MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VNDIRECT: “Nợ xấu là mối quan ngại lớn, giá cổ phiếu ngân hàng đã hồi phục về mức hợp lý”

Sau khi đại dịch dịu đi, tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi và NIM có thể được cải thiện bằng cách thay đổi cơ cấu cho vay và huy động, nhưng tác động của nợ xấu chỉ có thể được hạn chế khi các ngân hàng thận trọng trong việc thẩm định tín dụng, phân loại nợ và trích lập dự phòng.

Trong báo cáo mới được công bố, CTCK VNDIRECT đã hạ dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 từ 11% xuống 9% nhằm phản ánh tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2020 thấp hơn dự kiến chỉ đạt 3,65%. Trong kịch bản cơ sở, VNDIRECT duy trì mức tăng trưởng tín dụng dự báo đạt 13-14% trong 2021 nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng và đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công.

NIM có xu hướng sẽ giảm trong năm 2020

Theo VNDIRECT, các ngân hàng tiếp tục ghi nhuận lợi suất tài sản giảm do ảnh hưởng bởi việc cắt giảm lãi suất gần đây. Trung bình lợi suất tài sản 6T20 của các ngân hàng có vốn Nhà nước giảm 21 điểm cơ bản so với cùng kỳ, trong khi trung bình lợi suất tài sản 6T20 các ngân hàng cổ phần tư nhân chỉ tăng 8 điểm cơ bản so với cùng kỳ.

Mặc dù NIM của một số ngân hàng cải thiện trong 6T20, VNDIRECT vẫn cho rằng NIM của các ngân hàng nhìn chung sẽ có xu hướng giảm trong năm 2020. Do các ngân hàng giảm lãi suất cho vay cho các khoản vay mới để thúc đẩy cho vay, trong khi việc cắt giảm lãi suất điều hành chưa phản ánh ngay vào chi phí huy động vốn của các ngân hàng do có độ trễ về thời gian; bên cạnh đó, việc giảm thu nhập lãi từ các khoản vay được cơ cấu lại và việc giảm/miễn trả lãi đã gây áp lực lên thu nhập lãi, ảnh hưởng đến lợi suất tài sản của các ngân hàng.

Nợ xấu vẫn là mối quan ngại lớn nhất

Sau khi đại dịch dịu đi, tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi và NIM có thể được cải thiện bằng cách thay đổi cơ cấu cho vay và huy động, nhưng tác động của nợ xấu chỉ có thể được hạn chế khi các ngân hàng thận trọng trong việc thẩm định tín dụng, phân loại nợ và trích lập dự phòng.

Nợ xấu và nợ nhóm 2 tăng cao đã phủ bóng lên nhiều ngân hàng vào cuối Q2/20. VNDIRECT cho rằng vấn đề này sẽ tiếp tục kéo dài nửa cuối năm còn lại đến năm 2021, vì các ngân hàng có thể cơ cấu lại các khoản cho vay giải ngân trước ngày 23/1/2020, lên đến 12 tháng, mà không cần phân loại lại thành nhóm cho vay rủi ro hơn, nhưng những khoản này có thể phản ánh trên bảng cân đối kế toán thời gian tới.

VNDIRECT đánh giá nợ xấu trong phân khúc tài chính tiêu dùng tăng dường như là điều khó tránh khỏi do các công ty tài chính tiêu dùng cung cấp các khoản vay tín chấp và thẻ tín dụng cho phân khúc khách hàng đại chúng, vốn có thu nhập thấp và dễ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế.

Kết quả kinh doanh phục hồi của ngành ngân hàng đã được phản ánh vào giá cổ phiếu

Sự bùng phát trở lại của Covid-19 vào cuối tháng 7/2020 khiến thị trường chứng khoán Việt Nam "chao đảo", tuy vậy giá cổ phiếu của các ngân hàng vẫn ổn định so với tháng 3/2020 nhờ vào kinh nghiệm của Việt Nam trong việc kiểm soát sự bùng phát đại dịch.

VNDIRECT kỳ vọng sự bùng phát sẽ được kiểm soát vào cuối Q3/20. Trong Q4/20-2021F tín dụng phục hồi tăng trưởng, tổng thu nhập hoạt động cải thiện và trích lập dự phòng tốt sẽ cho phép các ngân hàng giải quyết nợ xấu đang gia tăng. VNDIRECT dự báo lợi nhuận ròng của các ngân hàng sẽ phục hồi trong năm 2021, mặc dù với tỷ lệ phục hồi sẽ khác nhau giữa các ngân hàng.

Giá cổ phiếu của các ngân hàng trong danh sách theo dõi của VNDIRECT đã phục hồi khoảng 32% - 85% kể từ mức thấp nhất vào cuối Q1/20, vượt trội so với mức phục hồi của VN-INDEX là 36,1%, và dần quay lại mức cuối năm 2019. VNDIRECT cho rằng giá cổ phiếu của các ngân hàng đã gần về giá trị hợp lý và đưa khuyến nghị về nhóm ngành này xuống mức Trung lập.

Long Nhật

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên