MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VnIndex vượt đỉnh 9 năm, nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam đã hết sợ tháng “cô hồn”

Theo thống kê từ năm 2014 tới nay, chỉ có duy nhất tháng “cô hồn” năm 2015 khiến chỉ số VnIndex điều chỉnh bởi ảnh hưởng tiêu cực từ việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, trong khi những tháng “cô hồn” năm khác đều có diễn biến khá tích cực.

Tháng 7 âm lịch hay còn được gọi là tháng cô hồn, xá tội vong nhân. Theo quan niệm dân gian, đây là thời điểm mà các hoạt động làm ăn, kinh doanh, buôn bán… nhìn chung không gặp nhiều thuận lợi, hầu hết mọi người đều kiêng kị, né tránh thực hiện các công việc quan trọng diễn ra trong tháng này.

Vì lẽ đó, các hoạt động kinh doanh, giao dịch… diễn ra trong tháng này thường khá ảm đạm và “tâm lý tháng 7” cũng xuất hiện hàng năm trên TTCK Việt Nam khi phần lớn đều giảm điểm trong giai đoạn này.

Bên cạnh đó, khoảng thời gian tháng 7 âm lịch (hoặc giáp tháng 7) thường xuất hiện những thông tin bất lợi với thị trường như khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Đức Kiên, cựu Thành viên hội đồng sáng lập ngân hàng ACB vào năm 2012; giá dầu lao dốc năm 2014 hay là sự kiện Trung Quốc liên tục phá giá đồng Nhân dân tệ năm 2015; khởi tố, bắt giam ông Phạm Công Danh, Cựu Chủ tịch HĐQT VNCB - ngân hàng đầu tiên được NHNN mua lại với giá 0 đồng.

Trong năm nay, những vấn đề xung đột trên bán đảo Triều Tiên, hay những thông tin khởi tố, xét xử tiếp tục diễn ra khá dồn dập trong tháng 7 âm lịch. Trong đó, có thể kể tới việc khởi tố nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước, công bố sai phạm Bí thư Đà Nẵng… Ngoài ra, những vụ cháy nổ cũng diễn ra khá thường xuyên như vụ cháy diễn ra tại kho vải của May Thành Công hay mới nhất là Nhựa Tiền Phong.

Nhà đầu tư đã hết sợ tháng “cô hồn”

Thống kê từ giai đoạn 2010 – 2017, chỉ số VnIndex có 5/8 năm giảm điểm trong tháng “cô hồn”, đây là con số cho thấy giới đầu tư có phần khá thận trọng trong khoảng thời gian này. Tuy vậy, một điểm đáng chú ý là những tháng “cô hồn” giảm điểm chủ yếu rơi vào giai đoạn 2010 – 2013, đây là thời kỳ nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, việc chỉ số VnIndex giảm điểm trong tháng 7 âm cũng không có quá nhiều bất ngờ.

Kể từ năm 2014 tới nay, chỉ có duy nhất tháng “cô hồn” năm 2015 khiến chỉ số VnIndex điều chỉnh bởi ảnh hưởng tiêu cực từ việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, trong khi những tháng “cô hồn” năm khác đều có diễn biến khá tích cực.

Trong tháng 7 âm năm nay, mặc dù nhận khá nhiều thông tin tiêu cực , tuy nhiên diễn biến giao dịch trên TTCK Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng nhiều. Cụ thể, chỉ số VnIndex đã tăng tới 39 điểm, tương ứng mức tăng 5,08% trong tháng 7 âm, qua đó giúp VnIndex vượt qua 800 điểm và là con số cao nhất đạt được trong vòng 9 năm qua.


VnIndex vượt mốc 800 trong tháng cô hồn

VnIndex vượt mốc 800 trong tháng "cô hồn"

Điều gì đã giúp nhà đầu tư vượt qua sợ hãi?

Trong tháng 7 âm năm nay, kinh tế vĩ mô nói chung cũng như TTCK Việt Nam nói riêng đón nhận khá nhiều yếu tố hỗ trợ.

Tại kỳ họp thường kỳ Chính phủ mới đây cho biết tín dụng đối với nền kinh tế tăng 10,06% so với tháng 12/2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 9,01%). Thủ thướng yêu cầu NHNN tiếp tục nỗ lực giảm lãi suất cho vay thêm khoảng 0,5%, đồng thời cố gắng đạt mức tăng trưởng tín dụng 21% và theo đuổi tăng trưởng kinh tế 6,8%. Định hướng này sẽ là bệ đỡ quan trọng cho TTCK tăng trưởng trong 4 tháng còn lại cuối năm 2017.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng vừa qua của Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng lên 51,8 điểm. Kết quả này cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất tiếp tục cải thiện nhẹ.

Bên cạnh đó, những câu chuyện bán cổ phần nhà nước (Sabeco, Habeco, Vinamilk…) hoặc IPO (PV Power; PV Oil; Becamex IDC và IDICO diễn ra trước cuối năm; và có thể là cả Vincom Retail & Techcombank) đã giúp thị trường có thêm lực đỡ.

Một yếu tố khác giúp TTCK Việt Nam tăng trưởng tốt trong tháng “cô hồn” bởi theo lịch âm, tháng 7 năm nay đến trễ hơn mọi năm một chút do nhuận và điều này giúp giới đầu tư dần tiếp cận được KQKD quý 3. Hiện tại, một số doanh nghiệp đã hé lộ KQKD quý 3 khả quan và điều này đã hỗ trợ không nhỏ cho thị trường chung.

Về vấn đề quốc tế, theo dự báo của nhiều tổ chức thì khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ không đề cập đến việc nâng lãi suất trong cuộc họp chính sách tới đây, điều này giúp dòng vốn ngoại duy trì ổn định trên TTCK tại các thị trường mới nổi, cận biên như Việt Nam.

Ngoài ra, giá hàng hóa nguyên liệu, đặc biệt giá dầu hiện đã trở lại sát mốc 50 USD/thùng nhờ kỳ vọng sản lượng OPEC sụt giảm hay chỉ số Dow Jones đang ở mức 22.290 điểm, mức cao nhất mọi thời đại cũng là yếu tố hỗ trợ tích cực cho TTCK Việt Nam.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên