Vợ chồng gặp "cú sốc" sau khi có con đầu lòng, vay nợ mua nhà: Tiết kiệm thế nào để không áp lực tài chính?
Cùng gặp hai gia đình dưới đây để xem họ đã quản lý tài chính như thế nào sau khi khoản chi trong nhà đột ngột tăng vọt.
- 29-10-2023Cô gái đòi chia tay sau khi bạn trai đưa 670 triệu đồng tiền đặt cọc mua nhà
- 22-10-2023Mua nhà cũ gần núi, vợ chồng cải tạo thành không gian sống thư giãn và đầy tiện nghi
- 10-10-2023Công việc tốt, mạnh tay vay nợ mua nhà 16 tỷ đồng mặc bố mẹ can ngăn: Nay để lại niềm ân hận lớn
Vợ chồng tiết kiệm để mua căn nhà đầu tiên sau 2 năm kết hôn
Đó là câu chuyện của vợ chồng trẻ Hiền Nguyễn (1996, công chức nhà nước) và Thanh Sơn (1992, nhân viên kỹ thuật điện máy). Cặp đôi kết hôn vào năm 2019. Sau hai năm về chung một nhà, họ đã chuyển từ Hà Nội về quê chồng là Hải Phòng sinh sống, đồng thời sở hữu căn nhà đầu tiên: Một căn chung cư cũ rộng 42m2, giá mua vào hơn 1,2 tỷ đồng. Căn hộ có 2 phòng ngủ, 1 vệ sinh, 1 khách và bếp thông nhau.
Điều đặc biệt là căn hộ được mua khi tổng thu nhập của họ chỉ 20 triệu đồng/tháng. Kế hoạch mua nhà được họ đặt ra từ trước khi cưới, lúc cặp đôi mới yêu nhau được một năm.
Nhớ lại quãng thời gian vừa kết hôn xong, Hiền Nguyễn cho biết: "Tụi mình đã tính toán rất nhiều, công khai thu nhập với nhau từ lúc có ý định về chung một nhà. Dù biết rất khó để tích lũy tiền mua chung cư, nhưng vì sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối cùng thì thành quả đầu tiên cũng đã đạt được".
Để mua được căn nhà đầu tiên, họ đã bỏ ra 30% giá trị căn nhà (tức khoảng 350 triệu đồng), sau đó vay thêm 850 triệu đồng từ người thân và ngân hàng.
Nhận bàn giao nhà xong, họ phải tính đến tiếp chuyện trả nợ. Được biết, tổng số tiền gia đình phải trả khoảng 8 triệu đồng mỗi tháng. Với thu nhập hiện tại, họ nghĩ việc trả nợ nằm trong khả năng của gia đình. Tuy nhiên, cặp đôi cũng cần phải quản lý tài chính chặt chẽ để còn dư tiền phục vụ nhiều mục đích chi tiêu khác.
Cặp đôi tâm sự, do chưa có con cái nên họ chi tiêu gì cũng hạn chế. Hiền Nguyễn chia sẻ: "Không cần phải đóng tiền nhà nhưng những khoản như điện nước, wifi, đám đình... chiếm khoảng 2 triệu/tháng. Tiền ăn cho 2 vợ chồng 3,5 - 4 triệu/tháng, đây là số tiền đã tính cả ăn ngoài. Gia đình nội ngoại không cần hỗ trợ nhiều nên chỉ tốn kém tiền quà cáp mỗi dịp lễ tết.
Số tiền còn lại mình vẫn tính toán làm sao bỏ thêm vào tiết kiệm và phát sinh ngoài ý muốn. Dự định 2 năm nữa mới có con nên tụi mình vẫn cố gắng gia tăng thu nhập và tiết kiệm nhiều hơn".
Tiêu 15 triệu/tháng ở TP.HCM sau khi có con đầu lòng
"Liệu cơm gắp mắm, tăng xin giảm mua và cố gắng kiếm thêm việc làm" là quan điểm tài chính của vợ chồng Hồng Nguyễn (1992, TP.HCM) để sống tốt tại thành phố lớn mà không cần vay mượn ai.
Với cặp đôi, bước ngoặt lớn trong cuộc sống hôn nhân là khi họ có con đầu lòng. "Chúng mình không thể sống tiếp trong căn phòng trọ nhỏ 20m2 nữa, mà phải chuyển sang nhà mới rộng hơn để nuôi con. Rồi hàng loạt các phí lớn phí nhỏ, nên tụi mình đã phải siết lại chi tiêu khá nhiều.
Từ khi biết tin có con, cả 2 vợ chồng mình mới thực sự bước vào cuộc chiến tiền bạc mới. Đấy cũng là đỉnh điểm tụi mình cày hết sức mình, chồng làm không quản ngày đêm và nhận thêm dự án để có tiền trang trải", Hồng Nguyễn nhớ lại.
Đến khi bé có thể đi được nhà trẻ, cả hai vợ chồng lại tập trung lo kiếm tiền và kiểm soát chi tiêu tối đa. Lúc này thu nhập của cả 2 cũng chạm ngưỡng 20 triệu đồng và họ luôn cố gắng giữ mức chi tiêu chỉ 15 triệu đồng/tháng. "Mục tiêu của tụi mình là dù thu nhập có tiếp tục tăng, thì vẫn cố gắng giữ mức chi tiêu này", Hồng Nguyễn nhấn mạnh.
Khoản chi 15 triệu đồng/tháng được họ phân bổ như sau:
- Tiền thuê nhà 30m2 (đã bao gồm chi phí điện nước, wifi...): 4 - 4,5 triệu đồng.
- Tiền ăn cho hai vợ chồng và con ở nhà: 3 - 3,5 triệu
- Tiền học + tiền ăn ở trường cho con mỗi tháng: 2 triệu
- Xăng xe, chi phí phát sinh khi đi làm: 2 triệu/2 người.
- Khoản ma chay, cưới hỏi (nếu có): 3 triệu đồng.
Trong đó, những bữa cơm nhà của gia đình Hồng luôn nấu đơn giản để tiết kiệm chi phí. Bữa ăn cũng chỉ có thịt thà, rau củ quả là chính. Ngoài ra, họ còn tìm các mối đổ buôn để mua thực phẩm, sau đó về chia lẻ ra. Nhờ đó, vợ chồng Hồng có thể mua được thức ăn giá rẻ, còn tiết kiệm chi phí xăng xe đi chợ.
Bên cạnh đó, Hồng cũng hạn chế mua quần áo và các vật dụng ngoài thân, đồng thời ít khi tham dự tiệc tùng hay ăn ngoài. Vì cô cho rằng, nếu có thêm khoản nào được chi ra, chắc chắn sẽ vượt mức ngân sách 15 triệu đồng này.
Cho đến hiện tại, gia đình của Hồng vẫn tuân thủ quy tắc "liệu cơm gắp mắm" cho phù hợp. Có ít tiêu ít, ăn dè ở tiện là thượng sách dù có nghèo hay dư giả cũng vậy!
Cặp đôi đều đồng tình, rằng cuộc sống ở thành phố là môi trường thuận lợi để con cái được tiếp thu những cái mới, cha mẹ cũng mở mang tầm nhìn hơn. Nên kế hoạch của gia đình Hồng Nguyễn vẫn là cố gắng để sống ở TP.HCM. Sau này khi có tích lũy thêm chút, thì có thể xem xét bỏ phố về quê để sống cho dễ thở.
phunuso.baophunuthudo.vn