VNDIRECT: Nhà đầu tư không nên bán cổ phiếu bằng mọi giá vì thị trường có thể đã ở gần đáy ngắn hạn
Theo VNDIRECT, thị trường có khả năng xuất hiện nhịp phục hồi ngắn hạn khi chỉ số VN-Index về vùng hỗ trợ 780-800 điểm.
- 09-03-2020FPT Retail (FRT) hoãn họp Đại hội cổ đông do diễn biến phức tạp của Covid-19
- 09-03-2020Vốn hóa HoSE “bốc hơi” 191.000 tỷ đồng trong phiên 9/3, bằng tổng vốn hóa các doanh nghiệp niêm yết HNX cộng lại
- 09-03-2020[Nhịp đập phái sinh phiên 09/03] Các hợp đồng tương lai lần đầu đồng loạt “nằm sàn”
CTCK VNDIRECT vừa công bố báo cáo chiến lược thị trường với tiêu đề: "Bình tĩnh và đánh giá đúng".
Theo VNDIRECT, thị trường có khả năng xuất hiện nhịp phục hồi ngắn hạn khi chỉ số VN-Index về vùng hỗ trợ 780-800 điểm.
Trong phiên 9/3, chỉ số VN-Index đã chính thức rơi xuống dưới đường MA200 (tuần) do tâm lý nhà đầu tư bị tác động mạnh bởi tình hình dịch Covid-19 và những diễn biến tiêu cực trên thị trường tài chính toàn cầu. P/E của VN-Index hiện đã về mức 13 lần, là mức thấp nhất kể từ giữa năm 2016, và đang thấp hơn khoảng 21% so với mức P/E bình quân 5 năm là khoảng 16,4 lần.
VNDIRECT cho rằng vùng 780-800 điểm là vùng hỗ trợ gần nhất của chỉ số VN-Index do vùng hỗ trợ gần nhất của chỉ số VN-Index do ngưỡng 800 điểm là ngưỡng tâm lý của thị trường và mức quanh 780 điểm tương đương Fibonaci retracement 61,8% của sóng tăng trước đó kéo dài từ tháng 1/2016 đến tháng 4/2018. Bên cạnh đó, chỉ số RSI (15) chỉ đạt 24,7 là mức quá bán mạnh và là mức thấp nhất kể năm 2008. Do đó, VNDIRECT cho rằng thị trường có thể xuất hiện nhịp phục hồi ngắn hạn khi chỉ số VN-Index chạm vùng hỗ trợ 780-800 điểm.
VNDIRECT đưa ra khuyến nghị đối với nhà đầu tư như sau:
Đối với các NĐT ngắn hạn: Thời điểm này không nên bán cổ phiếu bằng mọi giá vì thị trường có thể đã ở gần đáy ngắn hạn, nên chờ đợi nhịp phục hồi ngắn hạn của thị trường để hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu, tăng tỷ trọng tiền mặt và đặc biệt hạn chế sử dụng margin ở thời điểm này để giảm thiểu rủi ro ngắn hạn.
Đối với NĐT dài hạn: Có thể xem xét giải ngân tỷ trọng nhỏ (20-30% giá trị danh mục đầu tư dài hạn) khi thị trường về sát vùng hỗ trợ 780-800 điểm và ưu tiên các doanh nghiệp thuộc các ngành ít bị tác động của dịch Covid-19 như ngành công nghệ, tiêu dùng thiết yếu (lương thực, thực phẩm), ngành phân bón (hưởng lợi từ giá dầu giảm mạnh giúp tiết giảm chi phí đầu vào) hoặc các nhóm ngành xuất khẩu mà Việt Nam tự chủ được nguồn cung nguyên liệu và được kỳ vọng phục hồi mạnh khi dịch Covid-19 qua đi như ngành thủy sản (xuất khẩu tôm, cá tra).
Giá dầu thấp giúp nhiều doanh nghiệp hưởng lợi
Tại cuộc họp của OPEC ngày 05-06/03, OPEC đề xuất cắt giảm thêm 1,5tr thùng dầu/ngày trên mức 1,7tr thùng/ngày hiện tại, tuy nhiên vấp phải sự phản đối của Nga. Điều này dẫn đến giá dầu Brent ngày thứ 6 giảm 10 USD/thùng xuống mức 45 USD/thùng.
Sau đó vào ngày 08/03, Ả Rập Saudi thông báo nước này có thể nâng sản lượng sản xuất thêm đến 2tr thùng/ngày đồng thời giảm giá bán các sản phẩm trong tháng 4 từ 6-8 USD/thùng tùy khách hàng. Động thái này được cho là khởi đầu cho cuộc chiến giá giữa Nga và OPEC nhằm tranh giành thị phần, và sẽ gây tác động lớn đến thị trường dầu đá phiến của Mỹ. Điều này xảy ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại châu Âu làm ảnh hưởng đến nhu cầu và thỏa thuận cắt giảm hiện tại của OPEC+ sẽ hết hạn vào cuối tháng 3 mà chưa có dấu hiệu sẽ được gia hạn thêm. Giá dầu đầu phiên 9/03 đã có lúc giảm trên 30% về mức 31 USD/thùng, sau đó phục hồi nhẹ và đến 17h (giờ Việt Nam) đang dao động quanh mức 36-37 USD/thùng.
Morgan Stanley đã hạ dự báo giá dầu Brent trong quý 2 từ mức 57,5 USD/thùng xuống 35 USD/thùng và giá dầu WTI từ mức 52,5 USD/thùng xuống 30 USD/thùng. Emirates NBD dự báo giá dầu tạo đáy trong quý 2 và hồi phục về cuối năm, Brent đạt trung bình 45 USD/thùng trong năm 2020 và WTI ở mức 40 USD/thùng. Kịch bản xấu nhất là giá dầu có thể chạm mức 20 USD/thùng trong năm 2020.
Ở chiều ngược lại, một số nhà phân tích cho rằng chiến tranh về giá sẽ chỉ xảy ra trong ngắn hạn, tạo tiền đề cho Nga và OPEC tiến đến một thỏa thuận giá dầu mới. Mặc dù chi phí sản xuất dầu của Ả Rập Saudi đang ở mức thấp nhất thế giới, điểm hòa vốn về ngân sách đòi hỏi giá dầu trên 50 USD/thùng, do vậy Ả Rập sẽ không quá sốt sắng trong việc giảm giá dầu như giai đoạn chiến tranh giá trước đó (11/2014 – khi đó giá dầu đang ở mức 80 USD/thùng).
VNDIRECT cho rằng giá dầu trung bình năm 2020 sẽ thấp hơn mức dự đoán vào thời điểm đầu năm (ở mức trung bình US$60-65/thùng). Đây cũng là kịch bản cơ sở mà hầu hết các DN có hoạt động sản xuất liên quan đến giá dầu xây dựng. Vì vậy, giá dầu giảm sẽ giúp DN các ngành vận tải, logistic, phân bón, điện khí,...phần nào được hưởng lợi và giảm nhẹ ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19.