VNG đặt mục tiêu lỗ sau thuế 619 tỷ đồng năm 2021, nhiều khả năng do ví điện tử ZaloPay có thể lỗ gần 1.600 tỷ đồng?
Việc đầu tư mạnh tay vào ví điện tử ZaloPay (công ty mẹ Zion) khiến lợi nhuận của VNG bốc hơi mạnh mẽ trong những năm gần đây, dù do doanh thu liên tục tăng trưởng.
Công ty cổ phần VNG vừa công bố kế hoạch doanh thu 7.609 tỷ đồng năm 2021, tăng trưởng hơn 26%. Như vậy, doanh thu mục tiêu của VNG tiếp tục hướng đến đỉnh cao mới; năm ngoái, "kỳ lân" công nghệ này thu về 6.024 tỷ đồng, tăng hơn 16%.
Năm 2020, 4.773 tỷ đồng doanh thu đến từ dịch vụ trò chơi trực tuyến, tăng 13%; 983 tỷ đồng đến từ dịch vụ quảng cáo trực tuyến, tăng 26%; doanh thu từ các mảng kinh doanh khác đạt 268 tỷ đồng, tăng 51%. Doanh thu của VNG đã tăng gấp 3,3 lần kể từ năm 2014, và chưa có ý định dừng lại.
VNG đang muốn đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, đặc biệt là ba mảng Payment, AI và Cloud để tham gia vào làn sóng công nghệ tiếp theo. Cụ thể hơn, công ty phát triển các sản phẩm thế mạnh Zalo và ZaloPay.
Theo công bố, lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ 4 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế âm khoảng 619 tỷ đồng vào năm 2021.
Đây không phải là lần đầu tiên VNG đặt kế hoạch lỗ nặng; năm ngoái, "kỳ lân" công nghệ đưa ra chỉ tiêu lỗ sau thuế 246 tỷ đồng. Nhưng trên thực tế, công ty lãi 194 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 460 tỷ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất 2020 cho thấy lỗ sau thuế của cổ đông không kiểm soát 267 tỷ đồng. Khoản lỗ này do hạch toán từ CTCP Zion (đơn vị vận hành ví điện tử ZaloPay) do VNG sở hữu 60%. Năm ngoái, Zion lỗ tới 667 tỷ đồng.
Nhiều khả năng việc đặt kế hoạch lỗ sau thuế của VNG là tính toán công ty con Zion có thể thua lỗ nặng hơn nữa khi đẩy mạnh đầu tư. Dựa trên số liệu công bố, mức lỗ kế hoạch của Zion có thể vào khoảng 1.557 tỷ đồng.
Theo VNG, số lượng người dùng hoạt động hàng tháng của ZaloPay trong năm 2020 gấp 4 lần cùng kỳ năm 2019. Số người gửi tiền ZaloPay trong Zalo chat hàng tháng tăng 10 lần trong 6 tháng cuối năm.
Năm vừa rồi, Zalopay đã hợp tác cùng các đối tác chiến lược như Lazada, Baemin, Tiki, Sendo, Circle K, Big C ở nhiều mảng khác nhau (thương mại điện tử, mua sắm, sức khoẻ, làm đẹp…). Ví điện tử này hợp tác cùng 269 đối tác mới, trong số đó có Google Play, GS 25, Sendo, Be.
Hiện tại Momo và ZaloPay là hai ví điện tử mạnh tay chi tiền nhất để thu hút người dùng mà không ngại lỗ lớn. Năm 2019, mức lỗ của Momo lên đến 854 tỷ đồng. Hiện chúng tôi chưa có số liệu 2020 của đơn vị này.