VNDirect muốn chào bán 2.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng
Theo VNDirect, mục đích của đợt phát hành trái phiếu lần này nhằm huy động vốn để sử dụng cho các mục đích tăng quy mô vốn đối với các hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ, đầu tư vào các giấy tờ có giá trên thị trường và các hoạt động kinh doanh hợp pháp khác của Công ty.
CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã VND) vừa thông báo kế hoạch chào bán ra công chúng tối đa 2.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.
Theo đó, tổng số lượng trái phiếu chào bán ra công chúng là 20 triệu trái phiếu với hai đợt chào bán, mệnh giá là 100.000 đồng/trái phiếu. Đối với đợt chào bán trái phiếu ra công chúng lần 1, VNDirect dự kiến chào bán 10 triệu trái phiếu, bao gồm 3 mã trái phiếu: VNDL2122006, VNDL2123007 và VNDL2124008.
Cụ thể, trái phiếu VNDL2122006 có lãi suất cố định 8%/năm và kỳ tính lãi là 12 tháng trả lãi một lần. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 1 năm với tổng giá trị chào bán là 200 tỷ đồng.
Trái phiếu VNDL2123007 có lãi suất cố định 8,2%/năm trong kỳ tính lãi đầu tiên. Kể từ kỳ tính lãi sau áp dụng lãi suất thả nổi bằng lãi suất tham chiếu cộng với biên độ là 2,6%/năm. Trái phiếu có kỳ hạn 2 năm và tổng mệnh giá chào bán là 400 tỷ đồng.
Trái phiếu VNDL2124008 là lãu suất kết hợp giữa lãi suất cố định và lãi suất thả nổi, cụ thể là kỳ tính lãi đầu tiên là lãi suất cố định 8,4%/năm. Kể từ kỳ tính lãi sau áp dụng lãi suất thả nổi bằng lãi suất tham chiếu cộng với biên độ là 2,8%/năm. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm với tổng giá trị chào bán là 400 tỷ đồng.
Theo đó, số lượng đăng ký mua tối thiểu đối với nhà đầu tư cá nhân là 100 trái phiếu (tương đương 10 triệu đồng), còn đối với tổ chức là 10.000 trái phiếu (tương đương 1 tỷ đồng). Thời gian nhận đăng ký mua và nhận tiền mua trái phiếu là từ ngày 14/2/2022 đến 7/3/2022.
Theo VNDirect, mục đích của đợt phát hành trái phiếu lần này nhằm huy động vốn để sử dụng cho các mục đích tăng quy mô vốn đối với các hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ, đầu tư vào các giấy tờ có giá trên thị trường và các hoạt động kinh doanh hợp pháp khác của Công ty.
Mới đây, HĐQT VnDirect cũng vừa thông báo về việc triển khai thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng và phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tổng tỷ lệ phát hành 180%.
Cụ thể, VnDirect dự kiến phát hành gần 348 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ phát hành 80%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 80 cổ phiếu mới.
Giá trị phát hành theo mệnh giá gần 3.480 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu của công ty theo BCTC riêng được kiểm toán tại thời điểm 30/9/2021 bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam. Bao gồm các nguồn sau: thặng dư vốn cổ phần (hơn 1.160 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (gần 2.320 tỷ đồng).
Cùng với đó, VnDirect cũng triển khai thực hiện phát hành gần 435 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ phát hành 1:1, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 quyền mua, cứ 1 quyền mua được mua 1 cổ phiếu.
Thời gian thực hiện hai đợt phát hành này dự kiến trong năm 2021 và/hoặc năm 2022 sau khi được UBCKNN chấp thuận.
Tổng số tiền huy động được dự kiến dùng 40% để bổ sung vốn cho hoạt động vay ký quỹ chứng khoán, dùng 20% vào hoạt động đầu tư vào các giấy tờ có giá trên thị trường, và 20% còn lại vào hoạt động phát hành, phân phối chứng quyền có bảo đảm. Nguồn vốn phân bổ trên có thể được luân chuyển linh động trong các hoạt động nêu trên củ công ty để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn trong từng thời kỳ.
Trước đó VnDirect đã thực hiện phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ trong tháng 6 và tháng 7/2021. Cụ thể, công ty đã chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1; giá chào bán cho cổ đông hiện hữu là 14.500 đồng/cp; số cổ phần còn lại được phân phối cho cổ đông khác với giá 18.500 đồng/cp. Vốn điều lệ khi đó tăng gấp đôi từ mức 2.145 tỷ đồng lên mức như hiện tại.
Trên thị trường cổ phiếu VND đang giao dịch quanh mức 79.900 đồng/cổ phiếu, gấp gần 7 lần so với thời điểm đầu năm 2021.
Nhịp sống kinh tế