MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vợ ủng hộ chồng có quỹ đen: Tiền ai nấy giữ, sợ nhất là chồng đưa hết tiền lương

22-03-2024 - 07:45 AM | Sống

Vợ ủng hộ chồng có quỹ đen: Tiền ai nấy giữ, sợ nhất là chồng đưa hết tiền lương

Có những cô nàng thấy phiền phức nhất là… cầm hết tiền lương của chồng.

Giấu tiền riêng là chủ đề nhạy cảm của nhiều cặp vợ chồng. Dù là vợ hay chồng, một khi phát hiện có quỹ đen thì lòng tin giữa đôi bên có thể bị ảnh hưởng, thậm chí là rạn nứt.

Tuy nhiên, có những cô nàng lại ủng hộ chồng có quỹ đen, thậm chí còn ngại ngần khi cầm hết tiền lương của chồng. Dưới đây là chia sẻ của những cặp đôi đã kết hôn về quan điểm tài chính, tiền bạc.

Được chồng cho tiền thì sướng, nhưng cầm tiền của chồng thì nhức đầu

Trước khi kết hôn, Trang Hoàng (Hà Nội) và chồng đã có những thỏa thuận thẳng thắn trong quản lý tài chính. Một trong những nguyên tắc của họ là chồng không cần đưa hết tiền lương cho vợ mà có thể tự mình giữ quỹ riêng.

Cô nàng chia sẻ: "Mình thấy việc cầm tiền của chồng khá đau đầu. Bởi trong các khoản chi tiêu, lỡ mình tiêu tiền của chồng quá nhiều sẽ nảy sinh cảm giác xót. Trong nhà mình tiền ai nấy giữ. Chi tiêu mua sắm sẽ 'có qua có lại', tức mình trả cái này thì chồng mua cái khác. Tiền chi phí sinh hoạt của cả hai thì chồng mình sẽ lo toan bởi anh là người kiếm nhiều hơn". Trang Hoàng nói thêm, hiện tại cặp đôi chưa có con nên thấy cách quản lý tài chính này thoải mái và không tạo áp lực tài chính cho vợ hay chồng.

Vợ ủng hộ chồng có quỹ đen: Tiền ai nấy giữ, sợ nhất là chồng đưa hết tiền lương- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Tương tự Trang Hoàng, Thục Anh (TP.HCM) cũng đồng tình quan điểm không nên cầm hết tiền lương của chồng. Sau nhiều năm sống chung, họ đều lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng cho từng tháng. Ngoại trừ tiền lương đóng vào quỹ chi phí sinh hoạt, quỹ tiết kiệm và quỹ đầu tư thì cả hai đều có một khoản tiền riêng cho bản thân.

Thục Anh cho biết: "Mình thấy rất ổn với việc chồng mình có tiền để trang trải cho những sở thích 'đàn ông' như đi ăn uống cùng bạn bè, mua đồ này kia… Ngược lại, chồng mình cũng ủng hộ mình tự dùng tiền riêng để đi sapa, cafe, họp hội chị em…

Như thế, cả hai đều có thể cảm thấy tự do trong chi tiêu như thời còn độc thân, thay vì muốn mua cái gì cũng phải ngửa tay xin đối phương. So với nhiều bạn nữ khác, mình không thích cầm một cục tiền của chồng, sau đó vài ba ngày lại phát cho chồng một ít để chi tiêu. Với mình, được chồng cho tiền thì sướng, nhưng cầm tiền của chồng thì nhức đầu".

Mỗi người đảm nhiệm một phần, tiền ai người đó tiêu

Trang Hoàng và Thục Anh đều đồng tình: Khi chồng không đưa hết tiền, cũng tức là bạn đang thể hiện sự tin tưởng nhất định vào đối phương. Khi cả hai đều có quỹ riêng, chỉ gộp vào các khoản chi tiêu chung thì gánh nặng tài chính sẽ không đổ dồn lên vai của ai. Đồng thời, khi có mâu thuẫn tiền bạc xảy ra, sẽ không có sự đổ vỡ niềm tin vì đối phương không biết quản lý tài chính.

Vợ ủng hộ chồng có quỹ đen: Tiền ai nấy giữ, sợ nhất là chồng đưa hết tiền lương- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Nói về cách quản lý tài chính của hai vợ chồng, Thục Anh chia sẻ: "Trong gia đình mình, thu nhập của hai vợ chồng sẽ chia làm 4 khoản. Bao gồm quỹ tiết kiệm (30% thu nhập), quỹ đầu tư (30% thu nhập), chi phí sinh hoạt dùng để chi tiêu hàng ngày trong gia đình (30% thu nhập), còn lại là quỹ riêng của hai vợ chồng. Mọi người có thể thay đổi tỷ lệ tùy thuộc vào tình hình tài chính của gia đình.

Mình cảm thấy chuyện vợ chồng có quỹ riêng thì khá tiện. Bởi vì bên cạnh các khoản cho nhu cầu cá nhân, thì có những khoản chi mà chúng mình cũng… không tiện nói với nhau lắm. Đó là tiền biếu bố mẹ hay cho các em ở đôi bên. Nếu có quỹ riêng thì chúng mình có thể chủ động hơn trong các quyết định, khỏi nảy sinh suy nghĩ nội ngoại 'bên trọng bên khinh'. Tất nhiên trong các quyết định mà động đến quỹ chung của hai vợ chồng thì vẫn cần sự bàn bạc và lắng nghe ý kiến từ đối phương".

Còn về phía Trang Hoàng, vợ chồng cô có một tài khoản ngân hàng dùng cho chi phí sinh hoạt được cả hai chuyển khoản tự động hàng tháng. Do đó, mặc dù là trên danh nghĩa chồng cô là người nắm chi phí sinh hoạt tuy nhiên Trang Hoàng vẫn nắm rõ các khoản chi tiêu của đối phương.

"Hiện tổng thu nhập của hai vợ chồng mình là khoảng 40 triệu. Thì quỹ chung bao gồm chi phí sinh hoạt là 15 triệu đồng, tiết kiệm và đầu tư là 15 triệu đồng. Còn lại mỗi đứa cầm 5 triệu đồng tự lo tiền xăng xe, quần áo, cafe và du lịch các thứ. Trong gia đình mình, không cần phải phân cụ thể ai nắm giữ tiền, chỉ cần thẳng thắn bày tỏ quan điểm và thống nhất với nhau là được", Trang Hoàng cho biết.

Theo Vân Anh

Phụ nữ mới

Trở lên trên