Với 200 triệu đồng có nên đầu tư chứng khoán?
Ảnh minh họa.
Chọn đúng cổ phiếu tăng trưởng, lướt sóng ngắn hạn cũng có thể cho nhà đầu tư mức sinh lời cao hơn so với gửi tiết kiệm trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng trưởng thời gian vừa qua.
- 18-05-2021Thị trường sôi động, công ty chứng khoán đẩy mạnh huy động hàng nghìn tỷ đồng từ trái phiếu để đáp ứng nhu cầu giới đầu tư
- 17-05-2021Cổ phiếu vaccine duy nhất trên sàn chứng khoán đột ngột tăng gấp 5 lần trong 1 tháng
- 17-05-2021Chứng khoán tuần 17-21/5: Câu chuyện lạm phát dần “ấm” lên, triển vọng cổ phiếu thép vẫn tích cực
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua một trong những giai đoạn sôi động nhất từ trước tới nay với thanh khoản thường xuyên được duy trì trên 20.000 tỷ đồng mỗi phiên.
VN-Index liên tục đi lên mạnh mẽ và đã vượt thành công đỉnh lịch sử vào phiên đầu tháng 4/2021. Hiện chỉ số này đang dừng ở mức 1.252,68 điểm, ghi nhận mức tăng 13,5% kể từ đầu năm và 89% nếu tính từ đáy Covid vào cuối tháng 3 năm ngoái.
Mức tăng trưởng ấn tượng của chứng khoán ngày càng thu hút sự tham gia sâu rộng hơn của các nhà đầu tư mới (F0) có tiền nhàn rỗi và muốn tìm kiếm kênh đầu tư có mức sinh lời cao.
Minh chứng rõ ràng nhất thể hiện qua số lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục lập kỷ lục qua từng tháng. Chỉ sau 4 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 366.816 tài khoản chứng khoán, bằng 93% lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020. Cần lưu ý thêm lượng mở tài khoản mở mới trong năm 2020 là con số kỷ lục từ trước tới nay, gần gấp đôi năm trước đó.
Việc nhà đầu tư nội ồ ạt mở tài khoản chứng khoán thời gian gần đây có nhiều yếu tố, trong đó đáng kể nhất là việc lãi suất huy động ở mức thấp trong thời gian qua. Từ đầu năm 2020 đến nay đã có nhiều đợt giảm lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng khi NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành. Mức giảm trung bình từ đầu năm 2020 đến nay là khoảng 2% kéo theo lãi suất tiền gửi tiết kiệm cũng giảm tương ứng so với đầu năm 2020.
Trên thực tế, tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước tính đến cuối tháng 4/2021 mới chỉ chiếm khoảng 3,1% dân số. Tỷ lệ nhà đầu tư chứng khoán trên dân số thậm chí còn thấp hơn con số trên do không ít người hiện có nhiều tài khoản tại các công ty chứng khoán khác nhau. Điều này cho thấy dư địa tăng trưởng lớn trong việc thu hút dòng tiền nhàn dỗi từ trong dân đổ vào chứng khoán.
Dòng tiền dồi dào và có phần táo bạo đến từ làn sóng F0 đã, đang và được kỳ vọng sẽ tiếp tục đem lại luồng gió mới cho thị trường, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy VN-Index đi lên trong thời gian tới.
Đầu tư chứng khoán, tại sao nên và không nên?
Thị trường bất động sản , thị trường đang có phần trầm lắng một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh, một phần do “cơn sốt” đất thời gian qua đã hạ nhiệt. Ghi nhận tại nhiều nơi mới xảy ra "sốt" đất như Đông Anh, Ứng Hòa, Thạch Thất (Hà Nội)…,giá bất động sản đến thời điểm này đã không còn "nhảy múa", không khí mua bán cũng ảm đạm hơn.
Không chỉ ở Hà Nội, thị trường bất động sản tại một số khu vực khác như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Đà Nẵng…đều đã bớt sôi động đi nhiều. Lượng người quan tâm đến các thị trường này cũng giảm mạnh.
Đánh giá về tình hình thị trường bất động sản thời gian qua, Bộ Xây dựng khẳng định, những chỉ số cơ bản của thị trường bất động sản như: nguồn cung, lượng giao dịch, vốn đầu tư, tín dụng, hoạt động của các doanh nghiệp vẫn duy trì sự ổn định. Trong các chỉ số của thị trường chỉ có chỉ số về giá bất động sản có nhiều biến động.
Bộ đã yêu cầu các các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương theo dõi kiểm soát và ngăn chặn, xử lý kịp thời để tránh tình trạng "sốt" đất nền lan rộng, dẫn đến mất kiểm soát, trở thành "bong bóng" bất động sản.
Thêm nữa, với số tiền khiêm tốn 200 triệu đồng, rất khó để nhà đầu tư có thể tìm được bất động sản phù hợp. Sự lựa chọn bị hạn chế có thể dẫn đến rủi ro “chôn” vốn do đầu tư vào bất động sản ít có khả năng tăng giá, thậm chí “ì ạch” trong nhiều năm.
Trong khi đó, kênh giữ tiền truyền thống của người Việt là gửi tiết kiệm chỉ đem lại mức sinh lời không mấy hấp dẫn dù đã có sự cải thiện đôi chút. Theo ghi nhận của phóng viên, từ đầu tháng 3/2021 đến nay, lãi suất huy động tại một số ngân hàng đã rục rịch tăng nhẹ từ 0,1 - 0,2%. Tuy vậy, việc điều chỉnh này chỉ xuất hiện cục bộ, mặt bằng lãi suất đến nay vẫn đang ở mức thấp nhất lịch sử.
Cụ thể, tại Kienlongbank lãi suất cao nhất là 6,75%/năm cho tiền gửi 18, 24 và 36 tháng. Trong khi đó, lãi suất cao nhất của SHB là 6,6%/năm đối với tiền gửi online hoặc gửi tiết kiệm tự động từ 36 tháng trở lên. Còn tại nhóm ngân hàng lớn, lãi suất huy động vẫn giữ ổn định ở mức thấp trong đó BIDV, Agribank và VietinBank cùng có lãi suất cao nhất là 5,6%/năm. Thậm chí Viecombank còn có lãi suất huy động thấp nhất hệ thống, ở mức 5,5%/năm.
Cần lưu ý rằng đây là khoản lãi nhận cuối kỳ và nếu chưa gửi đủ kỳ hạn mà bạn muốn rút tiền ra để sử dụng thì khoản lãi sẽ được tính theo lãi không kỳ hạn chỉ vỏn vẹn 0,1%/năm tức là sẽ âm nếu tính cả lạm phát.
Đối với chứng khoán, đầu tư dài hạn luôn phù hợp với bất kỳ ai không phải chịu áp lực tài chính trong ngắn hạn. Nhà đầu tư cần tìm hiểu, lựa chọn các doanh nghiệp đầu ngành có các yếu tố cơ bản tốt như kinh toanh tăng trưởng tích cực, tình hình tài chính lành mạnh, lãnh đạo uy tín,... mua vào khi có tiền nhàn rỗi và bỏ qua những biến động ngắn hạn.
Thị trường chứng khoán hiện có rất nhiều Bluechips đáp ứng các tiêu chí trên có thể kể đến như Vingroup, Vietcombank, Vinhomes, Hòa Phát, Vinamilk, Thế giới Di động, FPT.... Không ít nhà đầu tư đặt niềm tin, đầu tư dài hạn vào cổ phiếu các doanh nghiệp này và thu về thành quả đáng ngạc nhiên sau nhiều năm “cất tủ”.
Mặt khác, nếu lựa chọn đầu cơ, lướt sóng chứng khoán lại có phần phức tạp hơn. Giao dịch liên tục đòi hỏi khả năng sử dụng các thiết bị công nghệ, thời gian, khả năng cập nhật tin tức nhanh nhạy,... Điều này có phần phù hợp hơn với giới trẻ, các nhà đầu tư mới ưa mạo hiểm với kỳ vọng mức sinh lời cao trong thời gian ngắn.
Về cơ bản, đầu tư các cổ phiếu Bluechips rủi ro sẽ thấp hơn kèm theo khả năng sinh lời thường cũng không cao như nhóm midcap và penny ngoại trừ một vài thời điểm đột biến. Đương nhiên với khả năng tăng trưởng cao hơn, rủi ro đến từ các cổ phiếu mang tính đầu cơ cũng cao hơn.
Thực tế, nhà đầu tư hoàn toàn có thể kết hợp cả đầu tư dài hạn và đầu cơ lướt sóng để đa dạng hóa danh mục. Với số vốn không lớn, khoảng 200 triệu, nhà đầu tư có thể phân bổ phần lớn (khoảng 150 triệu) vào 1-2 cổ phiếu Bluechips cơ bản và phần còn lại khoảng 20-30% tài khoản để mua cổ phiếu đầu cơ lướt sóng.
Lựa chọn ETF tránh tình trạng "Index tăng, tài khoản giảm"
Bên cạnh đó, với sự phát triển của thị trường chứng khoán, ngày càng có nhiều quỹ ETF được ra đời, mang đến thêm những lựa chọn chất lượng cho nhà đầu tư. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trên thị trường, với các nhà đầu tư không chuyên, nhà đầu tư mới thì việc lựa chọn đầu tư vào ETF sẽ giúp họ sinh lợi tốt trong dài hạn.
Việc nắm giữ ETF sẽ giúp nhà đầu tư tránh khỏi tình trạng “Index tăng, tài khoản giảm”, cũng như giúp nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể đa dạng hóa danh mục.
Trong quý 1/2021, 2 quỹ nội SSIAM VNFinlead ETF và VFMVN Diamond ETF dẫn đầu thị trường với mức tăng trưởng lần lượt là 19,44% và 18,77%, so với mức tăng 7,93% của chỉ số VN-Index.
Một số quỹ ETF nội khác như SSIAM VNX50 ETF, SSIAM VN30 ETF, E1FVN30 đều có hiệu suất đầu tư cao hơn so với mức tăng trưởng của thị trường chung, lần lượt đạt 13,23%, 12,85% và 13,18%. Trong khi đó, quỹ ngoại FTSE ETF chỉ tăng trưởng 4,41%; V.N.M ETF tăng khoảng 9%.
Ngoài ra, một điểm khác biệt của đầu tư chứng khoán so với các kênh đầu tư khác đến từ công cụ đòn bẩy tài chính hay là còn gọi là vay ký quỹ (margin). Với margin, nhà đầu tư có thể sở hữu lượng cổ phiếu có giá trị thị trường cao hơn số tiền bạn đang có, giúp đẩy nhanh tốc độ gia tăng tài sản trong trường hợp cổ phiếu tăng giá.
Tuy nhiên, đòn bẩy cao cũng đi kèm rủi ro cao hơn khi thị trường diễn biến xấu ảnh hưởng đến cổ phiếu đang nắm giữ, dẫn tới thua lỗ sâu thậm chí “cháy” tài khoản. Do đó, công cụ này được khuyến nghị hạn chế đối với những nhà đầu tư mới tham gia thị trường.
Nhịp sống doanh nghiệp