MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VNIndex tăng trưởng, “mặc kệ” những diễn biến phức tạp của chứng khoán toàn cầu

Quý I/ 2018 Vnindex vượt đỉnh mọi thời đại và trở thành chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất toàn cầu (tăng 19,21%). Dường như sự tương quan giữa thị trường Việt Nam và thị trường thế giới, cụ thể là thị trường Mỹ đã "mất tích" trong thời gian qua, khi mà những chỉ số như Dow Jones, S&P 500, Nasdaq đều có sự điều chỉnh mạnh thì VNIndex vẫn tiếp tục đi lên.

Thị trường chứng khoán thế giới trong thời gian qua đã chứng kiến những phiên sụp giảm liên tiếp trước sự lo ngại về cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 458 điểm (1,9%) trong phiên giao dịch tối qua, và đã giảm gần 9% từ mức đỉnh của chỉ số đạt được trong tháng 1.

Ngày 22/3 vừa qua cục Dự trữ trung ương Mỹ (FED) tăng lãi suất lần đầu tiên trong năm 2018 lên mức 1,75%, mức cao kỉ lục kể từ năm 2008. Những năm trước đó, mỗi kì họp của FED thường khiến nhà đầu tư Việt Nam "ăn không ngon, ngủ không yên" khi lo ngại việc tăng lãi suất sẽ dẫn đến việc rút vốn ra khỏi thị trường của khối ngoại. Thậm chí nhiều nhà đầu tư ngày soi bảng chứng khoán Việt, đến đêm lại ngồi nhìn thị trường Mỹ đến tính toán xem ngày mai mua bán ra sao.

Tuy nhiên tâm lý của nhà đầu tư lẫn vận động của thị trường chứng khoán Việt Nam đã khác trước đây rất nhiều. Chỉ số VNIndex đã tăng 52,75% trong năm 2017, là 1 trong 3 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất toàn cầu. Thậm chí, hết Q1/2018 VNIndex là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất, nếu coi mỗi chỉ số là một cổ phiếu thì có lẽ VNIndex là cổ phiếu đi ngược thị trường chung, và là minh chứng cho câu "nước chảy chỗ trũng". Vậy đâu là nhân tố chính cho sự tăng trưởng của TTCK Việt Nam?

VNIndex tăng trưởng, “mặc kệ” những diễn biến phức tạp của chứng khoán toàn cầu - Ảnh 1.

Vĩ mô tích cực

Việc tăng lãi suất của FED ít ảnh hưởng tới TTCK Việt Nam khi mà kinh tế vĩ mô đang được quản lý một cách chặt chẽ các khoản vay ngoại tệ không lớn trong khi dự trữ ngoại hối tăng liên tục đạt gần 60 tỷ USD. Ngân hàng nhà nước có khả năng can thiệp ổn định tỷ giá và hạn chế hoạt động đầu cơ khi cần thiết.

Việc duy trì PMI trên 50 điểm trong tháng 3 đánh dấu chuỗi 28 tháng liên tiếp PMI Việt Nam giữ ở mức trên 50 và điều này cho thấy sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam.  

VNIndex tăng trưởng, “mặc kệ” những diễn biến phức tạp của chứng khoán toàn cầu - Ảnh 2.

PMI Việt Nam giữ trên mốc 50 trong 28 tháng liên tiếp

Trước đó, những tín hiệu lạc quan về nền kinh tế được công bố như GDP quý 1 tăng mạnh nhất 10 năm và đạt 7,38%. Lạm phát tháng 3 giảm 0,27%, đưa mức lạm phát quý 1 ở mức 2,82%. Chỉ số công nghiệp tăng 11,6%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 9,9% và xuất suất siêu 1,3 tỷ USD. Những số liệu này cho thấy kinh tế Việt Nam đang ở trạng thái rất tích cực vừa đạt mức tăng trưởng cao, vĩ mô ổn định và điều này giúp TTCK tăng trưởng vững chắc trong quý 1.

Bên cạnh đó, tại Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ có ý định cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% - 22% xuống còn 15% - 17%, nhằm biến Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất khu vực ASEAN.

Dòng tiền mạnh mẽ

Trong năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài rót ròng hơn 26 nghìn tỷ mua cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (tương đương 1,15 tỷ USD). Tuy nhiên chỉ trong quý 1 năm nay khối ngoại đã rót vào thị trường hơn 11 ngàn tỷ đồng (xấp xỉ 0,5 tỷ USD). Trong tháng 1 và đầu tháng 2, chỉ riêng 3 công ty lớn của Tập đoàn dầu khí gồm BSR, PV Oil và PV Power đã bán được 737 triệu USD theo giá bình quân, trong đó nước ngoài chiếm 54% tương đương 398 triệu USD.

Dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc có đóng góp không nhỏ đến sự mức tăng ấn tượng của VNIndex trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018. Theo số liệu do tờ Business Korea trích dẫn, năm 2017, nhà đầu tư Hàn Quốc đã rót 461,3 tỷ won (tương đương 434 triệu USD) cho 11 quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam, chưa bao gồm quỹ ETF. KIMTC- một trong những công ty quản lý quỹ hàng đầu của Hàn Quốc hiện đang quản lý KIM Vietnam Growth Securities Master Investment Trust, quỹ ngoại lớn thứ 3 tại TTCK Việt Nam với tổng tài sản 850 triệu USD.

Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam còn trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài về kì vọng được nâng hạng từ thị trường biên (frontier market) lên thị trường mới nổi (emerging market). Những quỹ có quy mô 50-200 triệu USD gia nhập thị trường ngày một nhiều. Tiêu điểm có thể kể tên Tundra Fonder-quỹ đầu tư đến từ Thụy Điển, chuyên tập trung vào các "game" nâng hạng thị trường. Sau thành công khi đón đầu làn sóng nâng hạng tại Pakistan, quỹ này kì vọng Việt Nam sẽ là thị trường tiếp theo mang lại lợi nhuận lớn nhờ việc được nâng hạng. Tundra Vietnam Fund hiện có tổng tài sản 1,35 tỷ SEK (165 triệu USD) và là quỹ lớn thứ 2 trong hệ thống Tundra. So với thời điểm cuối năm 2017, tổng tài sản quỹ đã tăng thêm khoảng 600 triệu SEK (73 triệu USD).

 Ngoài dòng vốn ngoại tiếp tục đổ dồn vào thị trường, mặt bằng lãi suất cũng duy trì ổn định, điều này góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cũng như kích thích dòng vốn đổ vào TTCK. Thanh khoản thị trường nhờ đó được cải thiện đáng kể. Những phiên giao dịch với giá trị 8-10.000 tỷ đồng đang diễn ra khá thường xuyên và nhà đầu tư đã dần quen với mặt bằng thanh khoản này.

Nhóm cổ phiếu dẫn dắt

Một yếu tố quan trọng làm nền sự khác biệt giữa TTCK Mỹ và TTCK Việt Nam thời gian qua là tầm ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu dẫn dắt tới thị trường. Cụ thể, 4 công ty có mức vốn hóa lớn nhất lại TTCK Mỹ đều thuộc nhóm ngành công nghệ, và nhóm này đã có sự sụt giảm mạnh trong thời gian qua vì những lý do riêng.

Amazone bị Tổng thống Trump chỉ trích gay gắt về việc đóng ít thuế và gây ra thiệt hại cho ngành bưu điện nước Mỹ, trong khi những công ty đóng thuế đầy đủ thì phải đóng cửa. Facebook dính vào scandal tiết lộ thông tin người dùng để sử dụng cho mục đích chính trị; một vài hãng công nghệ khác như Tesla, NVDA thì gặp rắc rối ở những vụ tai nạn gây ra bởi xe tự lái. Nhóm cổ phiếu công nghệ là tác nhân lớn nhất, làm trầm trọng thêm sự sụt giảm của các chỉ số DJ, Nasdaq…  

VNIndex tăng trưởng, “mặc kệ” những diễn biến phức tạp của chứng khoán toàn cầu - Ảnh 3.

Sự sụt giảm của dòng công nghệ khiến cho TTCK Mỹ lao dốc

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu công nghệ có vốn hóa rất nhỏ, chưa đủ "tầm" để gây ảnh hưởng tới VNIndex. Sự tăng giá của VNIndex thời gian qua có sự đóng góp lớn nhất đến từ nhóm cổ phiếu vua-ngành ngân hàng. Trong 10 cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất trên HOSE thì có tới 4 cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng là VCB, BID, CTG và VPB. Bốn cổ phiếu ngân hàng này có mức tăng lần lượt 37%, 76%, 45% và 66% từ đầu năm tới nay đóng góp tới 40% mức tăng của VNIndex.

Bên cạnh nhóm cổ phiếu ngân hàng, TTCK Việt Nam còn đón nhận sự đồng thuận từ nhóm cổ phiếu BDS, bảo hiểm, thực phẩm… Điển hình như VIC- cổ phiếu đã tăng gần 60% trong năm nay để vượt qua Vinamilk trở thành công ty có mức vốn hóa lớn nhất thị trường và đóng góp 20% cho mức tăng của VNIndex. Ngoài ra MSN (tăng 48%) hay BVH (tăng 54%) cũng là những động lực thúc đẩy thị trường tăng trưởng.  

H.G

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên