MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vợ chồng Việt chiến thắng cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp của Đại sứ Mỹ

10-09-2016 - 15:20 PM | Tài chính quốc tế

Phát triển ứng dụng lấy số đo cơ thể thông qua camera của điện thoại thông minh để bán quần áo trực tuyến, đôi vợ chồng người Việt đã vượt qua hàng chục đội khác để giành giải nhất cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp của Đại sứ Mỹ.

Chiều 31/8, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tổ chức cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp của Đại sứ nhằm khuyến khích các bạn trẻ Việt Nam tư duy khởi nghiệp cũng như thúc đẩy sự phát triển của Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Cuộc thi được phát động từ tháng 4 và nhận được 71 hồ sơ đăng ký tham dự từ 9 thành phố của Việt Nam, trong đó 47 đội tham gia đấu loại tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Trong vòng chung kết tại Hà Nội, 11 đội tham dự nhằm giành 3 giải thưởng, trong đó có giải nhất trị giá 1.000 USD và học bổng trị giá 5.000 USD cho nhóm trưởng. Vượt qua 10 đội đối thủ, UKYS của đôi vợ chồng Nguyễn Ngọc Lâm và Trần Đàm Minh Phượng đã giành giải nhất cho ý tưởng may quần áo bất chấp khoảng cách địa lý.

Đại sứ Ted Osius trao giải nhất cho vợ chồng startup Việt. Ảnh: Linh Anh

Đại sứ Ted Osius trao giải nhất cho vợ chồng startup Việt. Ảnh: Linh Anh

Chia sẻ về ý tưởng của cuộc thi, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho biết: “Ý tưởng để phát động cuộc thi này rất đơn giản. Nước Mỹ muốn làm tất cả những gì có thể để góp phần vào thành công của người Việt Nam. Tổng thống Barack Obama cũng rất đề cao mối quan hệ với Việt Nam nên ông muốn giúp đất nước của các bạn thành công và chúng tôi rất tự hào về điều đó”.

Đại sứ Osius cũng nhận định thách thức với giới khởi nghiệp ở Mỹ hay ở Việt Nam đều là tiền. Họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà đầu tư hay các nguồn kinh phí để phát triển ý tưởng. Một thách thức nữa thường trực đối với những bạn trẻ khởi nghiệp chính là các chính sách của chính phủ. Một môi trường phù hợp sẽ giúp ích nhiều đối với các startup.

Chia sẻ với Tri thức trẻ ngay sau nhận giải, Nguyễn Ngọc Lâm cho biết: “Ý tưởng xuất phát từ việc hai vợ chồng đi nhiều nơi, thấy Việt Nam chuyên gia công may mặc cho các nhãn hàng khác trên thế giới nhưng lại không có thương hiệu riêng cho mình. Trong khi chất lượng may mặc của Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được những đòi hỏi của thế giới”.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của ngành may mặc liên quan tới số đo của khách hàng. Trước thách thức đó, Lâm bắt đầu tìm hiểu về công nghệ cách đây 2 năm và ra mắt một ứng dụng cho phép lấy số đo của khách hàng thông qua điện thoại di động. Bằng cách thức này, số liệu chính xác nhất về người đặt may sẽ được lấy, nhằm tạo ra sản phẩm phù hợp nhất.

Đại sứ Ted Osius nói chuyện cùng đội ART4L, những người mong muốn tạo ra sự tự chủ cho người khuyết tật. Ảnh: Linh Anh

Đại sứ Ted Osius nói chuyện cùng đội ART4L, những người mong muốn tạo ra sự tự chủ cho người khuyết tật. Ảnh: Linh Anh

Ở thời điểm hiện tại, công ty của Lâm mới dừng lại ở việc may áo sơ mi cho khách. Trong tương lai, những sản phẩm khác như áo phông hay quần bò cũng sẽ trở thành mặt hàng được đẩy mạnh. Nhằm thu hút mua sắm onlines, công ty của Lâm quyết định miễn phí vận chuyển cho khách hàng trên khắp thế giới. Giá mỗi sản phẩm cũng ở mức thấp so với các mặt hàng tương tự.

Một ý tưởng khác cũng giành nhiều sự chú ý là đưa nghệ thuật vào các mặt hàng truyền thống thông qua bản tay người khuyết tật của nhóm ART4L. Những mặt hàng truyền thống như nón lá hay nhạc cụ được biến thành tác phẩm nghệ thuật thông qua bàn tay khéo léo của những người khuyết tật. Theo trưởng nhóm 16 tuổi của ART4L, ý tưởng được đưa ra nhằm giúp đỡ người khuyết tật có công ăn, việc làm nhằm tự chủ về mặt tài chính cũng như tiến xa hơn là lưu giữ những nét truyền thống của dân tộc. Nhóm còn có sự tham gia của một người khuyết tật với khao khát giúp đỡ bản thân và những người cùng cảnh ngộ.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên