MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vô lý như giá đô “chợ đen”

08-12-2016 - 11:38 AM | Tài chính - ngân hàng

Diễn biến tỷ giá trên thị trường tự do vừa qua là khá vô lý khi xem xét đến các yếu tố tác động vĩ mô. Tuy nhiên ở góc độ thị trường thì dường như lại không bất ngờ, bởi cứ thời điểm cuối năm thì thường tin đồn thất thiệt lại có xu hướng dày lên và năm nay không là ngoại lệ.

Giá đô-la trên thị trường tự do từ cuối tuần trước bắt đầu vượt qua ngưỡng 23 nghìn đồng/đô la Mỹ, một mức cao kỷ lục mới. Xác định giá bằng cân đối cung cầu, thị trường “chợ đen” có cái lý của nó để ấn định tỷ giá ấy, nhưng có thể khẳng định ngay rằng sự tăng tốc của giá đô la Mỹ thời điểm này có phần do tâm lý, khi mà tin đồn đổi tiền vừa được tung ra, dù là thất thiệt nhưng vẫn tác động ít nhiều.

Trên thực tế, đồng đô la Mỹ đang trong xu hướng tăng giá so với một số loại tiền tệ khác. Nếu nhìn vào diễn biến tỷ giá trung tâm do NHNN công bố được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền chủ chốt... thì xu hướng tăng giá của đô la Mỹ là khá rõ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bắt đầu từ giữa tháng 10, khi tỷ giá trung tâm vượt “ngưỡng cản” 22 nghìn đồng/USD, giá đồng tiền này liên tục tăng. Tuy nhiên trong khoảng 2 tuần nay mức giá duy trì khá ổn định, xung quanh 22,12-22,13 nghìn đồng/USD. So với hồi đầu năm, đồng Việt Nam hiện đã giảm giá khoảng 1% so với đô-la Mỹ.

Đo đếm thêm yếu tố cung cầu thị trường để ấn định giá, tỷ giá đô/đồng niêm yết tại các NHTM bắt đầu leo dốc từ giữa tháng 11. Tuy nhiên cũng như tỷ giá trung tâm, trong khoảng 2 tuần nay tỷ giá này khá ổn định, quanh mức 22,63-22,68 nghìn đồng/USD mua vào và 22,72-22,78 nghìn đồng/USD ở chiều bán ra.

Phân tích các yếu tố kỹ thuật có thể thấy mức mất giá trên của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ là phù hợp. Chẳng hạn như xét về chênh lệch lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2016 so với cùng kỳ năm trước của Việt Nam là 4,09% thì con số tương ứng của Mỹ là 1,64%. Thêm vào đó, lãi suất đồng Việt Nam trong khoảng 1 năm nay trong xu hướng giảm cũng làm cho tiền đồng giảm giá tương đối so với đồng đô la Mỹ. Nợ công tăng và trách nhiệm trả nợ lớn hơn cũng đồng nghĩa với nhu cầu ngoại tệ dùng để trả nợ tăng, tác động đến bên cầu và qua đó tạo sức ép lên tỷ giá.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, rất nhiều cân đối khác đang tác động tích cực đến tỷ giá đô/đồng. Chỉ tính trong nửa đầu năm nay, cán cân vãng lai liên tục thặng dư, lần lượt là 3,1 tỷ USD trong quý I và 2,24 tỷ USD trong quý II. Xuất khẩu ròng và chuyển giao vãng lai thặng dư lớn đang giúp cho cân đối này ở mức dương lớn. Trong khi đó, tỷ giá thương mại suốt thời gian qua, theo ghi nhận của cơ quan thống kê, cho thấy có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam, khiến cho dòng ngoại tệ đổ về có lợi cho nền kinh tế.

Một khía cạnh quan trọng nữa là tình hình vĩ mô khá ổn định. Lạm phát tăng chủ yếu do chịu tác động của điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước quản lý, bên cạnh đó là tăng giá xăng dầu. Lạm phát cơ bản ổn định ở mức hợp lý, bình quân 11 tháng so với cùng kỳ chỉ tăng 1,82%, cho thấy yếu tố tiền tệ không phải nguyên nhân chính đẩy CPI tăng cao. Ngay trong các tuần gần đây, khi tỷ giá đô/đồng xáo trộn trên thị trường “chợ đen” thì hoạt động bơm/hút tiền trên thị trường mở của NHNN vẫn diễn ra bình thường, không có biến động lớn về số tiền đẩy ra nền kinh tế.

Thế cho nên, diễn biến tỷ giá trên thị trường tự do vừa qua là khá vô lý khi xem xét đến các yếu tố tác động vĩ mô. Tuy nhiên ở góc độ thị trường thì dường như lại không bất ngờ, bởi cứ thời điểm cuối năm thì thường tin đồn thất thiệt lại có xu hướng dày lên và năm nay không là ngoại lệ.

Những tin đồn đó khiến cho “cuộc chiến” chống đô-la hóa thêm gian nan. Chỉ nhìn vào cán cân thanh toán tổng thể quý II năm nay đã có thể thấy được điều này, khi mục “lỗi và sai sót” lên đến gần 2 tỷ đô-la. Không chỉ mất đi nguồn lực cho phát triển khi đô la được “giấu dưới gầm giường, mà với một nền kinh tế mà ngoại tệ trong dân còn nhiều thì chính sách điều hành tỷ giá càng khó khăn. Ngay cả khi thặng dư cán cân thanh toán và thanh khoản ngoại tệ dư dả, thì những cú sốc tỷ giá do tin đồn vẫn buộc ngành Ngân hàng phải luôn trong tư thế sẵn sàng vào cuộc bình ổn…

Theo Anh Quân

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên