững quan điểm mảng điện này sẽ là mũi nhọn trong kế hoạch phát triển ngành điện của Việt Nam ở cả ngắn và dài hạn.
Đối với điện gió, bản dự thảo tháng 11 tiếp tục đề cao hơn nữa tầm quan trọng của điện gió với tỉ trọng lớn trong giai đoạn 2022-2050. Theo đó, sẽ tiếp tục có một giai đoạn phát triển nóng của nguồn điện này sau khi giai đoạn chạy đua FIT kết thúc. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng kép công suất điện gió sẽ đạt mức 16% trong giai đoạn 2022-2045. Nhìn chung, tổng công suất điện gió dự kiến sẽ chiếm 18% tổng công suất toàn hệ thống trong năm 2030, sau đó sẽ tiếp tục sở hữu tỉ trọng cao nhất là 30% trong 2045.
Ở một khía cạnh khác, VNDIRECT nhận thấy xu hướng giảm giá chi phí quy dẫn (LCOE) cũng là một yếu tố quan trọng, thúc đẩy sự bùng nổ của nguồn điện gió trong tương lai.
Đối với Điện Mặt trời trang trại, sau giai đoạn phát triển ồ ạt, nguồn điện này sẽ được dừng phát triển mới từ nay đến 2030. Dự thảo QHĐ 8 mới nhất khuyến khích phát triển các dự án Điện Mặt trời mái nhà cho mục đích tự sử dụng và không bán lên lưới. Bộ Công Thương đang làm việc với các bên liên quan để xây dựng một khung chính sách tiếp tục phát triển các dự án này.
Ở khía cạnh khác, xu hướng mua bán và sáp nhật (M&A) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình triển vọng ngành NLTT sau giai đoạn giá FIT. Rất nhiều các nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn thấy tiềm năng lớn của mảng NLTT tại Việt Nam, và hàng loạt các tập đoàn lớn đến từ Thái Lan, Philippines đã tiếp cận thị trường trong nước thông qua nhiều hình thức đầu tư linh hoạt. Khi bức tranh ngành điện đang dần rõ nét hơn, tập trung phát triển NLTT, VNDIRECT cho rằng xu hướng M&A sẽ ngày càng trở nên phổ biến trong các năm tới. Tính cạnh tranh trong giai đoạn này sẽ tăng cao với nhiều thành phần nhà đầu tư đến từ nhiều nơi trên thế giới, do đó, các doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị đầy đủ nguồn lực để sẵn sàng chạy đua cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ sắp tới.
Như vậy, có thể thấy việc cạnh tranh giá và chi phí đầu tư sẽ là chủ đề chính trong các năm tới, giúp tăng tính hiệu quả của thị trường cũng như hấp dẫn tham gia vào ngành. Từ đây, những doanh nghiệp có quy mô lớn sẽ có nhiều lợi thế trong việc đàm phán giá, đặc biệt trong bối cảnh thị trường điện bán lẻ đang dần được hình thành.
Doanh nghiệp có kinh nghiệm dày dặn trong việc phát triển và vận hành các dự án NLTT sẽ có năng lực đấu thầu tốt hơn nhờ khả năng quản lý hiệu quả, tiết kiệm chi phí cũng như tiềm lực tiếp cận các nguồn vốn lớn với chi phí rẻ . Đây là những yếu tố quyết định để mở rộng danh mục và sở hữu “miếng bánh” lớn hơn trong ngành.
VNDIRECT cho rằng yếu tố quyết định để đánh giá triển vọng của doanh nghiệp năng lượng tái tạo phụ thuộc vào khả năng phát triển công suất mới, điều mà hiện tại đang bất khả thi khi chưa có một chính sách giá mới sau khi giá FIT kết thúc. Việc khẩn trương ban hành một cơ chế giá mới sẽ tháo gỡ những nút thắt, tạo điều kiện phát triển lý tưởng cho nguồn NLTT nhằm đạt được những mục tiêu rất tham vọng của Việt Nam trong thời gian tới.
Xa hơn trong năm 2023-2024, tình trạng cắt giảm công suất sẽ được cải thiện. Năm 2023 sẽ là bàn đạp, đánh dấu một giai đoạn tăng trưởng mới của điện NLTT khi chính sách được bàn hành, tạo tiền đề cho các dự án bắt đầu đi vào hoạt động từ 2024.
Sản lượng điện khí sẽ cải thiện trong 2023-24, củng cố bởi tăng trưởng nhu cầu điện mạnh mẽ
Theo dự thảo QHĐ8, điện khí sẽ tiếp tục là mũi nhọn trong giai đoạn 2022-2035, và dự kiến sẽ không phát triển thêm sau đó. Tổng công suất điện khí sẽ tăng mạnh từ 7.300MW trong 2022 lên 46.330MW trong 2035 với tốc độ tăng trưởng kép trong giai đoạn này đạt 15,2%. Hiện tại, xu hướng giảm giá khí là thông tin tích cực cho ngành điện khí với mức huy động điện kỳ vọng sẽ cải thiện, cũng như tình hình đàm phán hợp đồng PPA cho các dự án sắp tới.
VNDIRECT cũng kỳ vọng một mức sản lượng huy động tích cực hơn cho điện khí, củng cố bởi nhu cầu điện tăng trưởng và sản lượng thủy điện sẽ không còn bùng nổ. Ngoài ra, giá khí thế giới đã giảm mạnh thời gian gần đây sẽ phần nào tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các dự án điện khí LNG sắp tới có cơ hội đàm phàn và thống nhất các điều khoản về giá và sản lượng - điều mà hiện tại vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Triển vọng điện than đang mờ dần khi tiếp tục bị cắt giảm trong bản dự thảo mới QHĐ8
Sản lượng điện than giảm, song VNDIRECT nhận thấy có sự phân hóa rõ rệt theo miền, cụ thể, các nhà máy sử dụng than nội địa tại miền Bắc đều ghi nhận mức sản lượng huy động tích cực nhờ giá rẻ và gần nguồn than trong khi các nhà máy tại miền Nam ghi nhận sản lượng giảm do sự thừa nguồn tại khu vực này.
Trong bối cảnh giá than dự kiến sẽ vẫn tiếp tục neo cao trong năm sau, sẽ khó có thể tiếp tục kỳ vọng vào một sự phục hồi mạnh của nguồn điện than trong 2023. Tuy nhiên, VNDIRECT nhận thấy những triển vọng đỡ u ám hơn cho các nhà máy sử dụng than nội địa và than trộn với áp lực giá thấp hơn các nhà máy than nhập. Hơn nữa, các nhà máy tại khu vực miền Bắc sẽ ghi nhận mức huy động sản lượng tối ưu hơn do dự báo nhu cầu điện tại khu vực này sẽ tăng mạnh trong các năm tới. Ngược lại, các nhà máy tại khu vực miền Nam có thể vẫn gặp phải áp lực cạnh tranh từ nhiều nguồn điện do tình trạng thừa nguồn tại khu vực.
Dù vậy, trong ngắn hạn, điện than vẫn đóng vai trò rất quan trọng, và là một nguồn điện chạy nền đáng tin cậy với giá rẻ, để đảm bảo tính an toàn của hệ thống trong giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ của nước ta từ nay đến 2030, tuy nhiên triển vọng đang mờ nhạt dần với khả năng tiếp cận vốn khó khăn hơn.
Thủy điện sẽ bước ra khỏi pha thuận lợi trong 2023-2024
Xác suất để pha La Nina tiếp tục kéo dài là khá thấp khi pha thời tiết này đã kéo dài hơn dự kiến. Do đó, VNDIRECT dự báo thủy điện sẽ đóng góp một mức sản lượng thấp hơn từ 2023-2024, tạo dự địa huy động cho các nguồn điện khác. Ở khí cạnh giá bán điện bình quân, việc đẩy khung giá huy động của nhiệt điện sẽ đồng thời tạo điều kiện để nguồn thủy điện được huy động với mức giá cao hơn trên thị trường điện cạnh tranh trong các năm tới.
Tuy nhiên, triển vọng phát triển thủy điện đang dần cạn kiệt khi dư địa mở rộng công suất của nguồn điện này đã đạt giới hạn. Nếu không tính đến các dự án mở rộng công suất, Thượng Kontum (220MW) là một trong những nhà máy thủy điện lớn cuối cùng trong quy hoạch, đánh dấu hồi kết cho sự phát triển của nguồn điện này. Dù vẫn còn dư địa khoảng 6.000MW thủy điện nhỏ (< 30MW) trong giai đoạn tới, song nhà máy này phụ thuộc nhiều vào thời tiết và khả năng điều tiết kém.
VNDIRECT cũng điểm tới rủi ro giảm giá bao gồm sản lượng điện tăng thấp hơn dự kiến, giá đầu vào tăng mạnh, gây áp lực cạnh tranh cho các nguồn nhiệt điện. Quy hoặc điện 8 và chính sách giá NLTT ban hành chậm cũng sẽ khiến triển vọng ngành trở nên kém sắc hơn, cộng thêm là áp lực kép từ tỉ giá và lãi vay. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng nặng hay nhẹ sẽ phụ thuộc vào tỉ lệ nợ USD cũng như chính sách lãi suất của từng doanh nghiệp. Các công ty có đòn bẩy cao, tỷ trọng nợ USD lớn với chính sách lãi suất thả nổi phụ thuộc vào Libor sẽ nhạy cảm hơn với mỗi đợt tăng lãi suất.
Nhịp Sống Thị Trường