MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VNG mua bảo hiểm trách nhiệm với hạn mức 460 tỷ đồng cho ban lãnh đạo

23-05-2019 - 20:11 PM | Doanh nghiệp

HĐQT VNG cũng tiếp tục chỉ đạo Ban Tổng Giám đốc tập trung triển khai các dự án đã đề ra, đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình dự án VNG Campus, đồng thời tìm kiếm, phát triển các dự án, cơ hội đầu tư liên quan đến các sản phẩm thế mạnh về Zalo, ZaloPay và thương mại điện tử.

CTCP VNG đã công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên với kế hoạch kinh doanh 2019 dự đạt 5.627 tỷ doanh thu và 568 tỷ lợi nhuận sau thuế. Định hướng hoạt động thời gian tới, VNG sẽ tiếp tục phát triển các ngành nghề kinh doanh theo hướng đa dạng hóa như sản phẩm Zalo và các sản phẩm truyền thông, ưu tiên phát triển ZaloPay, hỗ trợ hoạt dộng đầu tư vào thương mại điện tử.

HĐQT cũng tiếp tục chỉ đạo Ban Tổng Giám đốc tập trung triển khai các dự án đã đề ra, đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình dự án VNG Campus, đồng thời tìm kiếm, phát triển các dự án, cơ hội đầu tư liên quan đến các sản phẩm thế mạnh về Zalo, ZaloPay và thương mại điện tử.

Ví điện tử ZaloPay được đánh giá là cuộc chơi "đốt tiền" của VNG, được thực hiện thông qua công ty con là CTCP Zion khi chi phí cho đơn vị này liên tục tăng mạnh. Báo cáo của VNG cho biết "lỗ tính thuế" của Zion tăng vọt từ mức 30-40 tỷ của năm 2016-2017 lên 177 tỷ đồng trong năm 2018.

Trong hoạt động kinh doanh, qua thực tiễn thấy rằng mỗi quyết định của HĐQT và Ban Tổng Giám đốc đều có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Công ty nói riêng, sự phát triển nói chung, với mỗi quyết định đưa ra, các Thành viên HĐQT và Ban Tổng Giám đốc đều phải đối diện với nhiều áp lực, gánh vác trách nhiệm pháp lý trước cổ đông, Công ty và pháp luật. Do đó, nhằm mục đích phòng tránh các rủi ro và giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra, HĐQT trình cổ đông chấp thuận việc mua bảo hiểm trách nhiệm cho HĐQT và Ban Tổng Giám đốc, với tổng phí bảo hiểm tối đa 600 triệu đồng/năm cho hạn mức bảo hiểm 460 tỷ đồng/năm.

Kết thúc năm 2018, doanh thu 2018 của VNG đạt 4.317 tỷ đồng, tăng hơn 1% so với năm trước và chỉ bằng 86% so với kế hoạch năm là 5.000 tỷ đồng. Trong khi doanh thu đi ngang thì các chi phí của VNG lại tăng phi mã, đồng thời lỗ từ công ty liên kết tăng gấp đôi từ 122 tỷ lên 243 tỷ đồng. Khoản lỗ này chủ yếu đến từ công ty thương mại điện tử Tiki với gần 254 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước thuế sụt giảm tới 63% từ 1.158 tỷ xuống 433 tỷ đồng. VNG thậm chí đã lỗ trong quý 4.

Được biết, VNG là một trong những cổ đông lớn nhất của Tiki với tỷ lệ sở hữu là 28,88%. Trong năm 2018, VNG rót thêm 122 tỷ đồng vào Tiki, nâng tổng giá trị đầu tư vào công ty này lên 506 tỷ đồng. Tuy vậy đến cuối năm 2018, VNG đã ghi nhận lỗ 473 tỷ đồng từ khoản đầu tư này. Đến cuối năm 2018, giá trị còn lại của khoản đầu tư vào Tiki trên sổ sách của VNG chỉ là 33 tỷ đồng. Bước sang quý 1/2019, VNG đã ghi nhận lỗ toàn bộ số tiền đầu tư vào Tiki.

VNG mua bảo hiểm trách nhiệm với hạn mức 460 tỷ đồng cho ban lãnh đạo - Ảnh 2.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên