VNPT rao bán quyền mua cổ phần VNPT Epay
Với chủ trương không tăng vốn góp tại VNPT Epay, hậu giao dịch, tỉ lệ sở hữu của VNPT tại VNPT Epay sẽ giảm từ 30,11% xuống còn 18,58% vốn điều lệ.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa có thông báo về việc chuyển nhượng toàn bộ 4,2 triệu quyền mua cổ phần tại CTCP Thanh toán điện tử VNPT (VNPT Epay) với giá khởi điểm 8,84 tỉ đồng (2.105 đồng/quyền mua).
Thời gian thực hiện và hoàn thành việc chuyển nhượng quyền mua dự kiến diễn ra trong vòng 2 tháng, từ tháng 6/2022 – 8/2022.
Được biết, VNPT Epay đang thực hiện đợt chào bán 8,649 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỉ lệ 1:0,62 (1 cổ phần được hưởng 1 quyền mua, 1 quyền được mua 0,62 cổ phần phát hành thêm).
Thương vụ có thể giúp công ty này tăng vốn điều lệ lên 225,99 tỉ đồng.
Với chủ trương không tăng vốn góp tại VNPT Epay, hậu giao dịch, tỉ lệ sở hữu của VNPT tại VNPT Epay sẽ giảm từ 30,11% xuống còn 18,58% vốn điều lệ.
Thành lập từ năm 2008, VNPT Epay là một trong những đơn vị trung gian thanh toán đầu tiên tại Việt Nam, chuyên cung cấp các dịch vụ thanh toán điện tử và giải pháp tài chính như cổng thanh toán trực tuyến, dịch vụ thu/chi hộ, ví điện tử.
Tháng 1/2016, VNPT Epay được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép chính thức về trung gian thanh toán. Đến năm 2017, hai nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc là Global Payment Service (GPS) và UTC Investment (UTC) mua cổ phần và trở thành cổ đông lớn nhất tại công ty này.
Tại ngày 31/3/2022, VNPT Epay có vốn điều lệ 139,5 tỉ đồng, trong đó VNPT góp 42 tỉ đồng, sở hữu 30,11% vốn điều lệ. GPS và UTC (GPS là quỹ đầu tư được thành lập và quản lý bởi UTC) góp tổng cộng 97,5 tỉ đồng, sở hữu 69,89% vốn điều lệ.
Kết thúc quý 1/2022, VNPT Epay ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.045,9 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ở mức 2,44 tỉ đồng, tăng 64,5% so với quý 1/2021.
Tính đến ngày 31/3/2022, quy mô tổng tài sản của VNPT Epay đạt 517,3 tỉ đồng, tăng 3,4% so với đầu năm.
Trong đó, lượng tiền và tương đương tiền, cùng các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn chiếm 49,8%, đạt 257,7 tỉ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn là 236,3 tỉ đồng, tăng 33% so với đầu năm.
Ở phía bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của VNPT Epay đạt 376,4 tỉ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, số dư nợ vay và nợ thuê tài chính là 40,7 tỉ đồng, chiếm 7,8% tổng nguồn vốn.
VNPT Epay là một trong những doanh nghiệp trung gian thanh toán trong đường dây đánh bạc hàng nghìn tỉ đồng liên quan đến Phan Sào Nam.
Kết luận tại bản án 55/2018/HS-ST của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ cho biết, VNPT Epay đã thực hiện nâng khống 49 tờ hóa đơn với tổng giá trị là 657 tỉ đồng và bị buộc phải nộp 51 tỉ đồng tiền thu lợi bất chính vào ngân sách nhà nước.
Tháng 12/2021, Cục thuế TP. Hà Nội đã ban hành quyết định thanh tra số 52426 về việc thanh tra chấp hành pháp luật thuế giai đoạn 2017 – 2020 đối với VNPT Epay. Mặc dù quá trình thanh tra vẫn chưa kết thúc, tuy nhiên, qua những buổi trao đổi và làm việc với Cục thuế, dự kiến số tiền mà VNPT Epay có thể lên tới nhiều tỉ đồng./.
Viettimes