MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vợ chồng dự tính chi 30 triệu sắm Tết: Phần lớn nên mua từ sớm nhưng có một số thứ nên sắm sát giờ

18-11-2023 - 20:15 PM | Lifestyle

Một số gia đình đã rục rịch lên kế hoạch và tiết kiệm tiền để sắm Tết từ bây giờ, tránh cập rập.

Dự tính chi 30 triệu cho Tết, chuẩn bị sắm sửa từ sớm

Gia đình Bích Nhựt (33 tuổi, đang nghỉ ở nhà làm nội trợ và kinh doanh online sau một thời gian làm kế toán) gồm 3 thành viên dự tính sẽ chi 30-35 triệu đồng cho dịp Tết Âm lịch sắp tới. Bởi vợ chồng cô thường sẽ về quê ăn Tết cùng ông bà nội ngoại, cô chỉ mua sắm dần những khoản như quần áo, quà cáp và tìm đặt vé về Tết từ trước.

Trong đó, tiền đi về quê khoảng 6 triệu cho 3 người, biếu ông bà nội ngoại 15 triệu đồng, lì xì các cháu đầu năm 3 triệu, sắm Tết chẳng hạn như quần áo, giày dép, bánh kẹo khoảng 6 triệu đồng.

Khoản tiền lớn nhất là biếu ông bà nội ngoại, gia đình cô sẽ trích từ khoản tiết kiệm xuyên suốt cả năm thay vì chờ thưởng Tết. “Mỗi tháng mình sẽ đều trích một phần thu nhập của 2 vợ chồng để vào khoản tiết kiệm trước rồi mới chi tiêu sau. Riêng năm nay, phần trích ra hơi ít lại so với những năm trước vì vợ chồng mình đang phải trả những khoản tiền lớn cho việc mua nhà và sắm đồ dùng".

Được biết, cô luôn chuẩn bị sẵn khoản tiền này từ trước mà không chờ đến thưởng Tết để vợ chồng dễ dàng lên kế hoạch Tết hơn. Bên cạnh đó, đây đều là những khoản tiền cố định hàng năm, chuẩn bị càng sớm càng tốt.

Vợ chồng dự tính chi 30 triệu sắm Tết: Phần lớn nên mua từ sớm nhưng có một số thứ nên sắm sát giờ- Ảnh 1.

Bích Nhựt

Còn đối với gia đình Thu Hà (28 tuổi, Hà Nội) gồm 3 thành viên cũng dự tính chi khoảng 30 triệu đồng để sắm sửa Tết. Cô chia sẻ rằng Tết là khoảng thời gian hiếm hoi để gia đình sum vầy, ngày để đầu óc thoải mái. Do vậy, để tránh tình trạng phải chen lấn ở siêu thị hay các đơn vị vận chuyển quá tải khiến hàng order về chậm, thất lạc, cũng như để săn được các chương trình ưu đãi và hàng chính hãng, Thu Hà đã bắt đầu lên kế hoạch mua sắm dần từ đầu tháng 11.

“Mình lên kế hoạch sắm trước các khoản mục cho gia đình, bản thân, người thân và bạn bè đối tác. Vì gia đình mình ở xa 2 nhà nội ngoại và bạn bè, nên việc chuẩn bị quà Tết cũng là để thể hiện sự yêu thương gắn kết đối với các mối quan hệ”.

Kinh nghiệm mua đồ sắm Tết

Theo Thu Hà, điều đầu tiên cần làm khi sắm Tết là có danh sách chi tiết các khoản mục đã được cân nhắc và suy nghĩ. Đồng thời, mọi người nên chọn thời điểm thích hợp để sắm Tết, tránh mua sát giờ, dẫn đến cập rập. Bởi vì càng sát Tết, hàng hoá càng ít dần, các siêu thị cũng sẽ trở nên đông đúc đáng kể và sau mỗi lần chen lấn sẽ chỉ còn lại trên kệ trưng bày những gói hàng bị méo mó, hoặc xấu mã không còn nguyên vẹn, chưa kể một số mặt hàng còn bị nâng giá lên cao vì khan hiếm. Điều đó dẫn đến tình trạng nhiều người mua sắm Tết qua những nơi không uy tín, dính phải hàng giả hàng kém chất lượng.

“Làm sáng tạo nội dung về nhà cửa 1 thời gian, mình rút ra là nên sắm đồ ăn tươi vào sát Tết. Mình thấy Tết nào cũng có thông tin về ngộ độc thực phẩm, nên tránh để trữ đồ trong tủ đông quá lâu, đặc biệt là thịt, cá, giò chả,... có thể may mắn không ngộ độc ngay, nhưng vê lâu dài cực kỳ gây ảnh hưởng tới sức khoẻ”. Tết là thời điểm nhiều gia đình sắm sửa rất sớm, và luôn chất đầy tủ lạnh. Điều đó có thể gây ra lãng phí cũng như khiến các thực phẩm không được dùng kịp thời dẫn đến hư hỏng.

Vợ chồng dự tính chi 30 triệu sắm Tết: Phần lớn nên mua từ sớm nhưng có một số thứ nên sắm sát giờ- Ảnh 2.

Thu Hà

Còn đối với Bích Nhựt, cô thường sẽ mua vé về quê khoảng 1 tháng trước Tết. Vì quê không quá xa TP Hồ Chí Minh, có 2 lựa chọn là đi xe hoặc máy bay, gia đình cô chọn vế trước. “Mình mua vé xe vì nó sẽ tiết kiệm hơn”.

Khác với Thu Hà, cô cho rằng bánh kẹo và mứt nên để sát Tết hãy mua. Mặc dù lúc này có thể giá sẽ cao hơn đôi chút, nhưng mua sát Tết thường có nhiều mẫu mã đẹp hơn và tránh trường hợp chưa tới Tết mà bánh kẹo hết vì đã ăn trước.

“Mình nghĩ mọi người nên chuẩn bị tiết kiệm tiền sắm Tết từ trước để chủ động hơn nếu như năm đó tiền thưởng không may ít lại và tránh trường hợp cháy túi sau Tết”, Bích Nhựt chia sẻ.

Mặt khác, Thu Hà cho rằng nhu cầu sắm Tết còn tùy thuộc vào tình hình kinh tế của mỗi gia đình. “Nhiều nhà đặt nặng vấn đề phong tục quá thành ra tết nhất là lúc nghỉ ngơi thoải mái rồi đầu óc lại còn đau hơn cả ngày trong năm. Quan điểm của mình Tết là phải vui, chúng ta cứ xoay sở lên kế hoạch trước sao cho vừa trong khả năng tài chính của mình. Tránh đặt nặng vấn đề mua sắm, khiến Tết trở nên nhiêu khê, mệt mỏi và rườm rà”.

Theo Tô Diệp - Ảnh: NVCC

Phụ nữ số

Trở lên trên