MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vỡ mộng đại dự án cao su

21-06-2018 - 07:04 AM | Thị trường

Hàng ngàn hecta rừng tự nhiên đã bị bức tử để nhường chỗ cho doanh nghiệp trồng cây cao su nhưng sau đó, cây chết hoặc kém phát triển, doanh nghiệp lại tìm cách chuyển đổi sang cây trồng khác.

Ngày 19-6, ông Kpah Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, xác nhận đã nhận được văn bản phản hồi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) về việc tỉnh này đề xuất xử lý diện tích cây cao su trồng trên đất rừng nghèo đã chết hoặc kém phát triển trên địa bàn. Tuy nhiên, chưa rõ nội dung phản hồi do ông bận họp nên chưa thể trả lời.

Phá gần 30.000 ha rừng

Từ hàng chục năm trước, do được mệnh danh "vàng trắng" nên hàng loạt doanh nghiệp (DN) đua nhau xin dự án để trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Các dự án này được DN vẽ ra như bức tranh đẹp nên tỉnh đồng ý cho chuyển đổi hàng chục ngàn hecta rừng "nghèo" để trồng cao su.

Thực hiện chủ trương phát triển cây cao su vùng Tây Nguyên đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, UBND tỉnh Gai Lai đã cho phép 16 DN triển khai 44 dự án trồng cây cao su. Tổng diện tích được cho phép chuyển đổi sang trồng cây cao su là 32.405,5 ha. Trong đó, 29.188 ha đất có rừng tự nhiên và 3.217,5 ha chưa có rừng. Tỉnh đã thu hồi 1322,8 ha giao cho đơn vị khác quản lý. Diện tích đã trồng cây cao su 25.346,4 ha, trong đó có tới 49,95% cây chết, kém phát triển.

Vỡ mộng đại dự án cao su - Ảnh 1.

Diện tích cây cao su ở xã Ia Blứ, huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai đã trồng nhiều năm nhưng kém phát triển hoặc chết

Năm 2015, qua giám sát, HĐND tỉnh Gia Lai kết luận có tới 10,2% diện tích cây cao su chết và kém phát triển; 65% diện tích cây có tỉ lệ sống thấp, kém phát triển; đặc biệt, gần 2.100 ha rừng dù đã khai thác, tận thu hàng ngàn mét khối gỗ nhưng lại không trồng cây cao su.

Chẳng hạn, tại huyện Đức Cơ, cây cao su chậm phát triển, dù đã đến tuổi khai thác nhưng thân chỉ bằng cổ tay. Còn tại huyện Chư Pứh, diện tích cây cao su hầu như èo uột, kém phát triển. Số diện tích cây kém phát triển ở các địa phương khác như Chư Prông, Ia Pa… do ít được các DN đầu tư, chăm sóc, thậm chí có dấu hiệu bỏ mặc.

Ông Lê Quang Vang - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ, huyện Chư Pứh - thừa nhận trên địa bàn có 7 DN trồng cao su từ việc chuyển đổi rừng nghèo. Vừa qua, lực lượng chức năng kiểm tra 3/7 DN thì thấy diện tích cây cao su trồng không đạt hiệu quả, như còi cọc, cháy và chết khoảng 700 ha. "Nhiều nơi có cây cao su chết. Cây trồng từ năm 2009 nhưng nay có chỗ thân chỉ bằng bắp tay. Nguyên nhân không hiệu quả do trồng trên đất không phù hợp" - ông Vang đúc kết.

Tự ý chuyển đổi

Theo UBND tỉnh Gia Lai, việc cây cao su chết, kém phát triển chủ yếu là do đất đai, thổ nhưỡng không phù hợp; tầng đất canh tác chỉ sâu khoảng 50 cm, thành phần đất cơ giới không phù hợp nên cây chỉ sinh trưởng được trong 2-3 năm đầu, những năm sau không phát triển.

Thấy trồng cây cao su không hiệu quả, nhiều DN "chán đời", tự ý chuyển đổi mục đích (trên một phần diện tích) từ cây cao su sang trồng loại cây khác. Một trong những DN đi đầu là Công ty CP Trồng rừng công nghiệp Gia Lai (thuộc Công ty Hoàng Anh Gia Lai) được giao 1.526 ha đất tại huyện Ia Pa để trồng cao su. Tuy nhiên, mới trồng một phần diện tích nhưng cây cao su rất kém phát triển nên công ty chuyển sang trồng mía và xây dựng trang trại nuôi bò.

Ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai, cho biết UBND tỉnh đã có văn bản gửi cấp trên kiến nghị cho phép các DN được trồng các loại cây khác trên diện tích cây cao su bị chết tập trung theo lô, đám và trên diện tích kém phát triển mà trước đây trồng trên diện tích đất chưa có rừng; các DN có diện tích cây cao su kém phát triển, bị chết đã trồng trên đất có rừng được thay đổi cơ cấu cây trồng khác bao gồm cây lâm nghiệp, cây nông nghiệp hoặc cây công nghiệp khác; đối với diện tích cây cao su chết, kém phát triển xin chuyển qua trồng các loại cây khác không phải mục đích lâm nghiệp, các chủ đầu tư phải thực hiện trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế vào quỹ phát triển rừng của tỉnh…

Một đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai đặt vấn đề trước khi thực hiện, các dự án được nghiên cứu như thế nào mà để dẫn đến tình trạng cây cao su chết, kém phát triển do đất đai không phù hợp. Cây cao su chết thì mục đích tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương không đạt được. Đặc biệt, các DN tự ý chuyển đổi cây trồng so với mục đích ban đầu đã kéo theo nhiều vấn đề khác, như trái luật buộc các cơ quan quản lý nhà nước phải giải quyết.

Lại ưu ái cho doanh nghiệp!

Theo báo cáo giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai, đến năm 2015, vẫn còn nhiều DN nợ khoản tiền bán gỗ tận thu từ dự án hơn 8 tỉ đồng.

Trong văn bản gửi Bộ NN-PTNT mới đây, tỉnh Gia Lai còn "ưu ái" khi đề nghị cho phép những DN có diện tích cây cao su chết, kém phát triển xin chuyển sang trồng các loại cây khác không phải mục đích lâm nghiệp được giãn thời gian trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế trong 5 năm kể từ ngày phê duyệt dự án chuyển đổi. Lý do tỉnh Gia Lai đưa ra là vì các DN gặp khó khăn về nguồn tài chính, việc trồng rừng thay thế đòi hỏi nguồn kinh phí lớn.


Theo Hoàng Thanh

Người lao động

Trở lên trên