Vợ chồng ở Hà Nội tiết kiệm nửa lương hàng tháng, còn dư tiền đầu tư vàng và đất như thế nào?
Các cặp đôi dưới đây đều chung nhận định, dù thu nhập cao hay thấp thì cũng phải nỗ lực tiết kiệm tiền.
- 10-05-2024Làm được đồng nào tiêu đồng nấy, khi người thân nằm viện mới biết tiết kiệm quý thế nào
- 08-05-2024Sau khi thực hành chủ nghĩa tối giản, tôi chắt lọc ra 12 mẹo tiết kiệm tiền siêu thiết thực
- 05-05-2024Gần hết nửa năm 2024 nhưng vẫn không có đồng nào: Đây là 4 bước cần làm để tăng quỹ tiết kiệm
Có những cặp vợ chồng dù kiếm được mức thu nhập dư dả nhưng chi tiêu vô cùng chắt bóp, lên kế hoạch cho từng đồng thu nhập kiếm được. Họ cho rằng, nếu chăm chỉ "tích tiểu thành đại" thì sau này vợ chồng mới có tài sản lớn, lo được chuyện học hành và sự nghiệp cho con.
Đơn cử, hãy cùng gặp 2 vợ chồng dưới đây để xem cách họ lên kế hoạch chi tiết cho từng đồng tiền kiếm được như thế nào nhé!
Kiếm được 90 - 100 triệu đồng/tháng nhưng vẫn tính toán chi tiêu từng đồng một
Đó là câu chuyện của vợ chồng Minh Nguyệt (SN 1997, sale manager tại công ty kinh doanh khóa học tại Hà Nội). Gia đình cô có 3 thành viên gồm 2 bố mẹ và 1 bé trai 4 tuổi.
Hàng tháng, vợ chồng Minh Nguyệt luôn trích riêng 50 triệu đồng vào tài khoản tiết kiệm và dành tiền khác để mua 1-2 chỉ vàng. Riêng quỹ tiết kiệm, hiện họ đang chia nhỏ thành 2 phần, một phần chiếm 20% thu nhập để làm quỹ dự phòng, phần còn lại là đầu tư vào đất.
Số tiền còn lại trong thu nhập, sau khi trừ đi tiền mua vàng và quỹ tiết kiệm là dành cho chi phí sinh hoạt. Cụ thể, các khoản chi tiêu cho chi phí sinh hoạt hàng tháng của gia đình như sau:
- Chi phí dịch vụ ở chung cư, phí gửi xe cộ và điện nước: 5 triệu đồng.
- Tiền thuê giúp việc đến dọn nhà 1 lần/tuần và thuốc men dành cho gia đình: 5 triệu đồng.
- Các khoản chi còn lại (chi tiêu ăn uống hàng ngày, tiền học của con, biếu gia đình 2 bên, mua sắm đồ đạc cho gia đình): 20 triệu đồng.
Ảnh minh hoạ
Minh Nguyệt chia sẻ, về thu nhập hàng tháng, vợ chồng cô luôn rạch ròi thành 2 phần. Một là khoản chi bắt buộc phải trả hàng tháng. Điều này giúp họ tách biệt tiền kiếm được từ công việc văn phòng và lãi từ đầu tư (tiền lời từ bất động sản, chứng khoán hay mua vàng,...). Với cặp đôi, đầu tư rất quan trọng. Bởi chúng khiến tiền đẻ ra tiền, thay vì nếu chỉ để một chỗ thì lương hàng tháng sẽ mất đi giá trị theo thời gian.
Kiếm 60 triệu nhưng chỉ tiêu 15 triệu
“Liệu cơm gắp mắm” là cách mà vợ chồng Trần Lợi (SN 1991, nhân viên IT) - Khánh Hòa (SN 1996, giáo viên) nói về cách họ chi tiêu khi sống tại TP. Hà Nội. Với tổng thu nhập ổn định và có phần được coi là khấm khá (khoảng 60 triệu), cặp đôi khả năng để sống vui vẻ. Tuy nhiên, họ vẫn quyết định để dành lại hơn 1 nửa thu nhập với 3 mục đích mua vàng, mua đất ở vùng ven Hà Nội và gửi tiết kiệm.
Cụ thể hơn, gia đình Trần Lợi chia tổng thu nhập hàng tháng thành từng khoản chi tiêu sau đây:
- Chi phí sinh hoạt: (25% - 30% thu nhập, tức 15 - 20 triệu đồng)
Trần Lợi cho hay: “Chúng mình mất 9 triệu đồng tiền ăn. Đây là con số không lớn do vợ chồng không có nhu cầu ăn ngon, ăn đồ ăn đắt tiền và đi ăn ngoài. Tiền nhà không mất vì đã mua căn hộ. Tiền điện nước và phí quản lý chung cư là 2 triệu đồng. Tiền mua đồ dùng khác tầm 1 triệu đồng. Còn lại là chi phí xăng xe, đám ma và giỗ hỏi. Những nhu cầu vật chất khác gần như hạn chế, vì cả hai đều quan điểm, chưa giàu thì không nên lãng phí".
- Quỹ dự phòng: (10% thu nhập, tức 6 triệu đồng)
Đây là khoản chi tiêu họ dành cho những trường hợp bất khả kháng như tai nạn, hỏng xe cộ hay máy móc… Đây cũng là quỹ mà họ cất tiền riêng để biếu gia đình hai bên.
- Quỹ tiết kiệm và đầu tư: (60% thu nhập, tức 35 triệu đồng).
Ảnh minh hoạ
Chỉ tiêu 15 triệu đồng/tháng là một mức chi phí sinh hoạt khiêm tốn của nhiều vợ chồng trẻ ở thành phố lớn. Đánh đổi của mức chi tiêu này là chất lượng sống sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.
Tuy nhiên, Trần Lợi cho rằng việc tiết kiệm hiện tại là xứng đáng. Anh chàng cho hay: “Hiện tại, vợ chồng mình muốn sống tiết kiệm để tận dụng khoảng thời gian chưa có con và ưu thế đã có nhà sẵn. Phần tiết kiệm sẽ được vợ chồng mình tích luỹ hoặc đầu tư sinh lời cho tương lai.
Về lâu dài, tụi mình muốn có khoản tiền để làm 2 mục tiêu lớn, đó là chuyển về vùng ngoại thành, mua đất đồi sinh sống và xây nhà. Thêm nữa là chuẩn bị tiền cho con cái đi du học. Ngoài ra, lĩnh vực đặc thù của mình là ngành IT thì sau tuổi 35 bị layoff và cắt giảm lương rất mạnh. Do đó, mình muốn tận dụng ‘thời điểm vàng' có mức thu nhập tốt để nhanh chóng tích lũy cho tương lai”.
Làm sao để tiết kiệm thêm vài triệu đồng mỗi tháng?
Vợ chồng Minh Nguyệt cho rằng, điều quan trọng là bạn biết kiềm chế ham muốn, để không chi tiêu quá tay vào tài khoản tiết kiệm. Ngoài ra, cặp đôi còn chọn chế độ tự động chuyển tiền vào ngày nhận lương hàng tháng sang tài khoản tiết kiệm, chứ không đợi cuối tháng còn bao nhiêu tiền mới đem đi cất riêng.
Ảnh minh hoạ
Còn về phía vợ chồng Trần Lợi, họ chọn quản lý tài chính bằng công thức: Tiền tiết kiệm + đầu tư = Tổng thu - Tổng chi. Do ở hiện tại, tổng thu của cặp đôi chỉ dừng ở mức 60 triệu đồng/tháng nên để gia tăng quỹ tiết kiệm và đầu tư, thì họ cần giảm tổng chi hết mức có thể.
Hiện tại, tổng chi của cặp đôi tương ứng với chi phí sinh hoạt, gói gọn trong khoảng 15 triệu đồng. Và để gia đình 2 người sống tốt với mức chi tiêu này ở thành phố Hà Nội, họ có 2 kinh nghiệm sau đây:
- Ghi chép lại toàn bộ khoản chi tiêu trong 1 tháng trên file excel
Bất kể khoản chi tiêu, dù lớn hay nhỏ đều được vợ chồng Trần Lợi ghi chép lại. Cuối tháng, họ sẽ ngồi cùng tổng hợp và kiểm tra dòng tiền thu chi hàng tháng của gia đình.
- Nỗ lực cắt giảm các khoản chi tiêu
Trần Lợi cho hay: “Tụi mình còn trẻ và muốn tranh thủ thời điểm chưa có con nên xác định cần phải bắt đầu tích lũy dần tiền bạc. Chúng mình hạn chế đi siêu thị, vào shop quần áo vừa phải, ít tụ tập và du lịch nhiều.
Mỗi tháng có lương là rút ngay tiền gửi vào tài khoản tiết kiệm. Nếu tháng nào thiếu tiền thì mình cố gắng đi mua chịu, hoặc tự dặn lòng sang tháng sau phải bù vào. Về phần thiết bị điện tử thì đã sắm 1 lần lúc mua nhà, nên 1 năm chỉ phát sinh khoản chi mới không quá 30 triệu đồng.
Nhìn chung, phong cách sống của chúng mình là hướng đến sự tối giản và tiện lợi. Mình nghĩ mọi người vì chi tiêu quen tay nên khi phải giảm lại, tính toán hơn thì sẽ cảm thấy khó khăn và bực bội".
Sau cùng, với vợ chồng trẻ dự định kết hôn, Trần Lợi cho lời khuyên rằng cả hai nên lên lập kế hoạch chi tiêu và xác định ai cầm tiền để tránh chuyện cãi vã. Bên cạnh đó, hãy học cách xây dựng kế hoạch tài chính từ sớm, vì chúng giúp bạn cân đối và biết trước hạn mức tiêu dùng của gia đình.
Nhịp sống thị trường